Ai mới thực sự sở hữu Grab Việt Nam?

Ai mới thực sự sở hữu Grab Việt Nam?
4 giờ trướcBài gốc
Tăng trưởng của Grab Việt Nam năm 2024 giảm sốc
Số liệu từ báo cáo thường niên 2024 của Grab Holdings LtdSau cho thấy, Grab Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng chững lại đáng kể trong năm 2024. Theo báo cáo thường niên vừa công bố, doanh thu của Grab tại Việt Nam năm qua đạt 228 triệu USD, chỉ còn tăng 23% so với năm 2023. Đây là mức tăng trưởng giảm khá "sốc" khi so với con số 70% một năm trước đó.
Việt Nam hiện chỉ đóng góp hơn 8% vào tổng doanh thu toàn khu vực của Grab, chỉ hơn Lào và Campuchia, đứng sau các thị trường trọng điểm như Malaysia (816 triệu USD), Indonesia (643 triệu USD), Singapore (578 triệu USD), Philippines (265 triệu USD) và Thái Lan (252 triệu USD).
Một trong những nguyên nhân dẫn tới đà giảm tốc này là sức ép ngày càng lớn từ các đối thủ mới nổi. Báo cáo "Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024" của Q&Me cho thấy, tỷ lệ hài lòng đối với dịch vụ ô tô điện của Xanh SM đạt 83%, cao hơn Grab (80%) và Be Group (68%). Tỷ lệ khách hàng sẵn sàng giới thiệu dịch vụ Xanh SM thậm chí lên tới 84% đối với taxi điện và 77% với xe máy điện.
Còn theo dữ liệu từ Mordor Intelligence, trong quý IV/2024, Xanh SM đã vươn lên dẫn đầu thị trường với 37,41% thị phần, vượt qua Grab (36,62%) và bỏ xa các đối thủ còn lại như Be (5,55%), Mai Linh (4,81%) và Vinasun (2,44%). Đây là lần đầu tiên kể từ khi vào Việt Nam năm 2014, Grab bị soán ngôi tại một thị trường vốn được xem là "mỏ vàng" trong chiến lược Đông Nam Á của hãng.
Sức ép cạnh tranh đang khiến Grab Việt Nam phải đối mặt với bài toán tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh thị trường gọi xe công nghệ nội địa ngày càng có nhiều lựa chọn xanh hơn, tiết kiệm hơn cho người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Sự chững lại về doanh thu cũng vô tình phơi bày thêm những góc khuất trong cơ cấu hoạt động của Grab Việt Nam, vốn bấy lâu nay bị nghi ngờ là mô hình "vỏ nội, ruột ngoại". Đây là cách nhiều doanh nghiệp ngoại lách vào kẽ hở chính sách để "né" các thủ tục chặt chẽ liên quan tới doanh nghiệp FDI mà hệ lụy mang lại không chỉ nằm ở việc thất thu ngân sách.
Ai mới là chủ của Grab Việt Nam?
Grab cho biết mình đang trực tiếp sở hữu 49% cổ phần tại Công ty TNHH Grab (tức Grab Vietnam) nhưng vẫn kiểm soát được công ty qua một hợp đồng với người nắm giữ số cổ phần còn lại, chính là bà Lý Thụy Bích Huyền đang giữ một vị trí lãnh đạo tại Công ty TNHH Grab. Hợp đồng này có điều khoản về Grab được phép mua lại cổ phần đang được bà Huyền nắm giữ và bà Huyền không được phép bán cổ phần của mình khi chưa được Grab cho phép.
Lật lại về lịch sử thành lập của Grab tại Việt Nam. Thành lập tại Việt Nam từ tháng 2/2014 với tên gọi GrabTaxi, công ty ban đầu do ba cá nhân người Việt góp vốn: ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Nguyễn Phú Sinh và ông Trần Anh Đức. Đến năm 2016, Grab Inc (Singapore) trực tiếp nắm giữ 50,5% cổ phần, sau đó giảm xuống còn 49%, còn ông Nguyễn Tuấn Anh tăng lên sở hữu 51%.
Đáng chú ý, số vốn góp của ông Tuấn Anh được hình thành từ khoản vay ngắn hạn đúng bằng số tiền góp vốn – 10,2 tỷ đồng – từ chính Grab Inc. Phần vốn này cũng được thế chấp lại cho chính công ty mẹ. Động thái này khi đó đã đặt ra nghi vấn về việc liệu cổ đông Việt Nam có thực sự làm chủ hay chỉ mang tính hình thức để đáp ứng yêu cầu tỷ lệ sở hữu nội địa.
Đến năm 2020, bà Lý Thụy Bích Huyền thay thế ông Tuấn Anh, tiếp tục nắm giữ 51% vốn. Tuy nhiên, toàn bộ số cổ phần này nhanh chóng được bà Huyền thế chấp tại GPay Network Việt Nam là công ty con của Grab Inc. Một lần nữa, quyền kiểm soát thực sự vẫn nằm trong tay Grab nước ngoài.
Không chỉ cơ cấu sở hữu, phương thức vận hành tài chính của Grab Việt Nam cũng có nhiều điều đáng nói. Thay vì tăng vốn điều lệ, Grab liên tục bơm vốn vào Grab Việt Nam dưới hình thức khoản vay không lãi suất. Cụ thể, năm 2018 khoản vay từ Grab Inc là 1.370 tỷ đồng, năm 2019 vọt lên 5.700 tỷ đồng, và năm 2020 ghi nhận mức 5.180 tỷ đồng.
Mô hình này cho phép Grab Việt Nam hoạt động với vốn vay khổng lồ nhưng không phát sinh chi phí lãi vay, một "chiêu" nhằm tối thiểu hóa lợi nhuận trước thuế. Do lỗ kế toán liên tiếp, Grab Việt Nam gần như không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bất chấp doanh thu tăng mạnh qua các năm.
Việc "tự vay – tự trả" giữa các pháp nhân thuộc cùng tập đoàn, đi kèm việc nắm giữ cổ phần thông qua các cá nhân đại diện, giúp Grab Việt Nam vận hành như một doanh nghiệp nội địa trên danh nghĩa, nhưng thực chất mọi lợi ích kinh tế và quyền kiểm soát đều nằm trong tay công ty mẹ Grab Inc.
Mô hình "vỏ nội, ruột ngoại" không chỉ xuất hiện tại Grab Việt Nam mà còn được ghi nhận ở nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực tăng trưởng nhanh như công nghệ, thương mại điện tử, logistics... Việc tận dụng các khoảng trống trong chính sách đầu tư nước ngoài đã và đang tạo ra những thách thức cho công tác quản lý nhà nước.
Bên cạnh việc góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, thực trạng này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh.
Câu chuyện của Grab Việt Nam một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp trong nước và duy trì nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Thu Hà
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ai-moi-thuc-su-so-huu-grab-viet-nam-204250428150028604.htm