Tầm soát ung thư phổi là hoạt động nên được tiến hành định kỳ. Ảnh: internet
PGS-TS-BS. Lê Thượng Vũ (Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM): Tầm soát ung thư phổi nên được biết đến một cách rộng rãi nhưng khi thực hiện phải có chủ đích, lưu ý đến những người nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Theo nhiều khuyến cáo trên thế giới, người trên 50 tuổi và có thời gian hút thuốc trên 20 gói năm (hút 1 gói thuốc/ngày trong suốt 1 năm được tính là 1 gói năm) nên được tầm soát ung thư phổi. Khu vực châu Á có thêm một chỉ định tầm soát là những người từ 40 tuổi trở lên, thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm môi trường và trong gia đình có thành viên bị ung thư phổi.
Tầm soát bằng CT-scan liều thấp được các hiệp hội và Bộ Y tế khuyến nghị vì giảm được tỷ lệ tử vong do ung thư. Xét nghiệm máu không giúp ích trong việc tầm soát ung thư. Một số người xét nghiệm tiểu đường, mỡ máu rồi nhân đó làm cả tumor markers (chất đánh dấu ung thư), trong đó có CA, CYFRA được cho là có liên quan đến ung thư phổi. Tuy nhiên, các chỉ số này phải tăng lên rất cao mới cảnh báo ung thư.