Ai phải chịu trách nhiệm?

Ai phải chịu trách nhiệm?
4 giờ trướcBài gốc
Vụ việc thứ nhất, chiều ngày 5/10, nữ sinh L.V.G.N (học sinh lớp 11A6, Trường THPT Nông Cống II, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) trên đường đi học về, thấy nhóm học sinh lớp dưới xô xát thì đã vào can ngăn và bị đánh hội đồng, dẫn đến gãy đốt sống cổ số 2.
Vụ việc thứ hai, ngày 22/10, nam sinh tên Đ. (học sinh Trường THCS xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) bị ép ăn đất và bị đe dọa nếu không ăn thì sẽ giết.
Câu chuyện bạo lực học đường vốn dĩ vẫn thi thoảng xảy ra ở nơi này, nơi khác. Song, đi vào chi tiết 2 vụ việc nói trên, chúng ta nhận thấy, mức độ bạo lực không dừng lại ở việc xô xát, cãi cọ nữa. Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo đối với gia đình, nhà trường và xã hội, khi tính mạng con em mình có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào bởi sự manh động bộc phát của giới trẻ. Và ai phải chịu trách nhiệm trong giáo dục đạo đức, nhân cách, việc chấp hành quy định pháp luật của học sinh?
Chắn chắn rằng, trách nhiệm trước tiên thuộc về cha mẹ. Cha mẹ đóng vai trò quan trọng cốt yếu trong việc giáo dục ý thức, đạo đức và hình thành nhân cách cho con trẻ. Hàng ngày, cha mẹ cần quan tâm, săn sóc con cái, để lắng nghe được tâm tư của con, nắm bắt được tâm sinh lý của con, nhất là ở giai đoạn dậy thì và tiền trưởng thành. Mỗi ngày khi đón con đi học trở về, hoặc trong bữa cơm, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, nắm bắt thông tin. Khi con coi cha mẹ như một người bạn, sẽ kể cho cha mẹ nghe mọi chuyện mà không đề phòng. Từ đó, chúng ta kịp thời có biện pháp uốn nắn, góp ý để con tránh xa những tình huống xấu có thể xảy ra.
Một thực tế minh chứng rằng, cha mẹ vứt rác không đúng nơi quy định, con cái sẽ làm theo; cha mẹ đi ra đường không đội mũ bảo hiểm, ngồi lên xe hơi không thắt dây an toàn, con cái sẽ học theo… Cha mẹ gương mẫu, nghiêm túc, kỷ luật, nói đi đôi với làm sẽ là tấm gương phản chiếu hiệu quả hơn bất cứ thứ gì khác đối với những đứa trẻ. Chúng ta không nên phó thác hoàn toàn trách nhiệm cho nhà trường, cho xã hội, bởi con mình, do chính mình sinh ra còn chưa dạy dỗ được thì nhà trường sao có thể làm thay!
Tiếp đó là trách nhiệm của nhà trường, của thầy, cô giáo. Mối quan hệ tương tác giữa nhà trường, học sinh và phụ huynh cần duy trì chặt chẽ từng giờ, từng ngày. Sáng nay, con có đến lớp đúng giờ không; tan học rồi con có về nhà đúng mốc thời gian không; bài tập thầy, cô giao con có hoàn thành trước buổi học tiếp theo không; con có nói chuyện hay sử dụng điện thoại trong giờ học không…? Mọi sự biến động này, giữa nhà trường - phụ huynh phải luôn sát sao, phối hợp nhịp nhàng. Đây chính là kênh giám sát con trẻ một cách hiệu quả, tránh để xảy ra những điều đáng tiếc như câu chuyện bạo lực học đường vẫn đang âm ỉ diễn ra ở nơi này, nơi khác.
Và cuối cùng, là trách nhiệm của xã hội. Việc tuyên truyền, biểu dương những tấm gương sáng, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật… cần được thực hiện thường xuyên đối với các thế hệ học sinh. Qua đó, tác động vào tâm trí, giúp giới trẻ tiếp nhận những thông tin, kiến thức bổ ích theo chiều hướng tích cực, triệt tiêu những suy nghĩ, hành động tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật.
Những vụ việc bạo lực học đường xảy ra cần được cơ quan chức năng, nhà trường xử lý nghiêm khắc, đúng quy định, không dung túng, bao che để tạo sự răn đe đối với những đứa trẻ.
Anh Tuấn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ai-phai-chiu-trach-nhiem-10293021.html