Hơn 50% bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn muộn
Theo số liệu từ GLOBOCAN 2022, ung thư dạ dày đứng thứ 5 về số ca mắc mới (968.784 ca) và tử vong (660.175 ca) trên toàn Thế giới. Tại Việt Nam, căn bệnh này cũng nằm trong top 5 ung thư phổ biến, với 16.277 ca mắc mới và 13.264 ca tử vong mỗi năm.
Đáng chú ý, hơn 50% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn hoặc xâm lấn sâu, làm giảm cơ hội điều trị triệt căn.
Tại Việt Nam, căn bệnh nằm trong top 5 ung thư phổ biến, với 16.277 ca mắc mới và 13.264 ca tử vong mỗi năm. Ảnh minh họa
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ như đau bụng, khó tiêu, dễ nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày thông thường. Đến khi bệnh nhân sụt cân, nôn ra máu, khối u đã ở giai đoạn muộn. Đây chính là lý do gây tỷ lệ tử vong cao.
Ngoài ra, ung thư dạ dày giai đoạn sớm (khi tổn thương chưa vượt qua lớp niêm mạc) có tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên đến 90%. Tuy nhiên, ở giai đoạn di căn, tỷ lệ này giảm xuống dưới 10%. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp điều trị ít xâm lấn (như cắt niêm mạc qua nội soi) mà còn tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Các phương pháp sàng lọc ung thư dạ dày
Theo PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể cứu sống hàng nghìn bệnh nhân mỗi năm. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa nâng cao nhận thức cộng đồng và ứng dụng các phương pháp sàng lọc hiệu quả.
Nội soi dạ dày là tiêu chuẩn vàng trong đánh giá khối u và sinh thiết chẩn đoán xác định bệnh. Ảnh: BVCC
Cụ thể, các phương pháp sàng lọc ung thư dạ dày hiện nay như:
Xét nghiệm Helicobacter pylori (HP) và Pepsinogen
- HP là vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, làm tăng nguy cơ ung thư gấp 2-6 lần. Xét nghiệm kháng thể HP trong máu hoặc hơi thở giúp xác định nhiễm khuẩn.
- Pepsinogen là protein do dạ dày tiết ra. Khi niêm mạc dạ dày teo (dấu hiệu tiền ung thư), nồng độ Pepsinogen I giảm và tỷ lệ Pepsinogen I/II thấp.
Khi kết hợp xét nghiệm HP và Pepsinogen giúp đánh giá nguy cơ ung thư ở nhóm bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính, từ đó bác sĩ sẽ có các chỉ định nội soi sâu hơn.
Nội soi dạ dày - Tiêu chuẩn vàng trong đánh giá khối u và sinh thiết chẩn đoán xác định bệnh
- Nội soi cho phép quan sát trực tiếp tổn thương, sinh thiết mô để xác định ung thư. Công nghệ nội soi phóng đại và nhuộm màu (NBI, BLI) giúp phát hiện tổn thương sớm khi khối u chỉ vài milimet.
“Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao - nội soi định kỳ được đưa vào chương trình sàng lọc quốc gia. Đây là lý do giúp tỷ lệ phát hiện sớm ở hai nước này lên đến 70%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 10%”, PGS.TS. Phạm Cẩm Phương thông tin.
Bên cạnh đó, các chỉ dấu như CEA, CA 19-9, CA 72-4 thường tăng trong ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Tuy nhiên, độ nhạy chẩn đoán khi dùng đơn lẻ chỉ 18-71%, và 30% bệnh nhân giai đoạn sớm có kết quả âm tính.
Người bệnh lưu ý, chỉ dấu khối u không đủ độ tin cậy để sàng lọc, nhưng hữu ích trong theo dõi tái phát sau điều trị. Chẳng hạn, nếu CA 72-4 tăng đột ngột ở người bệnh ung thư dạ dày, cần cảnh giác bệnh đã tái phát, di căn.
Đột phá trong sàng lọc: Từ AI đến sinh học phân tử
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi là AI có khả năng phân tích hình ảnh nội soi, phát hiện tổn thương vi thể mà mắt thường bỏ qua. Một nghiên cứu tại Nhật Bản (2023) cho thấy AI tăng độ chính xác chẩn đoán tổn thương tiền ung thư lên 95%.
Ngoài ra, xét nghiệm sinh học phân tử bao gồm:
- Liquid biopsy: Phân tích DNA khối u lưu hành trong máu (ctDNA) để phát hiện đột biến gen liên quan ung thư dạ dày như TP53, HER2.
- MicroRNA: Một số miRNA như miR-21, miR-106a tăng cao trong máu bệnh nhân ung thư dạ dày, có tiềm năng trở thành công cụ sàng lọc không xâm lấn.
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương đánh giá: “Những công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng hứa hẹn cách mạng hóa sàng lọc ung thư dạ dày. Trong tương lai, chúng ta có thể kết hợp AI, liquid biopsy và nội soi để tối ưu hóa độ nhạy”.
Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhân N.T.H. (54 tuổi, Hà Nội) nhập viện vì đau xương háng và sờ thấy hạch cổ.
Qua thăm khám, bệnh nhân có kết quả chẩn đoán: Ung thư dạ dày di căn xương, hạch, giai đoạn IV, với chỉ số CEA và CA 72-4 tăng cao (243 ng/mL và 300 ng/mL). Tại bệnh viện, sau 6 chu kỳ hóa chất phác đồ FLOT, khối u thu nhỏ, chỉ dấu khối u về mức bình thường, bệnh nhân đi lại được và không còn đau đớn.
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là minh chứng cho thấy ngay cả ở giai đoạn muộn, việc kết hợp hóa trị và theo dõi sát chỉ dấu khối u vẫn mang lại cơ hội kéo dài sự sống.
Theo đó, nhóm nguy cơ cao (tiền sử gia đình, nhiễm HP, viêm teo dạ dày) nên nội soi định kỳ 2 năm/lần. Khi có triệu chứng báo động (sụt cân, thiếu máu, nôn ra máu), cần nội soi ngay.
Bác sĩ khuyến cáo, ung thư dạ dày không phải án tử nếu được phát hiện sớm. Mọi người hãy chủ động tầm soát, tránh đợi đến khi có triệu chứng gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Xuân Quý