Aleksandr Kalinin - nhà tình báo không từ bỏ cuộc chơi

Aleksandr Kalinin - nhà tình báo không từ bỏ cuộc chơi
9 giờ trướcBài gốc
Ứng viên sáng giá
Aleksandr Kalinin làm việc tại Bộ Ngoại thương Liên Xô. Không nghi ngờ gì nữa, nếu tiếp tục, ông sẽ có một sự nghiệp vững vàng ở đó. Thế nhưng, trên con đường của ông, bất ngờ xuất hiện một “đại tá đội mũ”. “Đại tá đội mũ” là cách người ta gọi đùa các sĩ quan của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) chuyên tuyển chọn ứng viên cho ngành tình báo quân sự. Viên sĩ quan tuyển mộ này đã nghiên cứu hồ sơ cá nhân của các nhân viên và chỉ chọn ra một người duy nhất - đó là Aleksandr Kalinin.
Aleksandr Kalinin (thứ 2 từ phải sang) ở Moscow năm 1978.
Thực ra mà nói, thật khó bỏ qua một ứng viên như vậy. Lý lịch xuất sắc: gia đình nền nếp, học hành đầy đủ, tốt nghiệp đại học, từng có kinh nghiệm làm việc ở Bộ Ngoại thương. Thêm vào đó, ông còn là chi ủy viên, vận động viên thể thao, và luôn được đánh giá cao ở mọi nơi.
Kalinin được gọi nhập ngũ từ lực lượng dự bị với quân hàm trung úy. Tổng cộng có khoảng bốn chục người như ông, một số được triệu tập từ lực lượng dự bị, số khác được điều động về GRU, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ quân đội.
Bấy giờ là năm 1969. Các tân binh được gửi đi đào tạo một năm tại Học viện Quân sự - Ngoại giao. Kalinin tốt nghiệp xuất sắc khóa học này và được phân về Ngành thứ nhất.
Ngành thứ nhất được gọi là “vỏ bọc”. Tại đây tập trung những người chuẩn bị đi công tác nước ngoài dưới danh nghĩa cán bộ đại sứ quán, cơ quan đại diện thương mại, hãng thông tấn TASS, APN, văn phòng đại diện Hải quân, Hãng Aeroflot.
Trung úy Aleksandr Kalinin hy vọng sẽ được giới thiệu về Bộ Ngoại thương, nơi ông từng làm việc, nhưng ông lại được điều về Vụ Quan hệ Quốc tế thuộc Bộ Giao thông Đường sắt.
Tòa nhà Viện Năng lượng Nguyên tử Mỹ.
Kalinin được thông báo trước rằng ông sẽ đi công tác Thái Lan. Ông bắt đầu tìm hiểu về khu vực này, nhưng một cuộc điện thoại bất ngờ đã cắt ngang công việc của ông. Người gọi là Đại tá Oleg Chernyakhovsky thuộc Cục 3 của GRU. Đại tá hỏi thăm tình hình công tác của Kalinin tại Bộ Ngoại thương. Kalinin đành phải làm ông thất vọng, khi thú thật rằng mình đang làm việc tại Bộ Giao thông Đường sắt.
Rõ ràng, Chernyakhovsky rất ngạc nhiên khi nghe tin này. Thời gian gấp rút, Kalinin cần chuẩn bị đi công tác nước ngoài, nhưng lại đang ngồi nhầm chỗ. Ngay lập tức, ông được chuyển về Bộ Ngoại thương để giữ đúng “kịch bản” của mình và “tỏa sáng” tại nơi làm việc.
Tháng 5/1969, cùng vợ và cậu con trai nhỏ, Aleksandr Kalinin lên đường sang Mỹ. Chức vụ chính thức của ông là “kỹ sư trưởng tại văn phòng cố vấn thương mại thuộc Đại sứ quán Liên Xô ở Washington”.
Tiếp cận Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ
Thú thật, rất nhiều nhà tình báo trẻ mơ ước được đến Mỹ. Trung úy Aleksandr Kalinin cũng mang theo những cảm xúc như vậy khi đặt chân đến đất nước này.
“Nhiều năm sau, - Aleksandr Kalinin nói, - khi ngẫm lại tất cả những gì đã xảy ra với tôi ở Mỹ, có thể nói: chuyến công tác đầu tiên ấy thực sự không thành công. Tôi liên tục gặp xui xẻo. Không phải trong công việc, mà là trong cuộc sống riêng tư. Chỉ một tháng sau, vợ tôi phải nhập viện để phẫu thuật. Thế là tôi phải một mình nuôi đứa con trai 6 tuổi: lo ăn, lo uống, chăm sóc…”.
May mắn thay, vợ ông chóng bình phục. Nhưng trước mắt Aleksandr Kalinin đặt ra 3 nhiệm vụ lớn, phải giải quyết cùng lúc.
Nhiệm vụ thứ nhất là nắm vững ngôn ngữ. Đúng là ông biết tiếng Anh khá tốt. Nhưng tiếng Anh và tiếng Mỹ rất khác nhau. Ông cảm nhận điều đó ngay từ những ngày đầu tiên, khi ghé vào một trạm xăng.
Nhiệm vụ thứ hai là tìm hiểu thành phố và các vùng ngoại ô. Không còn cách nào khác. “Tôi đi bộ, đi xe rất nhiều, - Kalinin nhớ lại. - Chúng tôi chỉ được phép hoạt động trong phạm vi 40 dặm. Một lần, tôi vô tình vượt qua ranh giới cho phép, đúng hôm đó lại bị theo dõi. Thậm chí xe tôi còn trượt xuống vệ đường và mắc kẹt. Các nhân viên phản gián Mỹ cũng dừng lại. Không còn cách nào khác, tôi bước ra và nhờ họ quay đầu xe. Họ đã giúp, và không gây ra hậu quả gì”.
Nhiệm vụ thứ ba là tiếp cận cơ sở được giao. Khi Aleksandr Kalinin nghe tên cơ quan đó, quả thật, ông hồi hộp đến nghẹt thở. Cơ sở này được gọi là Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ.
Tòa nhà Bộ Ngoại thương Liên Xô.
Lúc đầu, Kalinin không thể hình dung nổi mình sẽ tiếp cận cơ quan này bằng cách nào. Tuy nhiên, ngay cả ở một nơi tuyệt mật như vậy vẫn có những con người làm việc - với thói quen, tính cách và quan điểm sống riêng. Ví dụ, họ thích đến tiệm pizza yêu thích vào cuối tuần. Ở đó, họ không chỉ ăn pizza mà còn hát hò, vui chơi. Aleksandr Kalinin bắt đầu lui tới đó vào các ngày Chủ nhật. Ông kết bạn với những người Mỹ, khoác vai nhau ca hát vui vẻ.
Kết bạn với những người trong một tổ chức như vậy không phải dễ dàng - cần có thời gian. Nhưng số phận không cho ông đủ thời gian. Cả chuyến công tác của Kalinin tại Mỹ chỉ kéo dài một năm rưỡi. Tuy vậy, có thể khẳng định rằng ông đã kịp làm quen với một số chuyên gia trong Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, và rất có thể, những mối quan hệ đó sẽ phát triển và mang lại kết quả, nhưng…
Aleksandr Kalinin đã phải chịu một cú đòn bất ngờ mà ông hoàn toàn không chờ đợi. Đáng tiếc nhất là trong tình huống này, mọi chuyện không phụ thuộc vào ông. Tuy nhiên, đó là chuyện sau này. Còn lúc bấy giờ, ông vẫn đang miệt mài làm việc và tích lũy kinh nghiệm.
"Một lần, có một người tốt bụng đến văn phòng cố vấn thương mại, - Aleksandr Kalinin kể. - Anh ta nói muốn gặp tôi. Tôi đồng ý, và chúng tôi hẹn đi ăn trưa với nhau vào ngày hôm sau.
Khi bước vào nhà hàng, nơi anh ta đang đợi sẵn, tôi lập tức cảm thấy có điều gì đó không ổn. “Người tốt bụng” đến trước, ngồi quay mặt về phía cửa ra vào, còn tôi thì anh ta sắp xếp ngồi quay lưng về phía đó. Không còn cách nào khác, tôi đành ngồi xuống.
Anh ta nói: “Tôi hứa chuyển tuyển tập các hợp đồng quân sự cho thủ trưởng của anh”. Đó là một cuốn sách rất dày bao gồm các hợp đồng quân sự của các công ty Mỹ. Khỏi phải nói, tài liệu này vô cùng giá trị. Nhưng tôi có cảm giác rõ ràng đây là một cái bẫy. Nếu tôi nhận, có thể họ sẽ ngay lập tức bắt tôi. Tôi nói: “Nếu anh đã hứa với thủ trưởng của tôi thì anh nên tự mang đến cho ông ta, chắc chắn ông ta sẽ rất vui. Còn tôi thì không tiện lắm”.
Sau cuộc gặp, tôi lập tức đến báo cáo với thủ trưởng cơ sở tình báo. Ông ấy tán thành cách xử lý của tôi, nhưng cũng nuối tiếc nói rằng: “Giá mà có được cuốn tài liệu đó thì tốt biết mấy”. Cuối cùng, tôi phải nỗ lực rất nhiều để vừa tránh gặp rắc rối, vừa lấy được tập tài liệu đó".
Năm 1970. Một buổi tối, lãnh đạo cơ sở tình báo gọi Kalinin đến gặp. Nhìn vẻ mặt của thủ trưởng, Trung úy Kalinin biết ngay có chuyện chẳng lành. Không vòng vo, vị chỉ huy cho biết rằng Petrov - một đồng nghiệp của ông từng học tại Học viện Quân sự - Ngoại giao - đã phản bội và trốn sang Mỹ.
Aleksandr Kalinin được cảnh báo và yêu cầu cẩn trọng hơn. Không lâu sau, ông nhận được lệnh trở về nước.
Ngày 29/12/1970, Aleksandr Kalinin cùng gia đình trở về Moscow. Sau này ông mới biết, nhiều bạn học của ông cũng bị triệu hồi từ nước ngoài và bị sa thải khỏi ngành tình báo quân sự. Kalinin gặp may, ông được giữ lại, nhưng bị cấm ra nước ngoài suốt 10 năm trời.
Đại tá Oleg Chernyakhovsky.
"Vỏ bọc" xứng tầm, chức vụ sang trọng
Aleksandr Kalinin trở về lĩnh vực cũ của mình. Ông được bổ nhiệm làm chuyên gia cho Chủ tịch một tập đoàn lớn. "Vỏ bọc" xứng tầm, chức vụ thì sang, nhưng, nói chính xác là không thật sự phù hợp với tính cách của ông. Bởi để tiếp xúc chặt chẽ với khách hàng, cần phải có những điều kiện phù hợp. Và thế là Aleksandr Kalinin thuyết phục được ban lãnh đạo giữ nguyên chức danh chuyên gia, đồng thời bổ nhiệm ông làm Phó Giám đốc công ty phụ trách đối ngoại.
Aleksandr Kalinin bắt đầu can thiệp vào công việc của công ty và nhận ra rằng cần phải thay đổi căn bản chính sách mua sắm. Trước đây, công ty chỉ tập trung vào hoạt động bán lẻ. Tuy điều đó không hoàn toàn vô ích, nhưng xét cho cùng, nó chưa xứng tầm.
Trái lại, việc mua sắm thiết bị để thiết lập hệ thống liên lạc vệ tinh giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin, hay xây dựng hệ thống điều khiển giao thông tàu thủy bằng máy tính ở eo biển Nakhodka là vấn đề hoàn toàn khác.
Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các doanh nhân nước ngoài, ký kết các hợp đồng, Kalinin đã xây dựng được nhiều mối quan hệ cần thiết, hữu ích không chỉ trong hoạt động của "vỏ bọc" mà còn trong hoạt động tình báo.
Aleksandr Kalinin (bìa trái) ở Katmandu (Nepal) năm 1982.
Không thể không nhắc đến một tình huống nữa. Vào những năm 1970, ở Liên Xô, bất kỳ ai có tiếp xúc với người nước ngoài đều bị Ủy ban An ninh Quốc gia giám sát. Và các sĩ quan tình báo quân sự như Aleksandr Kalinin cũng không ngoại lệ.
Theo thời gian, các thám tử cũng quen dần với ông và để yên. Nhưng lúc đầu, hễ ông vừa ngồi xuống bàn với người quen nước ngoài trong nhà hàng "National", là ngay lập tức bồi bàn mang bàn khác đến kê bên cạnh - ngồi đó là các “tai mắt” với vẻ mặt lạnh tanh và ly bia trên tay. Dù có chuẩn bị tâm lý thế nào cũng không tránh khỏi bị ức chế.
Hai nhiệm kỳ 5 năm ở Moskva, Aleksandr Kalinin làm việc cực kỳ hiệu quả, toàn tâm toàn ý. Năm 1978, cuối cùng ông nhận được mệnh lệnh mong đợi từ lâu - đi công tác dài hạn tại Nepal. Ông trở về Moskva năm 1983. 3 năm sau, ông lại được đề nghị sang Ấn Độ làm chuyên gia tại cơ quan đại diện thương mại của Liên Xô. Lẽ ra chỉ làm việc 3 năm, nhưng ông đã ở lại đến 5 năm.
Aleksandr Kalinin từng nói: “Chúng tôi đã thu thập được những thứ mà người khác không thể”. Bằng chứng là những đánh giá cao về công việc của ông trong thời gian công tác tại Ấn Độ. Khi trở về từ New Delhi, Aleksandr Kalinin đã được trao tặng Huân chương “Vì phục vụ Tổ quốc trong Lực lượng Vũ trang” hạng III - một phần thưởng cao quý.
Năm 1994, Aleksandr Kalinin kết thúc sự nghiệp trong ngành tình báo quân đội với quân hàm Đại tá và chính thức nghỉ hưu.
Kim Thanh Hằng
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/aleksandr-kalinin-nha-tinh-bao-khong-tu-bo-cuoc-choi-i769239/