Các tay súng đối lập Syria trên quảng trường Saadallah al-Jabiri sau khi chiếm giữ được thành phố Alleppo, ngày 30/11/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Lực lượng đối lập, hiện là những người cầm quyền trên thực tế của Syria, đã bắt đầu tạo dấu ấn của họ trong chính phủ nước này.
Họ chỉ mới kiểm soát Aleppo hai tuần trước, nhưng cảnh sát đã có mặt trên đường phố với đồng phục mới, các viên chức hành chính đang bận rộn trong các hành lang của chính phủ và dán những tấm áp phích trên cột đèn có mã QR hướng dẫn mọi người cập nhật về chính sách của chính phủ.
Thay thế chính quyền cũ là một loạt các phe nhóm đối lập do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo – là một nhóm Hồi giáo đã cố gắng giành được tính hợp pháp quốc tế mặc dù vẫn chỉ trích vì các chiến thuật của mình. Nhóm này đã kiểm soát hầu hết tỉnh Idlib ở phía tây bắc Syria trong nhiều năm, ủng hộ một hệ tư tưởng Hồi giáo Sunni bảo thủ và đôi khi là cứng rắn.
Trong khi mọi sự chú ý đang đổ dồn vào kế hoạch tương lai của HTS và các nhóm đồng minh, thì Aleppo đã đưa ra những gợi ý ban đầu về cách nhóm này có thể tiếp cận chính quyền, ít nhất là trong tương lai gần. Tại một đất nước bị chia rẽ sâu sắc sau 13 năm nội chiến, HTS đang cam kết sẽ duy trì an ninh và tính liên tục, nhằm tránh tình trạng khoảng trống quyền lực như đã từng xảy ra sau các cuộc cách mạng hoặc thay đổi chế độ khác của người Arab.
Trong tuần qua, người dân cho biết thành phố đã có những tia sáng bình thường, bày tỏ một số hy vọng về tương lai.
Lực lượng đối lập đã chiếm được phần lớn thành phố Aleppo vào ngày 27/11, đây là nơi đầu tiên thất thủ dẫn đến sự sụp đổ domino và cuối cùng là thủ đô Damascus vào ngày 8/12. Sau khi chiếm được Aleppo, các chiến binh đã di chuyển, để lại thành phố trong tay các quan chức để bảo vệ các thể chế chính phủ. Thông tin này được Ahmed al-Shara, thủ lĩnh của HTS, còn được biết đến với biệt danh Abu Mohammad al-Jolani, cho biết.
Trong một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của lực lượng mới lên nắm quyền nhằm chứng minh rằng đất nước đang nằm trong tay những người có năng lực, chính phủ lâm thời đã bổ nhiệm ông Mohammed al-Bashir làm thủ tướng lâm thời vào ngày 10/12. Ông al-Bashir trước đây từng là người đứng đầu chính quyền do lực lượng đối lập điều hành ở tây bắc Syria.
Tại Aleppo, các áp phích mới đã nhanh chóng xuất hiện. Trên một tấm áp phích, tân Bộ trưởng tư pháp Syria, Shadi Muhammad al-Waisi, tuyên bố rằng kỷ nguyên áp bức đã kết thúc. Từng là trung tâm thương mại của Syria, các nhà máy và doanh nghiệp của Aleppo đã bị hư hại hoặc phá hủy phần lớn trong cuộc nội chiến. Tấm áp phích có dòng chữ "Công lý và bình đẳng là những người cai trị sau ngày hôm nay".
Một tấm khác có hình ảnh bộ trưởng tài chính và biểu chữ: "Hãy yên tâm, người dân Aleppo, tài sản và tiền bạc của các bạn được bảo vệ".
Người dân Syria trở về quê hương qua cửa khẩu biên giới Cilvegozu ở Reyhanli, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phe đối lập và các quan chức chính phủ mới đã ngần ngại phát biểu trước công chúng, vì hầu hết các tuyên bố công khai đều đến từ ông al-Shara. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, ông al-Shara cho biết nhóm của ông đã thảo luận về các kế hoạch điều hành trước khi họ phát động chiến dịch tấn công, mặc dù ông không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong các tuyên bố và bài phát biểu công khai, nhóm này dường như muốn tránh những sai lầm đã mắc phải trong các cuộc thay đổi chế độ trước đây ở Trung Đông. Tại quốc gia láng giềng Iraq, sau sự sụp đổ của chính quyền Saddam Hussein, một chính sách được gọi là “phi Baath hóa” đã đẩy ít nhất 50.000 thành viên Đảng Baath của ông Hussein ra khỏi các công việc của chính phủ, làm sâu sắc thêm sự phẫn nộ và chia rẽ trong nước.
Vào ngày 9/12 tại Aleppo, một chỉ huy của nhóm đối lập đã hỏi các thành viên của Hội đồng thành phố ở Aleppo rằng họ có sẵn sàng tiếp tục làm công việc của mình không. Tất cả họ đều tỏ ra sẵn sàng.
Ngay sau khi lực lượng đối lập chiếm được Aleppo, thành phố choáng váng nhưng vẫn rất yên tĩnh. Có rất ít tiếng súng ăn mừng và sự phá hủy tài sản công cộng như đã xảy ra ở Damascus. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày sau khi lực lượng đối lập chiếm được thành phố, giá cả tại các cửa hàng, phí phương tiện giao thông công cộng và giá xăng đã tăng vọt. Giá vé xe buýt nhỏ tăng gấp bốn lần từ 1.000 bảng Syria lên 4.000 bảng Syria, tương đương khoảng 1,6 USD.
Sau đó, cư dân cho biết một số chi phí đã ổn định, và mặc dù có báo cáo về nạn trộm cắp, nhiều người cho biết họ bắt đầu cảm thấy an toàn hơn. "Tình hình ở Aleppo đang bắt đầu tốt hơn", Mahmoud Yousef, 40 tuổi, một cư dân lâu năm cho biết. "Chúng tôi bắt đầu cảm thấy an toàn hơn một chút".
Người dân tại một khu chợ ở Hama, Syria. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân vẫn còn e ngại về việc nói chuyện công khai hoặc chỉ trích lực lượng đối lập.
Một cư dân ở Sulaymaniyah, một khu phố Cơ đốc giáo trong thành phố, cho biết chủ sở hữu của một số cửa hàng rượu đã bán hết hầu hết hàng hóa của họ khi lực lượng đối lập bắt đầu tiến vào thành phố, vì lo ngại rằng hàng tồn kho của họ sẽ bị phá hủy. Tuy nhiên, các lực lượng mới tiến vào đã không đến gần các cửa hàng, ông này cho biết.
Người theo đạo Cơ đốc chiếm khoảng 5% dân số Syria, bằng một nửa so với trước chiến tranh. Vào ngày phe đối lập chiếm được Aleppo, một số chiến binh được cho là đã đến nhà của những người theo đạo Thiên chúa để trấn an họ về sự an toàn.
Mặc dù Syria là quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi dòng Sunni, nhưng nước này có nhiều cộng đồng người theo đạo Thiên chúa, Druse và các giáo phái khác nhau của đạo Hồi. Ông al-Shara đã cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân về chính quyền mới.
Các nhà phân tích cho rằng cách đối xử của lực lượng cầm quyền mới đối với các nhóm thiểu số có thể là dấu hiệu về cách họ sẽ mở rộng chính sách từ khu vực của mình — nơi dân số chủ yếu là người Hồi giáo bảo thủ — sang phần còn lại của Syria.
Nhưng đối với một số người Syria, những lời hứa mà chính phủ mới đưa ra có thể là chưa đủ.
Ông Yousef, một cư dân lâu năm của Aleppo, cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng hệ thống chính quyền đã thay đổi ở đất nước này, nhưng chúng tôi cũng lo ngại rằng chúng tôi sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp khó khăn phía trước".
Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)