Thủ tướng lâm thời Mohammad al-Bashir thừa nhận Syria đang kiệt quệ sau cuộc chiến kéo dài 13 năm, với hàng trăm nghìn người thiệt mạng, các thành phố bị tàn phá và nền kinh tế suy yếu bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. (Nguồn: South China Morning Post)
Trong bài viết trên kênh Telegram của truyền hình quốc gia Syria, ông al-Sharaa khẳng định những người liên quan đến các hành vi tra tấn hoặc giết hại tù nhân sẽ bị truy bắt và không được ân xá.
“Chúng tôi sẽ truy đuổi họ ở Syria cũng như kêu gọi các nước giao nộp những kẻ đã chạy trốn nhằm thực thi công lý”, ông al-Sharaa nhấn mạnh.
Ngay sau khi chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, hàng nghìn người Syria đã đổ về các nhà tù khét tiếng để tìm kiếm thông tin người thân. Một số may mắn được thả, số khác được xác nhận là đã chết và nhiều người vẫn mất tích.
Ông al-Sharaa là lãnh đạo nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - lực lượng mạnh nhất ở Syria thời điểm hiện tại.
Giờ đây, lãnh đạo phe đối lâp đang phải đối mặt với một bài toán khó: Vừa đảm bảo công lý cho các nạn nhân, vừa ngăn chặn bạo lực trả thù và thu hút viện trợ quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Mohammad al-Bashir, người đứng đầu chính phủ lâm thời, đã đặt mục tiêu đưa hàng triệu người tị nạn Syria trở về, xây dựng sự đoàn kết trong xã hội và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Tuy nhiên, ông này thừa nhận, Syria đang kiệt quệ sau cuộc chiến kéo dài 13 năm, với hàng trăm nghìn người thiệt mạng, các thành phố bị tàn phá và nền kinh tế suy yếu bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Mặc dù Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực ở Syria, HTS vẫn bị Mỹ, Liên minh châu Âu và LHQ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Mỹ đang nỗ lực để ổn định tình hình Trung Đông. Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tới khu vực này nhắm hỗ trợ một lệnh ngừng bắn tại Gaza và đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực tại Syria.
Nhiều nước phương Tây cũng cảnh báo các cường quốc bên ngoài không nên can thiệp quân sự và nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Syria.
Đức, Pháp yêu cầu các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel kiềm chế những hành động có thể gây hại cho quá trình chuyển giao quyền lực.
(theo South China Morning Post)
Ngọc Anh