Ám ảnh chuyện tập văn nghệ cuối năm của dân văn phòng

Ám ảnh chuyện tập văn nghệ cuối năm của dân văn phòng
6 giờ trướcBài gốc
Tập đến khuya nhưng lên diễn...không ai xem
Hương Lan (23 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội) mệt mỏi trở về nhà khi kim đồng hồ đã chỉ sang con số 10. Cả ngày chạy deadline chưa đủ, Lan còn phải ở lại văn phòng để tập tiết mục múa cho bữa tiệc tất niên sắp tới.
Lan vừa gia nhập công ty được vài tháng nên không dám từ chối khi được phân công tham gia đội hình biểu diễn của phòng. "Bài múa truyền thống 6 người này đúng kiểu 'bài tập về nhà' mà cấp trên giao thêm. Công việc cuối năm vốn bận rộn, nhưng sếp vẫn yêu cầu nhân viên dành thời gian tập luyện sau giờ làm. Ai cũng mệt và chẳng mấy hào hứng, nhưng không dám nói thẳng", Lan chia sẻ.
Hương Lan phải tập văn nghệ cuối năm đến 10h tối. (Ảnh: NVCC)
Những buổi tập diễn ra vào thứ Hai, Tư và Sáu hàng tuần, kéo dài từ 18h đến 21h tại phòng họp công ty. Vài ngày gần đây, không khí tập luyện càng căng thẳng khi chỉ còn một tuần nữa là đến tiệc tất niên, nhưng bài múa vẫn chưa được hoàn thiện.
"Vốn dĩ mọi người trong phòng không ai muốn tham gia, nhưng vì ngại cấp trên, tất cả đành đồng ý. Khi bắt tay vào tập, không ít người liên tục viện lý do vắng mặt hoặc thoái thác trách nhiệm", Lan than thở.
Bị giao nhiệm vụ trưởng nhóm, ngoài việc tập luyện, Lan còn phải lên ý tưởng động tác, phân chia vai trò và quản lý giờ giấc của từng thành viên. "Cảm giác như mình đang làm thêm giờ không lương vậy. Chúng mình đều muốn biểu diễn qua loa cho xong, nhưng cũng sợ bị chê bai nếu tiết mục thiếu chỉn chu", cô nói thêm.
Hùng Anh (27 tuổi, làm việc tại một công ty công nghệ ở TP.HCM) cũng trong tình cảnh tương tự. Chẳng biết từ khi nào, anh bị “mặc định” là người đại diện phòng tham gia các hoạt động văn nghệ bởi từng hát một bài trong sự kiện công ty.
“Năm ngoái, tôi chỉ hát vui một bài khi mọi người yêu cầu. Không ngờ từ đó, sếp luôn mặc định rằng mình có năng khiếu nghệ thuật và giao tôi phụ trách tiết mục của phòng ban”, Hùng Anh kể, giọng đầy bất mãn.
Năm nay, công ty tiếp tục yêu cầu mỗi phòng ban chuẩn bị một tiết mục biểu diễn trong tiệc tất niên. Khi nhóm chat chung vừa nhắc đến vấn đề này, không khí bỗng chùng xuống. “Không ai muốn nhận trách nhiệm, mà mình thì bị sếp trực tiếp gọi tên vì ‘lý do quen thuộc’: Hùng Anh hát hay mà, cậu lo luôn đi!”.
Dù không hứng thú, Hùng Anh không thể từ chối vì áp lực từ cấp trên. Để tránh làm mọi việc một mình, anh cố gắng rủ thêm vài đồng nghiệp tham gia nhưng gặp vô số khó khăn.
“Người thì nói không có thời gian, người khác viện cớ bận việc gia đình. Mình phải xoay sở một mình, từ chọn bài hát đến sắp xếp lịch tập”, anh than thở.
Hùng Anh chọn một ca khúc sôi động để phù hợp không khí buổi tiệc. Tuy nhiên, đội nhạc đệm mà anh mời từ các phòng ban khác không ai thực sự nghiêm túc. “Một người chơi guitar nhưng chưa bao giờ đúng nhịp, người khác đánh trống thì luôn vắng mặt. Mỗi buổi tập chỉ kéo dài hơn 15 phút là ai nấy viện lý do rồi bỏ về.”
Căng thẳng nhất là những buổi tập cuối cùng trước ngày diễn. Hùng Anh cố gắng duy trì tiến độ nhưng mọi người đều thiếu hợp tác. “Cứ mỗi lần nhắc tập trung, mình lại nghe vài lời đùa cợt kiểu ‘Thôi mà, tiệc công ty thôi chứ thi thố gì đâu’. Nhưng nếu diễn không ra gì thì chắc chắn mình là người đầu tiên bị sếp phê bình”, anh ngán ngẩm.
Ngày diễn ra buổi tiệc, tiết mục của Hùng Anh được xếp giữa chương trình – thời điểm mà hầu hết mọi người đều đã ngồi vào bàn ăn, bắt đầu cụng ly. Anh và nhóm của mình bước lên sân khấu trong sự thờ ơ của phần lớn khán giả.
“Mình vừa hát, vừa thấy mọi người hăng say ăn uống và gọi đồ uống. Có nhóm thì hô hào ‘1, 2, 3 dô’, át hết cả tiếng nhạc, cảm giác như mình là một cái loa làm nền cho bữa tiệc chứ không phải nhân vật chính của tiết mục”, anh kể.
Sau khi hát xong, Hùng Anh nhanh chóng rời sân khấu và quay lại bàn ăn. Nhưng thay vì cảm giác nhẹ nhõm, anh chỉ thấy mệt mỏi. “Cả buổi tập luyện căng thẳng, tốn thời gian và công sức, cuối cùng chỉ để phục vụ một tiết mục mà chẳng ai thèm quan tâm.”
Phương Mai (24 tuổi, nhân viên marketing tại một công ty thời trang ở Hà Nội) không giấu nổi sự bối rối khi bị chỉ định vào đội múa cho tiệc tất niên. Lý do rất đơn giản: cô cao ráo, dáng đẹp và được đồng nghiệp mặc định là "rất hợp để đứng trên sân khấu".
Phương Mai kiệt sức vì văn nghệ cuối năm. (Ảnh: NVCC)
"Ban đầu, mình chỉ nghĩ tham gia để ủng hộ tinh thần đồng đội, nhưng không ngờ lại mệt mỏi đến vậy. Họ yêu cầu cả nhóm phải biểu diễn một tiết mục nhảy hiện đại, mà mình chưa từng học nhảy bao giờ", Mai chia sẻ.
Những buổi tập sau giờ làm khiến Phương Mai kiệt sức. "Ngày nào cũng phải tập đến 9-10h tối. Đứng nhảy không khó, nhưng để đồng bộ với cả nhóm thì lại là câu chuyện khác. Ai cũng căng thẳng, đôi khi còn lời qua tiếng lại vì một động tác mãi không đúng", cô kể.
Khó khăn lớn nhất đối với Mai là cảm giác bị ép buộc. "Mình thực sự không giỏi việc biểu diễn trước đám đông. Lúc nào tập cũng chỉ mong mau chóng kết thúc, nhưng trưởng phòng thì yêu cầu tiết mục phải thật hoành tráng vì đây là bộ mặt của phòng ban", Mai nói thêm.
Trong ngày diễn, Mai cùng đồng đội mặc những bộ trang phục lộng lẫy và bước lên sân khấu. Dù đã nỗ lực hết sức, tiết mục của nhóm vẫn không tránh khỏi những lỗi nhỏ, từ nhịp bước lệch nhau đến một vài thành viên quên động tác. “Khi trở về bàn tiệc, mình nghe vài lời bình phẩm kiểu ‘đầu tư thế mà không ăn giải’ từ đồng nghiệp phòng khác. Dù không nói thẳng mặt, nhưng mình vẫn thấy tổn thương”, Mai tâm sự.
Sau sự kiện, Phương Mai tự nhủ nếu năm sau vẫn phải tham gia văn nghệ, cô sẽ thẳng thắn từ chối. "Mình tin rằng những hoạt động nội bộ nên là tự nguyện. Không phải ai cũng hợp với việc đứng trên sân khấu".
Để văn nghệ cuối năm không trở thành áp lực
Th.S Phạm Kim Dung, chuyên viên nhân sự tại Công ty Cổ phần Nhất Vinh, nhận định rằng văn nghệ trong các sự kiện nội bộ, đặc biệt là tiệc tất niên, thường mang ý nghĩa gắn kết và tạo không khí vui tươi. Tuy nhiên, khi không được tổ chức một cách hợp lý, hoạt động này dễ trở thành gánh nặng tâm lý cho nhân viên.
"Đối với nhiều nhân viên, nhất là người hướng nội hoặc không có năng khiếu biểu diễn, việc phải tham gia các tiết mục văn nghệ là một áp lực. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc cuối năm mà còn gây ra cảm giác bị ép buộc, dẫn đến tâm lý phản kháng, mệt mỏi", bà cho biết.
Việc giao nhiệm vụ văn nghệ không phù hợp có thể dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, giảm sự hài lòng trong công việc. (Ảnh minh họa bởi AI)
Theo Thạc sĩ, nguyên nhân sâu xa đến từ cách tổ chức chưa phù hợp ở một số doanh nghiệp. "Việc giao nhiệm vụ văn nghệ mà không khảo sát nguyện vọng nhân viên, không hỗ trợ tài chính và sắp xếp thời gian tập luyện hợp lý mang lại tác dụng ngược. Thay vì tạo sự gắn kết, điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, giảm sự hài lòng trong công việc," bà phân tích.
Chuyên gia cho rằng, để văn nghệ cuối năm trở nên vui vẻ và ý nghĩa, doanh nghiệp nên khuyến khích thay vì ép buộc nhân viên tham gia. Các hoạt động nên mang tính tự nguyện, đồng thời được hỗ trợ như tài trợ chi phí phục trang, tổ chức giờ tập luyện hợp lý để giảm áp lực. Ngoài ra, việc mời nghệ sĩ biểu diễn có thể giúp nâng cao chất lượng chương trình, giảm gánh nặng cho nhân viên. Khi hoạt động được tổ chức linh hoạt, cởi mở, nhân viên sẽ hào hứng hơn, tạo không khí đoàn kết thực sự.
"Khi văn nghệ trở thành sân chơi đúng nghĩa, nhân viên sẽ cảm nhận được giá trị của sự gắn kết và tự hào hơn về tập thể. Nhưng nếu tổ chức không khéo, điều này chỉ gây tổn thất về tinh thần và tạo thêm áp lực không đáng có", chuyên gia kết luận.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/am-anh-chuyen-tap-van-nghe-cuoi-nam-cua-dan-van-phong-post1709487.tpo