Khi những ánh nắng của một ngày dần tắt cũng là lúc ánh đèn trong nhà cuối hẻm ở tổ dân phố 15, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, được bật sáng.
Không ai bảo ai, những bàn chân trần còn lấm lem bụi đường sau một ngày mưu sinh của các em nhỏ bước nhanh vào lớp. Không trống, không chuông nhưng lớp học miễn phí cô Nguyễn Thị Đức chưa bao giờ vắng học sinh nào.
Đêm Trung thu thức trắng
Mỗi tối, gần 80 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khắp thành phố Nha Trang đều đặn đến lớp học của cô Đức để học chữ, làm toán, luyện viết.
Mặc dù không được đào tạo về sư phạm, nhưng bằng tình thương vô hạn, cô Đức đã tự mình lập nên lớp học tình thương này. Những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật hoặc gặp biến cố trong cuộc sống đều được cô đón nhận và chở che bằng cả tấm lòng, giúp các em tìm lại niềm tin, vững bước vượt qua nghịch cảnh.
Lớp học của cô Đức luôn rộn rã tiếng cười. Ảnh: MỸ TÂM
“Hơn 10 năm trước, đó là một tối đêm Trung thu, tôi thấy có hai bạn nhỏ đi nhặt ve chai. Chúng chăm chú đứng nhìn vào đám trẻ con khác đang phá cỗ. Tôi đến gần hỏi han thì biết các em mồ côi cha mẹ, gia đình khó khăn. Tôi đã rơi nước mắt” - cô Đức kể.
Đêm đó, cô Đức thức trắng vì nghĩ thương hoàn cảnh hai em. “Mình không giàu có, nhưng mình có kiến thức, mà chỉ có kiến thức mới giúp các em có chỗ đứng trong xã hội, thoát khỏi cảnh lang thang đầu đường, cuối chợ” - cô Đức tâm sự.
Lớp học miễn phí của cô Đức được hình thành từ đó. “Tình thương tôi chia đều hết cho các em. Tôi mong các em học chắc kiến thức để sau này sống tốt hơn, có tương lai tốt đẹp hơn” - cô Đức mong mỏi.
Hơn 10 năm qua, lớp học của cô Đức chưa bao giờ vắng tiếng cười của trẻ nhỏ. Lớp này lớn sẽ có những em nhỏ hơn, có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi được nhận vào.
Hiện, lớp học đang tiếp nhận, dạy học cho gần 80 học sinh, ở độ tuổi từ mẫu giáo đến lớp 9. Những em lớn hơn sau buổi học thì tình nguyện ở lại phụ cô Đức kèm các bạn nhỏ hơn.
Ở tuổi ngoài 60, cô Đức vẫn bền bỉ đi khắp lớp, kiên nhẫn sửa từng lỗi phát âm, hướng dẫn cách cầm bút, dạy từng phép tính, từng con chữ bằng tất cả tình thương.
Không chỉ dạy chữ, cô Đức còn dạy các em cầm, kỳ, thi, họa. Ảnh: MỸ TÂM
Không chỉ dạy chữ, cô Đức còn dạy các em các môn năng khiếu, như múa, hát, chơi đàn, vẽ tranh, may vá và cả cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống. Với cô, niềm vui đơn giản là được thấy các em trưởng thành trong yêu thương và quan tâm của mọi người.
Không có chữ, các con sẽ thiệt thòi đủ đường
Ngoài cô Đức, rất nhiều bạn là sinh viên cũng tự nguyện đến hỗ trợ dạy chữ cho các em nhỏ. Những bạn trẻ này đã chung tay, cùng cô Đức tạo nên một không gian học tập sinh động, nơi các em nhỏ không chỉ học con chữ mà còn học cách làm người.
“Mỗi buổi dạy là một trải nghiệm quý giá với mình” - Liên, thành viên Câu lạc bộ người Khánh Hòa nói tiếng Anh bày tỏ.
Đến với lớp học, Liên cho hay bản thân không chỉ cảm phục tấm lòng của cô Đức, mà còn muốn góp chút kiến thức của bản thân cho các em nhỏ. Cũng là giúp bản thân được trải nghiệm, khơi dậy tình yêu thương trong sâu thẳm. Từ đó, để sống cuộc sống biết chia sẻ hơn, trao yêu thương nhiều hơn cho đến những hoàn cảnh thiệt thòi trong xã hội.
Lớp học nhỏ ấy đầy ắp tình thương không chỉ là nơi chắp cánh ước mơ mà còn là mái ấm áp tình người. Những trang vở cũ, những bộ quần áo được quyên góp, hay đôi giày, chiếc dép,… khi đến tay các em là tất cả tấm lòng của rất nhiều người cùng thắp sáng tương lai cho các em tại lớp học của cô Đức.
Cô Đức tâm niệm: “Dù chỉ là một ngọn nến nhỏ, cô vẫn muốn nó cháy sáng để sưởi ấm cho các con”.
Biết được tấm lòng của cô Đức, nhiều bạn trẻ là sinh viên cũng phụ đứng lớp dạy văn hóa cho các em nhỏ. Ảnh: HẠ UYÊN
Sau thời gian học tại lớp. Những đứa trẻ từng rụt rè, lạc lõng với cuộc sống thì nay đã dạn dĩ, tự tin hơn qua từng buổi học. Các em biết cúi chào lễ phép, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết sẻ chia bữa ăn, đồ dùng với bạn bè.
“Những điều tưởng chừng đơn giản, nhỏ bé ấy lại là bài học quý giá, đặt nền móng cho hành trang làm người của các em sau này. Nếu không có chữ, các con sẽ thiệt thòi đủ đường, nên cô chỉ mong tụi nhỏ bớt khổ.
Ba mẹ các em phần lớn mù chữ, thiếu hiểu biết nên mới vướng vào tệ nạn, ma túy, cờ bạc,... Cô dạy tụi nhỏ không chỉ để biết chữ, mà còn dạy cái đức, để các con mai này trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội” - cô Đức tâm sự.
10 năm dù không dài, nhưng với cô Đức là cả một quá trình ấp ủ, cố gắng để rồi hôm nay khi nghĩ lại vẫn ấm lòng. Đặc biệt là khi một “cựu” học sinh nào đó nhắn tin, gọi điện thông báo đã đậu đại học hay có việc làm ổn định.
“Có em đã đỗ thủ khoa đại học, em khác nhắn tin vừa tốt nghiệp ra trường, có em thì về báo tin đã đi học trường nghề. Mỗi lần như vậy mình vui trào nước mắt”.
Các bạn nhỏ gặp khó khăn trong sinh hoạt đều được cô Đức (bìa phải) chăm chút tận tình, chu đáo. Ảnh: HẠ UYÊN
“Gia đình tôi khó khăn, không có điều kiện cho con đi học thêm. Nhờ cô Đức mà cháu biết đọc, biết viết, học hành tiến bộ rõ rệt. Không chỉ dạy chữ, cô còn dạy tụi nhỏ biết lễ phép, biết yêu thương. Làm cha mẹ, tôi mừng lắm” - chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ của một học sinh đang theo học lớp cô Đức chia sẻ.
Nhiều phụ huynh cũng cho biết từ ngày con theo học lớp của cô Đức, các em ngoan ngoãn hơn, biết phụ giúp cha mẹ, tự giác học hành và có ước mơ cho tương lai.
Tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt
Bà Vũ Hồng Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho biết cô Nguyễn Thị Đức là tấm gương tiêu biểu về người tốt, việc tốt của phường nói riêng và cả tỉnh Khánh Hòa nói chung.
"Từ 2014, cô Đức đã mở lớp dạy học tình thương cho các nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trên địa bàn. Hơn 10 năm qua, hàng chục em nhỏ đã trưởng thành nhờ lớp học của cô Đức. Phường cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên cũng như tạo mọi điều kiện để cô Đức dạy học cho các em nhỏ" - bà Thanh nói.
MỸ TÂM - HẠ UYÊN