Cán bộ các địa phương tham quan mô hình trồng cây cà chua gắn với liên kết trong bao tiêu sản phẩm tại xã biên giới Nghĩa Thuận, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Chính
Chính sách chạm đúng “điểm nghẽn”
Tỉnh Tuyên Quang là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Bố Y, Cao Lan... Thực tế cho thấy, ở một số xã, cơ sở hạ tầng phát triển còn hạn chế, địa hình hiểm trở, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình 1719), cùng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và tinh thần tự lực, tự cường của người dân đã tạo nên “cú hích” mạnh mẽ cho sự chuyển mình trong phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Sau 4 năm triển khai, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn làm ăn lớn, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có dịp quay trở lại xã Quản Bạ vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận được vùng nông thôn nơi cao nguyên đá Đồng Văn có những bước phát triển mới mang tính đột phá. Địa phương có 90% diện tích đất canh tác là đá, những thành lũy đá xếp tầng lên nhau cheo leo tưởng chừng không thể canh tác, vậy mà giữa lớp đất mỏng manh len lỏi trong khe đá, người dân vẫn khéo léo “bù đất - lấp đá” để ươm lên những mầm xanh tươi tốt. Không những thế, việc phát huy những thế mạnh về bản sắc văn hóa truyền thống của người dân bản địa trở thành hướng đi thoát nghèo cho đồng bào nơi đây.
Gia đình anh Tẩn Sấn Quẩy, sinh năm 1982, dân tộc Dao, là hộ làm kinh tế khá ở thôn Thượng Sơn, xã Quản Bạ. Với dáng dấp nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, anh Quẩy đang thu hái quả dưa chuột. Gặp chúng tôi, anh Quẩy phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi trồng dưa chuột liên kết với công ty; ước tính thu hoạch khoảng 7 tấn quả dưa chuột trong vụ này. Hiện nay, gia đình tôi đang hái đợt quả cuối để chuẩn bị làm đất trồng vụ dưa chuột mới. So với trồng cấy lúa mùa thì cây dưa chuột có thu nhập cao hơn, thời gian trồng ngắn hơn”.
Cùng với chuyển đổi từ cây ngô kém hiệu quả sang trồng cây dưa chuột, anh Quẩy còn triển khai mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) đảm bảo môi trường sạch sẽ, chủ động nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, tạo nguồn thu nhập khá ổn định từ việc chăn nuôi ao cá, lợn, gà, vịt, chim bồ câu và một số loại cây ăn quả như hồng không hạt, cây xoài, cây mận... Thời điểm cao nhất, trong chuồng lợn nhà anh Quẩy có đến 60 con lợn. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Quẩy có thu nhập khoảng 120 triệu đồng từ trồng trọt, chăn nuôi và làm thêm các công việc khác.
Khi đồng bào DTTS biết phát huy thế mạnh của vùng “đá xám” Quản Bạ để phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đó trở thành động lực để người dân quyết tâm làm giàu từ lĩnh vực này. Chị Lý Hồng Thu, chủ homestay Hồng Thu tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ là một điển hình. Bằng sự kiên trì, bền bỉ, vượt qua khó khăn, đến nay, mô hình kinh doanh homestay đón khách du lịch của chị Hồng Thu sở hữu cơ ngơi 2 nhà sàn trình tường, 12 phòng bungalow. Khách du lịch đến đây được trải nghiệm văn hóa đặc sắc như tái hiện lễ hội cấp sắc, ngủ nhà trình tường đất của dân tộc Dao, tham gia các hoạt động làm nông nghiệp cùng người dân bản địa, thưởng thức ẩm thực gà đen, lợn cắp nách, thịt treo gác bếp...
Nói về nguồn thu nhập từ làm du lịch, chị Hồng Thu cho biết: “So với làm nông nghiệp đơn thuần, làm du lịch thu nhập sẽ cao hơn. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng từ mô hình homestay”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Không chỉ dừng ở việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế, Chương trình 1719 còn hướng tới nâng cao năng lực, tiếp cận thông tin và giáo dục cho đồng bào DTTS. Các xã, phường trên địa bàn phối hợp với các sở, ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn như khởi nghiệp, chuyển đổi số, kiến thức nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đồng thời thu hút, mời gọi các công ty, doanh nghiệp đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, liên kết tạo các chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, đảm bảo giá trị hàng hóa đạt hiệu quả.
Chị Hồng Thu (giữa) giới thiệu văn hóa ẩm thực tới du khách. Ảnh: Hoàng Chính
Ông Đỗ Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Quản Bạ cho biết: Chúng tôi xác định, công tác giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào DTTS từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình khác như "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).
“Phát triển kinh tế phải gắn với đặc thù của địa phương, cụ thể, về nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao gắn với liên kết trong bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đất. Đồng thời, thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng lĩnh vực thương mại, dịch vụ; làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để làm thương hiệu và tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch” - ông Dũng thông tin.
Chương trình 1719 không chỉ là một chính sách, mà là một hành trình dài hơi, thắp lên ngọn lửa và khơi dậy nội lực trong mỗi người dân miền núi trong phát triển kinh tế-xã hội, khi đồng bào không còn ở lại phía sau, mà cùng hòa nhịp phát triển với cả nước. Hình ảnh những nụ cười rạng rỡ của đồng bào giữa núi rừng, những ngôi nhà kiên cố dần "mọc lên" thay cho những mái nhà tranh vách đất... chính là minh chứng rõ nét nhất. Thành công trong phát triển kinh tế của người dân ở nơi địa đầu Tổ quốc không chỉ còn là câu chuyện riêng lẻ của mỗi cá nhân mà đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội và trở thành điểm sáng trên miền biên viễn này.
Hoàng Chính