Ấn Độ đảm bảo nguồn năng lượng như thế nào khi xung đột với Pakistan?

Ấn Độ đảm bảo nguồn năng lượng như thế nào khi xung đột với Pakistan?
7 giờ trướcBài gốc
Nguy cơ xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Hình minh họa
Người dân đổ xô mua xăng, lo ngại thiếu hụt
Sau khi căng thẳng quân sự bùng phát do chiến dịch không kích của Ấn Độ vào các cơ cở trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir tranh chấp, người dân tại bang Punjab đã đổ xô đến các trạm xăng, lo sợ nguồn cung bị gián đoạn. Những hình ảnh về hàng dài xe nối đuôi nhau đổ xăng từ Amritsar đến Pathankot nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (IOCL), nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất nước này, đã phải lên tiếng trấn an dư luận. Trong thông báo vào ngày 9/5, công ty nhấn mạnh rằng nguồn dự trữ nhiên liệu vẫn dồi dào, và hệ thống cung ứng trên toàn quốc đang vận hành bình thường. “Không cần tích trữ. Xăng dầu và LPG luôn sẵn có tại các điểm bán của chúng tôi”, IOCL nói trên nền tảng X.
Thị trường dầu khí bất an
Mặc dù lời trấn an liên tục được đưa ra, tâm lý thị trường vẫn bất ổn. Cổ phiếu của IOCL giảm 1% trong ngày 9/5. Giá dầu Brent nhích nhẹ 0,23 USD lên 63,07 USD/thùng, còn dầu WTI của Mỹ tăng 0,21 USD lên 60,12 USD/thùng. Dù các yếu tố toàn cầu như xung đột thương mại Mỹ - Trung mới là nguyên nhân chính khiến giá dầu biến động, xung đột Ấn Độ - Pakistan đang dần trở thành một “biến số khó lường” trong bức tranh năng lượng châu Á.
Tìm đường thoát hiểm qua đa dạng hóa nguồn cung
Trước những rủi ro ngày càng gia tăng, Chính phủ Ấn Độ đang thúc đẩy chiến lược đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng. Mỹ được xem là một lựa chọn khả thi – vừa giúp Ấn Độ tránh phụ thuộc vào các tuyến đường dễ bị ảnh hưởng bởi chiến sự, vừa giảm nguy cơ bị Mỹ áp thuế trong bối cảnh căng thẳng thương mại chưa hạ nhiệt.
Hiện tại, tình hình tại Punjab đã phần nào ổn định sau tuyên bố ngừng bắn vào ngày 10/5, nhưng tâm lý lo ngại vẫn chưa thực sự lắng xuống. Bộ Dầu khí và Khí đốt Tự nhiên Ấn Độ chưa đưa ra bình luận chính thức, trong khi IOCL tiếp tục kêu gọi người dân giữ bình tĩnh để tránh gây áp lực lên hệ thống phân phối.
Ấn Độ tăng tốc chiến lược năng lượng
Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến lược năng lượng toàn diện, với trọng tâm là thắt chặt quan hệ với Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 4, lượng dầu thô mà Ấn Độ nhập khẩu từ Mỹ đã lên tới 326.000 thùng/ngày – tăng 34% so với tháng trước. Trước đó, mức tăng của tháng 3 lên tới 67% so với tháng 2, cho thấy xu hướng chuyển hướng nguồn cung đang diễn ra nhanh chóng và rõ rệt.
Theo giới phân tích, đây là một phần trong chiến lược “hai trong một” của New Delhi: Vừa chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế trong bối cảnh khu vực có nguy cơ bất ổn, vừa muốn tăng cường quan hệ thương mại với Washington – đặc biệt là kỳ vọng vào khả năng được nới lỏng các hàng rào thuế quan.
Chiến lược này bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Bloomberg dẫn dữ liệu từ Kpler cho biết hiện có tới 11,2 triệu thùng dầu thô Mỹ đang trên đường tới Ấn Độ – con số cao nhất kể từ tháng 8/2024. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước như IOCL và Bharat Petroleum đang dẫn đầu làn sóng nhập khẩu này, khi chỉ riêng trong tháng trước, hai công ty này đã trúng thầu ít nhất 6 triệu thùng dầu thô từ Mỹ.
Khí LNG – Mắt xích trong bài toán năng lượng
Trong khi nguồn dầu thô đang được đảm bảo phần nào, thì câu chuyện với khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lại phức tạp hơn nhiều. Dù Ấn Độ hiện nhập khẩu LNG từ Qatar, Úc và Mỹ, nhưng các tuyến vận chuyển qua biển Arab – đặc biệt là hành lang phía Tây Bắc – đang trở nên mong manh do căng thẳng kéo dài với Pakistan.
Ngay cả khi hai bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, nguy cơ xung đột, hoặc lực lượng vũ trang thân Islamabad tấn công tàu chở LNG của Ấn Độ vẫn là mối lo thường trực. Điều này khiến các tuyến vận tải có khả năng trở thành mục tiêu, dẫn tới phí bảo hiểm vận chuyển gia tăng. Hải quân Ấn Độ ở vùng ven biển phía Tây đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Ngoài ra, nếu xung đột tiếp tục leo thang, những dự án hợp tác năng lượng từng được kỳ vọng – như đường ống dẫn khí giữa Ấn Độ và Pakistan – có nguy cơ bị hủy bỏ hoàn toàn. Dự án này vốn được xem là chìa khóa thay đổi cuộc chơi năng lượng trong khu vực Nam Á, nhưng đã “đắp chiếu” nhiều năm vì căng thẳng chính trị.
Ấn Độ giữa áp lực nội bộ: Nỗi lo nhiên liệu và thế khó trong ngoại giao năng lượng
Tại Ấn Độ, những biến động khu vực và toan tính trong cuộc chơi thương mại toàn cầu – đặc biệt là về năng lượng – đang ngày càng để lại dấu ấn rõ rệt. Cảnh người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng không chỉ cho thấy nỗi lo thiếu hụt nhiên liệu, mà còn phản ánh sự căng thẳng trong hệ thống cung ứng năng lượng đang chịu ảnh hưởng từ cả trong lẫn ngoài nước.
Chính phủ đặt ra mục tiêu dài hạn: Xây dựng một hệ thống năng lượng vững chắc, bền vững và có khả năng chống chọi trước các cú sốc. Thế nhưng, một nghịch lý lớn đang lộ rõ: Để giảm phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng giữa lúc căng thẳng gia tăng, Ấn Độ lại đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường toàn cầu và các mối quan hệ ngoại giao vốn đầy rủi ro.
Hiện các tuyến cung ứng vẫn vận hành bình thường, nhưng “vùng an toàn” ngày càng thu hẹp khi nguy cơ xung đột vẫn âm ỉ. Chỉ một sự cố nhỏ – như phong tỏa đường biển, tấn công tàu chở hàng, hay gián đoạn do bất ổn khu vực – cũng có thể nhanh chóng kích hoạt làn sóng hoảng loạn, không chỉ ở Ấn Độ mà còn lan sang cả Pakistan.
Trong bối cảnh đó, việc New Delhi đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Mỹ được xem là một bước đi mang tính “bảo hiểm chiến lược”. Không chỉ nhằm giảm bớt rủi ro từ khu vực Trung Đông, hay các điểm nóng khác, động thái này còn là thông điệp rõ ràng gửi tới Washington: Ấn Độ sẵn sàng mở rộng hợp tác năng lượng, và cũng kỳ vọng nhận lại sự linh hoạt hơn trong chính sách từ phía Mỹ.
Ở một khía cạnh khác, khi nỗi lo về nhiên liệu đang len lỏi vào từng vùng – từ các bang phía Bắc Ấn Độ cho đến khu vực Đông Pakistan – các vụ tấn công bằng drone, hay những chiến dịch quân sự gần đây chỉ càng làm tâm lý bất an lan rộng. Bài toán an ninh năng lượng của Ấn Độ lúc này đã có sự điều chỉnh: Từ “tự chủ tuyệt đối” sang “chủ động chọn lọc và phân tán nguồn cung”. Việc nhập khẩu dầu từ Mỹ ở mức kỷ lục, cùng với các biện pháp bảo vệ tuyến đường vận chuyển LNG trên vùng biển phía Tây, cho thấy New Delhi đang triển khai một chiến lược không chỉ ngắn hạn, mà còn mang tính dài hơi, cẩn trọng, nhưng không thể chậm trễ.
Có thể chỉ vài ngày nữa, cảnh người dân đổ xô mua xăng ở Punjab sẽ tạm lắng. Nhưng những câu hỏi lớn mà tình huống này đặt ra – về khả năng phản ứng, sự linh hoạt trong ngoại giao năng lượng, và mức độ sẵn sàng trước các rủi ro – chắc chắn sẽ tiếp tục được thảo luận và đặt lên bàn nghị sự trong thời gian tới.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/an-do-dam-bao-nguon-nang-luong-nhu-the-nao-khi-xung-dot-voi-pakistan-727433.html