Quang cảnh cảng hàng hóa tại Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo kể từ 12h01 ngày 14/5, quốc gia tỷ dân này sẽ điều chỉnh thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tạm thời đình chỉ áp dụng 24 điểm phần trăm trong mức thuế bổ sung đã công bố trước đó đối với hàng hóa Mỹ trong vòng 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế bổ sung còn lại là 10% vẫn sẽ được duy trì. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế bổ sung đã được công bố vào ngày 9 và 11/4 vừa qua.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc hồi tháng trước đã mạnh tay nâng mức thuế bổ sung lên tới 84% và 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, như một biện pháp "trả đũa" đối với các chính sách thuế quan đối ứng mà Washington áp đặt. Ủy ban Thuế quan Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc giảm thuế song phương này phù hợp với kỳ vọng của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng ở cả hai quốc gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên Fox News vào ngày 13/5, Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng Mỹ và Trung Quốc đã có “khuôn khổ của một thỏa thuận thương mại rất, rất mạnh mẽ”. Ông khẳng định điều hấp dẫn nhất trong thỏa thuận là việc Trung Quốc sẽ “mở cửa” nền kinh tế cho doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù vậy, người đứng đầu Nhà Trắng không tiết lộ thêm chi tiết nào về nội dung hay tiến trình cụ thể của thỏa thuận này.
Trái ngược với bước "giảm nhiệt" từ Bắc Kinh, Chính phủ Ấn Độ lại đang lên kế hoạch đánh thuế đáp trả đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong văn bản đệ trình lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 12/5, New Delhi thông báo đang cân nhắc áp đặt thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm của Mỹ để đáp trả các biện pháp thuế quan mới mà Tổng thống Donald Trump áp dụng từ tháng 3 vừa qua, trong đó bao gồm cả mức thuế cao đối với thép, nhôm và ô tô từ nhiều quốc gia.
Đây thực chất là sự mở rộng chính sách thuế đã được ông Trump khởi xướng từ năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng. Ấn Độ cho rằng các mức thuế này mang tính chất “tự vệ”, qua đó cho phép nước này có cơ sở thực hiện hành động đối ứng theo quy định của WTO.
Là một trong những nhà sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, Ấn Độ ước tính rằng các biện pháp của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng hóa trị giá 7,6 tỷ USD có xuất xứ từ Ấn Độ, với số thuế dự kiến thu được là 1,91 tỷ USD. Do đó, theo New Delhi, biện pháp đáp trả của họ cũng sẽ dẫn đến việc thu một khoản thuế tương đương từ các sản phẩm của Mỹ.
Đây cũng chính là lập luận mà Ấn Độ và các quốc gia khác đã đưa ra để biện minh cho các biện pháp trả đũa chống lại Mỹ liên quan đến các mức thuế được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Vào thời điểm đó, Washington đã bác bỏ việc các biện pháp thuế của họ có thể bị coi là biện pháp tự vệ và khởi kiện một số vụ tranh chấp tại WTO chống lại các biện pháp trả đũa này.
Trước khi có phán quyết cuối cùng trong vụ việc của Ấn Độ, hai bên đã đạt được một giải pháp song phương vào năm 2023. Tuy nhiên, trong các vụ kiện chống lại Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, các ban hội thẩm của WTO đã ủng hộ lập luận của Mỹ rằng các biện pháp thuế của họ không phải là biện pháp tự vệ. Các phán quyết này đã bị kháng cáo, nhưng hệ thống kháng nghị – vốn được ví như tòa án tối cao của WTO – vẫn bị tê liệt kể từ năm 2019 do Mỹ chặn việc bổ nhiệm thẩm phán mới.
Thanh Phương (TTXVN)