Quang cảnh cảng hàng hóa ở Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Luật sư đại diện cho 5 doanh nghiệp, ông Jeffrey Schwab, lập luận rằng hành động của ông Trump là “sự mở rộng chưa từng có và phi pháp” của quyền lực hành pháp. Theo ông Schwab, việc áp thuế theo cách này sẽ cho phép tổng thống ban hành bất kỳ mức thuế nào vào bất kỳ thời điểm nào, chỉ bằng một tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Trong phiên điều trần đầu tiên liên quan đến tính hợp pháp của chính sách thuế quan, hội đồng 3 thẩm phán đặt ra nhiều câu hỏi cho cả phía nguyên đơn và đại diện Bộ Tư pháp Mỹ, luật sư Eric Hamilton. Một trong các thẩm phán, bà Jane Restani, đặt vấn đề liệu có giới hạn nào cho quyền áp thuế của tổng thống hay không.
Phía chính phủ viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) làm cơ sở pháp lý có các chính sách thuế quan, cho rằng mức thâm hụt thương mại gia tăng đã gây tổn hại đến cơ sở công nghiệp quốc phòng và đe dọa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nhóm nguyên đơn lập luận rằng thâm hụt thương mại là tình trạng kéo dài và không đủ điều kiện là một “mối đe dọa bất thường” theo định nghĩa của IEEPA.
Các doanh nghiệp tham gia vụ kiện - hoạt động trong các lĩnh vực nhập khẩu rượu vang, sản xuất dụng cụ giáo dục và nhạc cụ - cho rằng mức thuế mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khi đó, Bộ Tư pháp đề nghị bác đơn kiện, cho rằng các nguyên đơn chưa phải trả thuế và chỉ Quốc hội mới có quyền phản đối tình trạng khẩn cấp quốc gia do tổng thống ban bố theo IEEPA.
Đây là một trong 7 vụ kiện liên quan đến chính sách thuế quan của chính quyền Trump và là vụ đầu tiên yêu cầu tòa án ngăn chặn việc thi hành thuế. Phán quyết của Tòa án Thương mại Quốc tế sẽ được đưa ra trong vài tuần tới và có thể được kháng cáo lên Tòa phúc thẩm liên bang tại Washington D.C., thậm chí là Tòa án Tối cao Mỹ.
Bên cạnh đó, tòa án dự kiến cũng sẽ thụ lý một vụ kiện thuế quan khác vào tuần tới, do chính quyền 12 bang đệ trình.
Chính quyền Trump đã từng tuyên bố thâm hụt thương mại là "tình trạng khẩn cấp quốc gia", làm cơ sở để áp thuế 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu, và ở mức cao hơn đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ như Trung Quốc. Tuy nhiên, một số mức thuế này đã bị đình chỉ sau đó và hiện chính phủ đang thực hiện các bước tạm thời để giảm thuế quan trong khuôn khổ đàm phán thương mại song phương.
Linh Tô (TTXVN)