Giải mã chiến lược của Mỹ trong 'cuộc chiến' thuế quan với Trung Quốc

Giải mã chiến lược của Mỹ trong 'cuộc chiến' thuế quan với Trung Quốc
3 giờ trướcBài gốc
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bất ngờ hạ nhiệt đã phần nào hé lộ chiến lược của chính quyền Tổng thống Donald Trump: duy trì áp lực thuế quan cao để buộc các đối tác thương mại lớn, bao gồm cả Trung Quốc, ngồi vào bàn đàm phán với các đề nghị.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (trái) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trả lời phỏng vấn báo chí sau đàm phán thương mại với các quan chức cấp cao Trung Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 11/5/2025. Ảnh: EDA/TTXVN
* Đội ngũ có năng lực
Việc lựa chọn ông Scott Bessent và ông Jamieson Greer làm trưởng đoàn đàm phán cho thấy Mỹ rất coi trọng các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Hơn nữa, thỏa thuận thương mại với Anh đạt được trước đó được xem như một "phiên bản thử nghiệm" cho các thỏa thuận tương tự mà Mỹ muốn ký kết với các nước khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán sau đó
So với trước đây, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung đã có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ đàm phán, các điều khoản và thái độ nghiêm túc từ cả hai phía được các cố vấn của Tổng thống Trump đánh giá là tín hiệu đáng mừng. Mặc dù kết quả cuối cùng vẫn chưa chắc chắn, nhưng một cố vấn cho rằng đây là bước tiến đáng kể so với tình hình bế tắc trước đó. Một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ví von, đây là lần đầu tiên họ "thấy được đường băng để hạ cánh an toàn, tránh khỏi thảm họa kinh tế".
Hành trình từ lúc thông báo thuế quan đối ứng gây xáo trộn thị trường hôm 2/4 đến thời điểm hiện tại không hề bằng phẳng. Các cố vấn của ông Trump vẫn khăng khăng rằng đó là một lộ trình chiến lược đã tính toán đến mọi khả năng. Tuy nhiên, chính quan điểm đề cao "tính linh hoạt" của ông Trump đã cho thấy sự thiếu nhất quán trong lập luận này. Chính ông Trump là người đã tạm dừng áp dụng mức thuế đối ứng với khoảng 100 đối tác thương mại. Cũng chính ông là người đầu tiên công khai đề xuất giảm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Thị trường trái phiếu chao đảo, chuỗi cung ứng gặp nguy hiểm và những cảnh báo ngày càng bi quan từ các lãnh đạo doanh nghiệp đã thúc đẩy ông Trump thay đổi lập trường. Điều này khiến các cố vấn của ông rơi vào tình thế khó xử, khi trước đó họ đã lên truyền hình cam kết sẽ không có ngoại lệ, trì hoãn hay sửa đổi.
Tuy nhiên, theo các quan chức, vẫn có một chiến lược tổng thể nhằm đưa các đối tác thương mại đến đúng vị trí mà chính quyền Mỹ mong muốn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
* "Trạng thái bình thường mới"
Cuối cùng, chính quyền của ông Trump bằng cách nào đó đã thành công trong việc giữ nguyên mức thuế quan cao hơn đáng kể - mức thuế 10% áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại và thuế quan theo ngành hầu như không thay đổi. Mặc dù thừa nhận rằng thuế quan sẽ không trở về 0, các đối tác thương mại vẫn đang xếp hàng để đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Việc các nhà lập pháp và các nhà ngoại giao của các nước chấp nhận mức thuế 10% như một điều không thể thay đổi có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ông Trump đã tạo ra một "trạng thái bình thường mới", nơi mà mức thuế cao được xem là điều hiển nhiên, và các nước khác buộc phải thích nghi.
Đội ngũ của ông Trump khẳng định rằng chiến lược "gây sốc và kinh hoàng" để đạt được "chiến thắng" chính là kế hoạch đã được vạch ra từ đầu. Tại Geneva, Bộ trưởng Tài chính Bessent phát biểu với các phóng viên rằng họ đã có kế hoạch, có quy trình, và giờ đây với Trung Quốc, họ đã có cơ chế cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Các cuộc đàm phán với Trung Quốc luôn là khó khăn nhất, tốn nhiều công sức và thời gian nhất. Cả các cố vấn lẫn bản thân ông Trump đều đã rút ra nhiều bài học từ các cuộc đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Đối với ông Trump, thương mại là mấu chốt của mọi vấn đề. Dù nhiều chuyên gia cố gắng lý giải nguyên nhân giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, lời giải thích thẳng thắn nhất lại đến từ chính ông Trump, người đã khơi mào cuộc chiến này.
Ông tự tin tuyên bố trước báo giới: "Chưa ai thực sự sử dụng thương mại theo cách tôi đã làm". Cách dùng thương mại làm công cụ chính trị - kinh tế của ông Trump, dù gây tranh cãi, vẫn là yếu tố then chốt dẫn đến bước ngoặt này.
Khánh Ly (Theo CNN)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/giai-ma-chien-luoc-cua-my-trong-cuoc-chien-thue-quan-voi-trung-quoc/373557.html