Đằng sau quyết định cắt giảm thuế quan của Mỹ - Trung Quốc và kịch bản tiếp theo

Đằng sau quyết định cắt giảm thuế quan của Mỹ - Trung Quốc và kịch bản tiếp theo
2 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Theo hãng tin Al Jazeera, động thái này được coi là bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, khởi phát từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng hồi tháng 1.
Ban đầu, Chính quyền Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các mức thuế này sau đó phần lớn được hoãn lại, ngoại trừ với Trung Quốc – quốc gia được xem là đối thủ kinh tế lớn nhất của Mỹ.
Các biện pháp trả đũa qua lại giữa hai quốc gia đã khiến mức thuế quan leo thang đến mức kỷ lục: hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chịu thuế lên tới 145%, trong khi hàng Mỹ vào Trung Quốc bị áp thuế 125%.
Trong tuyên bố ngày 12/5, Tổng thống Trump cho biết ông có thể điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tuần, đồng thời gọi những diễn biến mới trong đàm phán là “cuộc thiết lập lại” quan hệ kinh tế song phương.
Tuyên bố chung và các điều khoản cốt lõi
Thỏa thuận đình chỉ thuế quan được công bố sau hai ngày đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ. Trong khi Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh tiến triển trong đàm phán với Bắc Kinh, thì Trung Quốc phủ nhận mọi cuộc đàm phán đã diễn ra trước cuộc họp tại Geneva.
Trong tuyên bố chung ngày 12/5, hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương, cũng như tầm quan trọng của “một mối quan hệ lâu dài, ổn định và đôi bên cùng có lợi”. Theo đó, từ ngày 14/5, phần lớn các mức thuế quan sẽ được tạm thời dỡ bỏ: Mỹ giảm mức thuế đánh lên hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, Trung Quốc giảm thuế đối với hàng Mỹ từ 125% xuống còn 10%
Tuy nhiên, một số mặt hàng cụ thể – như xe điện, thép và nhôm – vẫn phải chịu các mức thuế bổ sung được áp dụng trong những năm gần đây.
Trên thực tế, căng thẳng thương mại đã tăng vọt vào ngày 2/4, khi Mỹ áp thuế bổ sung 34% với hàng hóa Trung Quốc, ngoài mức 20% vốn có từ đầu nhiệm kỳ mới của ông Trump. Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng fentanyl gây ra hàng loạt ca tử vong tại Mỹ.
Kết hợp hai mức thuế, hàng hóa Trung Quốc lúc đó phải chịu tổng cộng 54%, chưa kể các đợt tăng thuế sau đó. Trung Quốc đáp trả tương xứng với mức thuế 34%, rồi leo thang lên 125%. Mỹ sau đó nâng mức thuế lên 145%.
Ngày 12/5, hai bên đồng ý đưa tất cả các mức thuế kể từ 2/4 trở về mức 10%. Tuy nhiên, nếu tính cả các khoản thuế trước đó, hàng Trung Quốc vẫn bị đánh thuế 30%.
Tính đến thời điểm hiện tại, mọi lệnh hoãn thuế quan chỉ có hiệu lực trong vòng 90 ngày – tùy thuộc vào việc xem xét lại dựa trên các cuộc đàm phán thương mại rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mục tiêu chính của lệnh hoãn thuế 90 ngày
Tàu chở hàng của Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc COSCO neo tại cảng Long Beach ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thỏa thuận hoãn thuế 90 ngày được thiết lập như một khoảng lặng chiến thuật để hai bên tiếp tục thương lượng, chứ chưa phải một bước ngoặt chiến lược.
Chuyên gia Carlos Lopes, cộng tác viên tại Viện Chatham House, nhận định: “Động thái này có ý nghĩa quan trọng chủ yếu vì phản ánh sự rút lui chiến lược từ phía Mỹ, chứ không phải sự điều chỉnh toàn diện trong chính sách đối với Trung Quốc”.
Ông Lopes nhấn mạnh rằng các mức thuế đang gây thiệt hại rõ rệt cho kinh tế Mỹ, làm tăng chi phí tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất, vốn phụ thuộc nhiều vào linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo ông, Trung Quốc giữ vững lập trường trong khi Mỹ bị buộc phải điều chỉnh để tránh tác động tiêu cực ngày càng lớn trong nước. Thỏa thuận này cũng phản ánh giới hạn của các biện pháp đơn phương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.
“Việc tạm hoãn thuế quan cho thấy giới hạn của các biện pháp đơn phương trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng gắn kết chặt chẽ”, ông Lopes nói.
Ông Lopes cho rằng nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ phải “xuống thang” là do áp lực từ chính nền kinh tế nội địa. Việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã khiến chi phí sản xuất tăng, giá tiêu dùng leo thang, đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực tới các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu hoặc linh kiện nhập khẩu.
“Nền kinh tế Mỹ, dù có quy mô rất lớn, không thể tự cô lập khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà không chịu tổn hại nghiêm trọng. Việc đàm phán không có cấu trúc rõ ràng khiến điểm yếu của Mỹ lộ diện”, ông nhận định.
Mặc dù fentanyl – loại ma túy tổng hợp nguy hiểm mà Mỹ cáo buộc Trung Quốc có liên quan trong chuỗi cung ứng – được nêu công khai như một lý do áp thuế, nhưng ông Lopes khẳng định đây chỉ là yếu tố mang tính biểu tượng. Động lực thực sự nằm ở lo ngại về lạm phát, áp lực bầu cử, rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phụ thuộc kinh tế song phương.
Cơ chế thực thi và giám sát
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nội dung thỏa thuận, hai bên đã chỉ định các đại diện chính thức cho vòng đàm phán tiếp theo.
Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) đã được chỉ định làm đại diện Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer sẽ đại diện cho Mỹ.
Các đại diện này sẽ chịu trách nhiệm xây dựng cơ chế đối thoại liên tục và đánh giá hiệu quả thực hiện của lệnh hoãn thuế trong vòng 90 ngày.
Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, thị trường tài chính quốc tế ghi nhận tín hiệu tích cực. Ngày 13/5, chỉ số S&P 500 tăng 184,28 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1.161 điểm và Nasdaq composite tăng 779,43 điểm.
Đồng USD cũng tăng mạnh, trong khi đồng euro giảm 1,5%, còn đồng yen Nhật Bản cũng suy yếu so với USD.
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung: Những thách thức ngày càng sâu sắc
Mỹ và Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh kinh tế, mà còn là đối tác thương mại lớn của nhau.
Năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 12,9% tổng kim ngạch. Ngược lại, Trung Quốc là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ, sau Canada và Mexico, chiếm 14,8% hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Thương mại song phương mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên. Người tiêu dùng Mỹ được hưởng sản phẩm giá rẻ, còn các doanh nghiệp Mỹ thu hàng tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc thu được nguồn thu lớn từ xuất khẩu và tạo ra hàng triệu việc làm. Theo Goldman Sachs, nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, khoảng 16 triệu việc làm ở Trung Quốc có thể bị đe dọa.
Tuy nhiên, tại Mỹ, ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi xem xét lại quan hệ thương mại với Bắc Kinh, nhất là về thâm hụt thương mại và các mối lo ngại về an ninh. Năm 2024, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt 295,4 tỷ USD – mức cao nhất trong tất cả các đối tác thương mại của Mỹ.
Chính quyền cựu Tổng thống Biden đã duy trì và thậm chí mở rộng một số mức thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Bên cạnh đó, lo ngại về mất việc làm trong lĩnh vực sản xuất, gián điệp công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ tiếp tục là những yếu tố khiến Mỹ siết chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là với các sản phẩm công nghệ có khả năng sử dụng kép (cả thương mại và quân sự).
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-quyet-dinh-cat-giam-thue-quan-cua-my-trung-quoc-va-kich-ban-tiep-theo-20250514120449893.htm