Mô hình với tỷ lệ thật máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 thuộc dự án AMCA tại Triển lãm Hàng không Ấn Độ - Aero India hồi tháng 2-2025
Bước đi quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Ấn Độ
Ngày 28-5-2025 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược an ninh và phát triển quốc phòng của Ấn Độ khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Rajnath Singh chính thức phê duyệt dự án phát triển máy bay chiến đấu hạng trung tiên tiến (AMCA) - mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 đầu tiên do quốc gia Nam Á này tự phát triển. Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, chương trình này sẽ được Cơ quan Phát triển Hàng không (ADA) triển khai với sự hợp tác của các đối tác trong ngành. Chi phí phát triển ban đầu của dự án ước tính 1,76 tỷ USD.
Dự án AMCA do Cơ quan Phát triển Hàng không Ấn Độ (ADA) chủ trì thực hiện, phối hợp với các đối tác công - tư trong ngành hàng không vũ trụ quốc gia. Đây là dòng tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, được thiết kế với khả năng đảm nhiệm đa nhiệm vụ: từ chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất đến tác chiến điện tử. AMCA sẽ sở hữu công nghệ tàng hình tiên tiến, hệ thống điện tử hàng không hiện đại và khả năng siêu hành trình mà không cần đốt sau.
Điểm nổi bật của dự án là AMCA sẽ được tối ưu hóa về thiết kế khí động học và cấu trúc khung máy bay để giảm diện tích phản xạ radar, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar cùng khoang vũ khí trong thân, tương tự như các dòng máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Dự kiến, AMCA còn tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), trí tuệ nhân tạo hỗ trợ điều khiển bay và tác chiến điện tử hợp nhất.
Trong tương lai, nền tảng AMCA có thể nâng cấp để tích hợp vũ khí năng lượng định hướng và phối hợp tác chiến với các thiết bị bay không người lái. Với những đặc điểm này, AMCA được xem là nhân tố chủ chốt trong chiến lược hiện đại hóa không quân và nâng cao năng lực răn đe chiến lược của Ấn Độ trong nhiều thập niên tới. Việc Bộ Quốc phòng Ấn Độ đẩy nhanh tiến trình phê duyệt và triển khai chương trình AMCA là một phản ứng trực tiếp đối với các thách thức an ninh ngày càng gia tăng, đặc biệt sau cuộc xung đột quân sự kéo dài 4 ngày (7 đến 10-5-2025) với nước láng giềng Pakistan. Đây là cuộc đối đầu quy mô lớn nhất giữa hai quốc gia Nam Á trong nhiều thập niên qua với hơn 200 máy bay chiến đấu các loại được huy động từ cả hai phía.
Pakistan tuyên bố đã bắn rơi 5 chiến đấu cơ Ấn Độ, trong đó có cả máy bay chiến đấu hiện đại Rafale do Pháp sản xuất. Các báo cáo độc lập cho thấy trong các trận không chiến, lực lượng không quân Pakistan đã tận dụng hiệu quả tiêm kích J-10C - một trong những dòng máy bay chiến đấu tân tiến nhất hiện nay tại châu Á do Trung Quốc sản xuất - với khả năng mang tên lửa không đối không tầm xa PL-15E có tầm bắn lên tới 145 km.
Thực tế rút ra từ cuộc đụng độ trong cuộc chiến ngắn ngày vừa qua cho thấy, dù có số lượng đông đảo, tuy nhiên phần lớn số máy bay chiến đấu trong lực lượng không quân Ấn Độ hiện nay các loại máy bay có nguồn gốc từ Liên Xô cũ và Nga đã tương đối cũ và lạc hậu, cần được thay thế. Trong khi đó, không quân Ấn Độ chỉ duy trì được 31 phi đội tiêm kích, một con số được cho thấp hơn nhiều so với yêu cầu để đối phó với các thách thức an ninh tại khu vực Nam Á tiềm ẩn những nguy cơ đối đầu, xung đột căng thẳng. Việc khẩn trương phát triển loại máy bay chiến đấu thế hệ mới, đặc biệt là máy bay chiến đấu tàng hình, được xem là bước đi rất quan trọng với chiến lược quốc phòng của Ấn Độ.
Một biểu tượng của tự chủ và sức mạnh quân sự
Dự án AMCA không phải là một chương trình mới triển khai thực hiện gần đây. Từ đầu những năm 2000, Ấn Độ đã nhận ra nhu cầu phải phát triển một dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới để duy trì ưu thế trên không trong dài hạn. Đến năm 2008, khi các dòng máy bay chiến đấu thế hệ 5 với tính năng tàng hình bắt đầu thu hút sự chú ý toàn cầu, chính phủ Ấn Độ chính thức giao cho ADA nghiên cứu tính khả thi và xây dựng lộ trình phát triển AMCA.
Ban đầu, Ấn Độ từng tìm cách hợp tác với Nga để phát triển chung dòng tiêm kích thế hệ 5 dựa trên mẫu Su-57. Tuy nhiên, do nhiêu vấn đề liên quan chi phí và chuyển giao công nghệ đã khiến New Delhi chấm dứt hợp tác vào năm 2008. Kể từ đó, AMCA chính thức trở thành một dự án hoàn toàn nội địa, minh chứng cho quyết tâm chiến lược tự chủ công nghệ quốc phòng của Ấn Độ.
Trong hơn một thập kỷ qua, ADA đã lần lượt vượt qua các giai đoạn then chốt: từ nghiên cứu thiết kế sơ bộ, thử nghiệm mô hình khí động học trong hầm gió, đánh giá tính năng tàng hình cho đến sản xuất các mẫu thử nghiệm thu nhỏ. Việc Chính phủ Ấn Độ nay phê duyệt ngân sách phát triển chính thức đồng nghĩa với việc dự án đã bước sang giai đoạn chế tạo nguyên mẫu đầu tiên, bước tiến đột phá trên hành trình làm chủ công nghệ hàng không quân sự hiện đại.
Thành công của chương trình máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas do Ấn Độ tự thiết kế và sản xuất là cơ sở vững chắc để tin tưởng vào khả năng Ấn Độ sẽ hoàn thiện dự án AMCA. LCA Tejas do Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) phát triển, là mẫu tiêm kích siêu thanh nhẹ được nội địa hóa gần như hoàn toàn, với nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống điều khiển fly-by-wire, radar đa chế độ, radar điều khiển hỏa lực Hybrid MMR và cấu trúc thân máy bay bằng vật liệu composite tiên tiến.
Với tốc độ tối đa đạt Mach 1,8, trần bay 15.000 m, khả năng mang 3,5 tấn vũ khí và tích hợp nhiều loại tên lửa, LCA Tejas đã chứng minh hiệu quả cao trong không chiến và tấn công mặt đất. Tejas hiện được Không quân và Hải quân Ấn Độ biên chế chính thức và đã thu hút sự quan tâm từ nhiều nước như Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Malaysia, Singapore và Sri Lanka.
Thành công của dự án phát triển LCA Tejas không chỉ thể hiện năng lực thiết kế và sản xuất máy bay chiến đấu nội địa của Ấn Độ mà còn tạo ra một hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng nội địa, điều kiện quan trọng để AMCA có thể phát triển thành công. Phát triển AMCA không chỉ đơn thuần là một nỗ lực nâng cao sức mạnh quân sự, mà còn là một phần cốt lõi trong chính sách "Make in India" và chiến lược tự chủ quốc phòng của Ấn Độ. Việc thiết kế và sản xuất dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đòi hỏi sự tham gia của hàng trăm công ty trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ nội địa.
Đồng thời, AMCA còn thể hiện cam kết lâu dài của Chính phủ Ấn Độ trong việc giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài khi môi trường địa chính trị toàn cầu ngày càng biến động và rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng ngày càng lớn.
Nếu phát triển thành công, AMCA sẽ đưa Ấn Độ gia nhập nhóm rất nhỏ các quốc gia sở hữu công nghệ sản xuất máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 cùng với Mỹ (F-22 Raptor, F-35 Lightning II, B-2), Nga (Su-57), Trung Quốc (J-20, J-31). Đây không chỉ là sự nâng cấp về vũ khí, mà còn là một bước tiến về vị thế chiến lược, thể hiện tầm vóc và năng lực công nghệ quân sự ngày càng lớn mạnh của Ấn Độ.
Dự án AMCA là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện rõ tầm nhìn dài hạn của Ấn Độ trong việc xây dựng lực lượng quân đội hiện đại, tự chủ và sẵn sàng đối phó với những thách thức an ninh khu vực ngày càng gia tăng. Dự án AMCA vì thế không chỉ là biểu tượng của sức mạnh quân sự, mà còn là thành tựu của khát vọng công nghệ, đổi mới sáng tạo và bản lĩnh vươn lên của một cường quốc đang trỗi dậy.
Hoàng Hà