Ấn Độ khẳng định rằng những nỗ lực này là “vô nghĩa” và không thể thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Ấn Độ.
Trong thông báo ra sáng nay (14/5), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal khẳng định: “Những nỗ lực vô lý như vậy sẽ không thể thay đổi được thực tế và không thể phủ nhận rằng Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal trong buổi họp báo sáng ngày 14/5. Ảnh: ANI
Phản ứng trên được đưa ra ngay sau khi Bộ Nội vụ Trung Quốc mới đây công bố đợt thứ tư danh sách các địa danh “chuẩn hóa” tại khu vực mà Bắc Kinh gọi là “Nam Tây Tạng”, phía Ấn Độ gọi là Arunachal Pradesh. Theo truyền thông Trung Quốc, danh sách này bao gồm nhiều tên gọi mới bằng tiếng Trung và tiếng Tây Tạng dành cho các ngọn núi, sông, hồ và khu dân cư đi kèm tọa độ cụ thể trên bản đồ.
Từ năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã ba lần công bố các danh sách đổi tên tương tự: gồm 6 địa danh trong năm đầu tiên, 15 địa danh vào năm 2021 và 11 địa danh vào năm 2023. Ấn Độ khẳng định, việc tiếp tục ban hành danh sách mới lần này là động thái nối dài chiến lược nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Tuy nhiên, phía Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng phản đối.
Căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới bùng phát hồi tháng 6/2020 sau cuộc đụng độ đẫm máu tại thung lũng Galwan thuộc vùng lãnh thổ liên bang Ladakh, Ấn Độ, khiến nhiều binh sỹ hai bên thiệt mạng. Kể từ đó, cả hai bên liên tục tăng cường hiện diện quân sự dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), dù đã tiến hành hàng chục vòng đàm phán nhằm giải quyết bất đồng.
Việc Trung Quốc tiếp tục công bố các tên gọi mới tại bang Arunachal Pradesh diễn ra đúng thời điểm hai bên đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ. Điều này khiến dư luận Ấn Độ lo ngại khả năng Trung Quốc sử dụng “chiến tranh pháp lý” và “chiến tranh thông tin” để từng bước thay đổi hiện trạng biên giới.
Hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: “Arunachal Pradesh là một phần của Ấn Độ. Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng biên giới bằng vũ lực hoặc áp đặt pháp lý”. Tuyên bố của Washington được xem như một tín hiệu cảnh báo Bắc Kinh về việc gia tăng các hành động gây hấn mang tính biểu tượng nhưng có thể dẫn đến hậu quả chiến lược lâu dài trong khu vực.
Lê Dũng/VOV-New Delhi