Trước bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ ngày càng siết chặt, đặc biệt với Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp tại “quốc gia tỷ dân” bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tại các thị trường tiềm năng trong khu vực, trong đó có Ấn Độ. Một số tập đoàn công nghệ và điện tử lớn đang đẩy mạnh mở rộng sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng với đối tác Ấn Độ, nhằm tận dụng lợi thế sản xuất nội địa và phân tán rủi ro thương mại.
Theo Giáo sư Swaran Singh (Đại học Jawaharlal Nehru), việc Trung Quốc hợp tác sản xuất tại Ấn Độ bằng nguồn lực địa phương không chỉ góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn mở rộng cơ hội cho cả hai phía trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững và dài hạn. Ông nhấn mạnh: “Khi hai nền kinh tế lớn nhất châu Á cùng đầu tư vào nội lực, đó không chỉ là hợp tác thương mại, mà còn là chiến lược ứng phó với biến động toàn cầu.”
Hàng hóa được dỡ từ tàu container tại bến container của Cảng Liên Vân, Tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc phát tín hiệu cải thiện quan hệ
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc chủ động gửi đi thông điệp tích cực về hợp tác với Ấn Độ. Phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi, bà Yu Jing, khẳng định hai quốc gia cần tăng cường phối hợp để bảo vệ lợi ích chung của các nền kinh tế đang phát triển trước xu hướng đơn phương và bảo hộ mậu dịch ngày càng lan rộng.
Một trong những minh chứng rõ rệt cho nỗ lực cải thiện quan hệ là việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược từ Ấn Độ. Cụ thể, sau khi áp thuế 100% với nguồn cung khô dầu cải từ Canada, Trung Quốc đã tăng mạnh lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ. Trong ba tuần gần đây, hơn 52.000 tấn khô dầu cải từ Ấn Độ đã được đưa vào thị trường Trung Quốc – con số cao gấp bốn lần tổng lượng nhập cả năm trước đó. Động thái này được đánh giá là một bước đi có tính toán nhằm từng bước điều chỉnh cán cân thương mại song phương vốn đang mất cân đối nghiêm trọng.
Rào cản hợp tác vẫn hiện hữu
Tuy vậy, những thách thức trong quan hệ thương mại Ấn – Trung vẫn còn rất đáng kể. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm tài khóa 2024–2025, chủ yếu do sự phụ thuộc vào linh kiện điện tử, thiết bị công nghiệp và nguyên liệu hóa dược từ Trung Quốc.
Thêm vào đó, sau căng thẳng biên giới năm 2020, Ấn Độ đã siết chặt quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài có yếu tố Trung Quốc. Đến nay, các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào các lĩnh vực nhạy cảm vẫn phải trải qua quy trình thẩm định kéo dài. Theo Bộ trưởng Thương mại Piyush Goyal, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa có kế hoạch nới lỏng quy định này trong thời gian gần.
Một rào cản khác là vấn đề di chuyển nhân sự. Việc cấp thị thực cho công dân Trung Quốc vào Ấn Độ hiện gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, chỉ khoảng 2.000 thị thực được cấp – một con số khiêm tốn so với mức 200.000 trước đại dịch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất và nghiên cứu.
Hướng tới cạnh tranh lành mạnh và cùng phát triển
Dù vẫn tồn tại không ít khác biệt, cả Ấn Độ và Trung Quốc đang cho thấy thiện chí nối lại đối thoại và tăng cường hợp tác. Cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS cuối năm ngoái được đánh giá là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội khôi phục quan hệ song phương sau giai đoạn căng thẳng và gián đoạn kéo dài.
Trong một tuyên bố mang tính biểu tượng, Bắc Kinh ví mối quan hệ giữa hai quốc gia là “điệu tango Rồng – Voi”, ngụ ý nếu phối hợp nhịp nhàng, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á có thể tạo nên sự cân bằng và sức mạnh đáng kể trên trường quốc tế. Về phía Ấn Độ, Thủ tướng Modi khẳng định nước này không theo đuổi đối đầu, mà ưu tiên xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và hướng đến phát triển bền vững cùng các đối tác trong khu vực.
Đọc thêm: Trung Quốc thúc đẩy chiến lược y tế mới nhằm ngăn chặn khủng hoảng béo phì
Giáo sư Singh nhận định: “Trong một thế giới mà các liên minh thương mại truyền thống đang dịch chuyển, hợp tác chặt chẽ giữa Ấn Độ và Trung Quốc – nếu dựa trên nguyên tắc minh bạch và tôn trọng lẫn nhau – hoàn toàn có thể trở thành lực đẩy mới cho tăng trưởng châu Á.”
Tùng Lâm