Ấn Độ và Bangladesh cam kết xây dựng quan hệ song phương mang tính xây dựng

Ấn Độ và Bangladesh cam kết xây dựng quan hệ song phương mang tính xây dựng
3 giờ trướcBài gốc
Đây cũng là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Bangladesh trao đổi trực tiếp kể từ khi ông Yunus lên nắm quyền hồi tháng 8/2024.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh mong muốn của Ấn Độ duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng với Bangladesh, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Ông tái khẳng định sự ủng hộ của New Delhi đối với hòa bình, ổn định và dân chủ tại quốc gia láng giềng; đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh của cộng đồng người Hindu cùng các nhóm thiểu số khác tại Bangladesh thời gian vừa qua.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ đồng thời kêu gọi hai bên kiềm chế các phát ngôn có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Đây được xem là phản ứng trước những bình luận trước đó của ông Yunus trong chuyến thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2025 vừa qua, khi ông đề cập đến việc đưa khu vực Đông Bắc Ấn Độ, Bhutan, Nepal và Bangladesh vào “vùng kinh tế mở rộng của Trung Quốc”.
Thủ tướng Narendra Modi và Cố vấn trưởng Chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh BIMSTEC, tại Bangkok ngày 4/4. (Ảnh ANI)
Về phía Bangladesh, Cố vấn trưởng của Chính phủ lâm thời Muhammad Yunus đã đề cập đến hàng loạt vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của Bangladesh. Theo đó, ông Yunus đã bày tỏ quan ngại về phản ứng của cựu Thủ tướng Sheikh Hasina cùng những tuyên bố mà ông cho là khiêu khích mà bà đưa ra tại Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Yunus nhấn mạnh nhu cầu ngăn chặn các vụ giết người ở khu vực biên giới giữa hai nước, một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ song phương. Đặc biệt, ông Yunus đã đề cập đến việc gia hạn Hiệp ước Nước sông Hằng, sẽ hết hạn vào năm 2026, và thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp ước sông Teesta. Đây là hai thỏa thuận chia sẻ nguồn nước quan trọng vẫn còn là bất đồng giữa Dhaka và New Delhi.
Quan hệ Ấn Độ - Bangladesh đã rơi vào giai đoạn khó khăn kể từ khi cựu Thủ tướng Sheikh Hasina bị lật đổ và buộc phải sang tị nạn tại Ấn Độ. Trước đó, New Delhi từng từ chối yêu cầu gặp song phương từ Dhaka.
Cuộc gặp ngày 4/4 được coi tín hiệu hòa giải đầu tiên giữa hai nước láng giềng Nam Á. Đây cũng được coi là bước đi quan trọng để khôi phục đối thoại cấp cao và định hình lại mối quan hệ lịch sử Ấn Độ - Bangladesh. Dù chưa có thông báo về các thỏa thuận cụ thể, sự kiện này cho thấy cả hai bên sẵn sàng vượt qua bất đồng để duy trì sự ổn định trong khu vực.
Lê Dũng/VOV-New Delhi
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/an-do-va-bangladesh-cam-ket-xay-dung-quan-he-song-phuong-mang-tinh-xay-dung-post1189776.vov