An Giang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

An Giang tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
7 giờ trướcBài gốc
Nông dân An Giang thu hoạch lúa.
Tỉnh An Giang định hướng tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng quy mô lớn
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ, tỉnh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh An Giang được thiên nhiên ưu ái có 2 dòng sông Tiền và sông Hậu cùng hệ thống kênh, rạch phủ khắp mang nguồn nước ngọt quanh năm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 278 nghìn ha.
Đất đai phù sa màu mỡ rất thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và quy trình sản xuất hiện đại để tỉnh An Giang trở thành một trong những trung tâm đầu mối về nông nghiệp lớn của vùng.
Với những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh là lúa gạo, thủy sản và trái cây cùng với những tiềm năng mới về chăn nuôi và dược liệu đã đưa tỉnh An Giang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài nước và trên bản đồ nông sản toàn cầu.
Việc phân bổ không gian, khoanh vùng đất đai hợp lý, phù hợp thổ nhưỡng từng vùng để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với quy hoạch mới 4 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.587 ha rộng khắp, bao phủ các vùng nguyên liệu lúa, nếp… cho thấy tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghệ chế biến sâu, chế biến tinh của tỉnh rất rõ nét.
Gạo An Giang xuất khẩu đến nhiều nước.
Do vậy, tỉnh An Giang đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với vùng nguyên liệu tập trung để tạo thành chuỗi sản xuất khép kín, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị của sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Sức bật mới
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, tỉnh có diện tích và sản lượng lúa lớn thứ 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hằng năm, ngành nông nghiệp sản xuất 600-620 nghìn ha lúa cho sản lượng hơn 4 triệu tấn/năm.
Tỉnh An Giang không những cung cấp lúa gạo cho cả nước mà còn xuất khẩu gạo với số lượng lớn. Để sản phẩm chất lượng hơn, tỉnh An Giang tham gia thực hiện Đề án " Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông cửu Long" (viết tắt là Đề án) và đã ban hành kế hoạch với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 150 nghìn ha.
Theo ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, năm 2024 có 20.609ha sản xuất theo quy trình của Đề án, đến nay, đã có được 8.536ha/20.609ha, đạt 41,4% diện tích kế hoạch của năm 2024.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện 18 mô hình, mỗi mô hình 50ha với tổng diện tích 900ha tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 4 mô hình thực hiện triệt để theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với diện tích 52ha tại 4 huyện Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn và Thoại Sơn. Hai huyện Phú Tân, Châu Phú đã triển khai 165ha theo quy trình của Đề án trong vụ thu đông vừa qua.
Kết quả tổng kết các mô hình đối chứng với phương pháp canh tác cũ cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, giảm lượng giống trung bình 67kg lúa giống/ha; năng suất trung bình cao hơn đối chứng 0,1 tấn/ha; chi phí sản xuất giảm trung bình 4-5 triệu đồng/ha; lợi nhuận mô hình cao hơn đối chứng từ 3.660.000-5.300.000 đồng/ha.
Trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ thực hiện 44 nghìn ha tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Để nông dân tiếp cận mô hình, mạnh dạn thực hiện theo đề án tại các địa phương, vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh triển khai 47 mô hình với diện tích 526ha.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh có 18 mô hình, diện tích 270ha; huyện Phú Tân 12 mô hình, diện tích 136ha; huyện Tri Tôn nông dân tự nhân rộng mô hình với diện tích 40ha áp dụng máy sạ cụm; huyện Châu Phú thực hiện 16 mô hình với 80ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang đang lên kế hoạch tham mưu Tỉnh ủy xem xét, đưa nội dung của Đề án vào nghị quyết của tỉnh để làm cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ, bộ, ngành cần rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực lúa gạo như đất đai, thuế, tín dụng... để họ thuận lợi mở rộng đầu tư nhà máy chế biến nông sản và thuận lợi tổ chức liên kết sản xuất và tiệu thụ lúa với hợp tác xã và nông dân theo Đề án.
Từ đó, giúp nông dân, hợp tác xã mở rộng sản xuất theo quy mô lớn, giúp tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả... theo các tiêu chí của Đề án trong thời gian tới.
Với những định hướng, tiềm năng và lợi thế sẵn có, tỉnh An Giang rất cần những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản trị cao để khai thác có hiệu quả tiềm năng, biến lợi thế ngành nông nghiệp tỉnh An Giang thành những dự án quy mô lớn, có giá trị cao. Qua đó, từng bước đưa An Giang trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn khu vực và cả nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm.
THANH DŨNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/an-giang-tap-trung-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-post851581.html