An Khê - nơi linh địa tối cổ nhất ở Đông Nam Á

An Khê - nơi linh địa tối cổ nhất ở Đông Nam Á
10 giờ trướcBài gốc
Đặc biệt, An Khê hiện đang là di chỉ khảo cổ về người nguyên thủy tối cổ nhất ở khu vực Đông Nam Á, những phát hiện kỹ nghệ đá cũ An Khê đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử con người ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, ở châu Á nói chung.
Đến An Khê, chúng tôi tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn thượng đạo. Đây chính là vùng đất dựng nghiệp, căn cứ của 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ vào năm 1771, dấy binh chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ngày nay, tại đây vẫn còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc cũng như cổ vật quý cuối thế kỷ XVIII, với 6 cụm và 17 di tích gắn liền với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Trong đó, có Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo, trưng bày những tư liệu, hiện vật của Phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, cùng những di sản văn hóa của đồng bào Ba-na ở Gia Lai. Đặc biệt, những hiện vật thu được trong các cuộc khai quật những di chỉ khảo cổ Sơ kỳ đá cũ trên địa bàn thị xã An Khê trong 10 năm trở lại đây, là minh chứng cho sự tồn tại của người cổ có mặt từ cách ngày nay trên dưới 80 vạn năm ở vùng đất này. An Khê đã trở thành một trong 5 di chỉ về loài người cổ nhất ở lục địa Á-Âu.
Trở về Hà Nội, đến Viện Khảo cổ học Việt Nam, tôi được cung cấp cho các tài liệu, báo cáo khoa học liên quan đến đồ đá cũ An Khê. Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết kết quả khai quật 4 địa điểm đầu tiên ở khu vực này bao gồm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 cho thấy: “Đây là những di tích thuộc một kỹ nghệ đồng nhất, có địa tầng khá nguyên vẹn chứa các di tồn văn hóa của người nguyên thủy. Đặc biệt sự xuất hiện của rìu tay, công cụ ghè hai mặt là một trong số ít trường hợp quý hiếm ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Với những chứng cứ khoa học đó, cho phép nhận định An Khê là quê hương xuất hiện người nguyên thủy sớm nhất ở Việt Nam”.
Du ngoạn trên vùng đất cổ này, ngoài việc tìm hiểu về những di chỉ khảo cổ học, những di tích lịch sử quan trọng, An Khê còn được chúng tôi tiếp cận với chiều kích là một vùng đất Phật giáo, khi có những ngôi chùa đầu tiên và linh thiêng ở Tây Nguyên.
Theo Ban Trị sự Phật giáo thị xã An Khê, địa phương có 11 cơ sở tự viện, gồm 7 ngôi chùa, 3 ngôi tịnh xá, 1 niệm Phật đường. Trong đó, những ngôi cổ tự phải kể đến như: chùa Viên Quang ở phường Ngô Mây, chùa Minh Quang ở phường An Bình, chùa Tân An ở phường Tây Sơn, chùa Quan Âm ở xã Song An…
Trong hệ thống tự viện tại Gia Lai, ngôi chùa hình thành sớm nhất trên địa bàn tỉnh là chùa An Bình ở thị xã An Khê. Chùa An Bình có một vẻ đẹp hiền hòa thôn dã và linh thiêng nổi tiếng bởi được khởi dựng từ cách đây gần 100 năm. Đến chùa An Bình, ta được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc. Cổng chùa uy nghi, hoa văn chạm khắc mang nét cổ điển. Khuôn viên chùa được bao bọc bởi cây xanh, hoa thơm, cỏ lạ tạo nên vẻ đẹp tĩnh tại.
Tỉnh Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An ở thị xã An Khê được triều đình nhà Nguyễn ban sắc tứ. Theo sách “Lược sử các chùa, tịnh xá tỉnh Gia Lai”, chùa Tân An thuộc hệ phái Bắc tông được khởi dựng vào năm 1930, do Quản đạo Kon Tum đương thời là Võ Chuẩn và một số tín đồ thành lập. Hiện còn bức hoành phi “Sắc tứ Tân An tự” được tạo vào năm Bảo Đại thứ 14 (1939) được xem là một trong những bảo vật quan trọng trong hệ thống tự khí của chùa.
Ông Võ Chuẩn (1895-1956) là quan chức cao cấp nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại, năm 1933 ông được bổ nhiệm làm Quản đạo Kon Tum. Đến năm 1938, thuyên chuyển làm Tuần vũ Quảng Bình, năm 1939 làm Tuần vũ Quảng Ngãi, và năm 1940 làm Tổng đốc Quảng Nam hàm đến Thượng thư.
Thời làm quan tại Kon Tum, ông Võ Chuẩn đã góp công lớn vào việc dựng chùa Bác Ái và đây cũng là ngôi chùa duy nhất trong lịch sử các ngôi chùa ở Kon Tum được ban ngạch sắc tứ. Sau đó, trước khi chuyển đến làm Tuần vũ Quảng Bình, ông góp công xây dựng chùa Tân An ở thị xã An Khê và chùa này cũng được triều đình ban sắc tứ.
Từ Bình Định đi lên Gia Lai, qua đèo An Khê, sẽ thấy thấp thoáng một pho tượng Quan Âm ngự trên đồi, giữa trùng điệp non xanh mây trắng. Chùa Quan Âm được đánh giá là công trình kiến trúc tôn giáo vô cùng độc đáo, với tượng đài Quan Âm cao 22 mét có màu xanh ngọc bích. Lịch sử hình thành chùa Quan Âm tại đây khá ly kỳ.
Tương truyền vào năm 1957 khi chuyển tượng Quan Âm cao 1,6 mét từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, đến khu vực này, tượng Bồ-tát bỗng hiển linh. Cho rằng vùng đất Song An có duyên với Phật, nhân dân địa phương bèn xin thỉnh rước pho tượng để tôn trí, thờ tự, ban đầu chùa tên là Song An. Nhưng sau đó, để tỏ lòng biết ơn sự linh hiển nhiệm mầu của ngài Quan Âm, người dân trình Giáo hội xin đổi hiệu chùa thành Quan Âm. Ngày nay, chùa Quan Âm không chỉ ấn tượng với tượng đài Quan Âm trên đỉnh đồi, mà ta còn ấn tượng với tượng Phật nằm khổng lồ.
Với vị trí địa lý của mình, An Khê được ví như chiếc cầu nối và là điểm giao thoa giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Đến An Khê – thị xã ở phía Đông tỉnh Gia Lai, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi vì mật độ những ngôi cổ tự dày đặc nhất vùng Tây Nguyên. Hơn hết, hầu như các tự viện ở đây đều chào đón khách thập phương bằng sự thanh khiết khi kết hợp kiến trúc Phật giáo độc đáo và thiên nhiên bao la của núi đồi Tây Nguyên.
Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/an-khe-noi-linh-dia-toi-co-nhat-o-dong-nam-a-post74532.html