Các nghi thức thờ cúng, tế lễ ông bà tổ tiên và các bậc tôn kính như Phật, thánh, thần, tiên… đã hình thành và phát triển song hành với quá trình bền bỉ, kiên trinh dựng nước và giữ nước của người Việt, góp phần làm giàu nền văn hiến lâu đời của dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền, vẫn tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu, ít nhiều còn rườm rà, nệ cổ hoặc mang màu sắc mê tín dị đoan...
Trong cuốn sách Thờ cúng cổ truyền Việt Nam - nghi lễ và thực hành nghi lễ, tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà đã giới thiệu, phân tích và hệ thống hóa một cách vừa có chiều sâu lý luận, vừa ngắn gọn, dễ hiểu những nét căn bản trong nghi lễ thờ cúng cổ truyền của người Việt.
Một trang trong tác phẩm của Trung Chính Quách Trọng Trà - Ảnh: T.V
Nội dung lý luận của cuốn sách nằm tập trung ở chương 1, nêu những nét khái quát nhất về đặc điểm, tính chất của nghi lễ thờ cúng ở Việt Nam. Ở phần này, bên cạnh việc đưa ra định nghĩa, nguồn gốc, phân loại hoạt động thờ cúng, tác giả tổng kết nên 8 nguyên tắc và 3 tính chất cơ bản của tín ngưỡng thờ cúng cổ truyền.
8 nguyên tắc thờ cúng gồm: Chân tâm, vị tha, trang nghiêm, tuân theo quy luật tự nhiên-xã hội, liên thông, lắng đọng, chân mỹ, và thiêng liêng. 3 tính chất gồm: Tính triết lý; tính thực tiễn, giản dị, giàu nhân văn; và tính thống nhất trong đa dạng. Việc tổng kết các nguyên tắc và tính chất này, theo tác giả, không chỉ để thấy được giá trị tốt đẹp và độc đáo của truyền thống cha ông, mà còn giúp người Việt Nam hôm nay, đặc biệt là giới trẻ, khi thực hành các nghi lễ có thể linh hoạt cải tiến, hiện đại hóa mà vẫn không xa rời bản sắc dân tộc.
Tác phẩm đi sâu vào các tập tục thờ cúng của người Việt
Một điểm mới mẻ và không kém phần gợi mở là phần phụ lục ở chương 1, gồm các lời hỏi đáp tuy vắn tắt nhưng giúp làm sáng tỏ những cách hiểu sai thường thấy về việc thờ cúng.
Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng gây không ít sai lầm, lúng túng với nhiều người: Thờ là gì? Cúng là gì? Cúng và thờ khác nhau thế nào? Một bài văn lễ cần đảm bảo những nội dung gì? Đồ lễ gồm những gì? Có thể cúng hoa khô, hoa giả được không? Nên dùng hoa gì để cúng lễ? Thắp hương nên thắp mấy nén? Đốt vàng mã sao cho đúng?
Trả lời được những câu hỏi này giúp người trẻ hiểu đúng về truyền thống thờ cúng, tránh tình trạng giản lược hóa hoặc “tam sao thất bản”, dẫn đến những mất mát hoặc sai lệch về nội dung, ý nghĩa mà các thế hệ cha anh đã gầy dựng.
Sách do Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành tháng 1.2025
Ở các chương sau đó, khi giới thiệu về từng hoạt động nghi lễ cụ thể, tác giả nhấn mạnh lý giải từ nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của nghi lễ, qua đó làm cơ sở đi đến hướng dẫn thực hành cụ thể sao cho phù hợp và có ý nghĩa nhất. Chẳng hạn, bàn về lễ dâng sao giải hạn, một nghi lễ rất phổ biến và tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt, không ít người cho rằng đây là một hình thức có tính chất lạc hậu, phi khoa học.
Tuy nhiên, thông qua giải thích về nguồn gốc có trong quan niệm dân gian và chỉ ra giá trị cốt lõi về tâm linh, tinh thần vốn in sâu trong tâm thức người Việt, tác giả đã làm nổi bật ý nghĩa nhân văn của nghi lễ này và qua đó hướng dẫn mỗi người, mỗi gia đình có thể tự thực hiện một cách chân tâm, giản dị và tiết kiệm nhất.
Một điểm đặc biệt của các bài văn khấn, văn lễ trong cuốn sách này là, dựa trên văn khấn cổ truyền của cha ông (vốn là các bài đã có từ lâu, sử dụng nhiều từ cũ, từ Hán - Việt có phần trúc trắc, khó hiểu), tác giả soạn lại văn khấn với lối hành văn hiện đại, thuần Việt nhưng vẫn đảm bảo được sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt lẫn nội dung cốt lõi của các bài khấn.
Cuốn sách cũng có thể giúp cho bạn đọc, nhất là giới trẻ, biết sử dụng các bài văn khấn bằng tiếng mẹ đẻ một cách nhuần nhuyễn và trong sáng, làm tăng thêm phần trang trọng và thành tâm khi tự mình dâng lễ tổ tiên, ông bà.
Tín ngưỡng thờ cúng của tiền nhân qua những thăng trầm của lịch sử, một mặt vẫn tiếp tục bảo lưu truyền thống; mặt khác tiếp thu những điểm ưu việt từ mọi nền văn hóa của thế giới để làm giàu đẹp thêm đời sống tinh thần - tâm linh của mình. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng chính là một phương thức tu tâm mà người Việt đã thực hành hàng ngàn năm qua và sẽ không bao giờ mất đi.
Chính bởi lẽ đó mà thế hệ trẻ hôm nay, có thể thông qua cuốn sách này, cần tìm hiểu để thấy rõ hơn ý nghĩa, giá trị của việc thờ cúng cũng như những nghi lễ căn bản, từ đó, tiếp nối những nghi lễ thờ cúng tổ tiên cho đúng đạo lý.
Đúc kết từ quá trình hơn 20 năm trực tiếp làm công việc hướng dẫn nghi thức thờ cúng và thực hiện những việc liên quan đến văn hóa tâm linh, tác giả Quách Trọng Trà đã đưa ra những hướng dẫn thực hành nghi lễ thiết thực, dễ hiểu, dễ làm, đồng thời vẫn đảm bảo ý nghĩa và giá trị cốt lõi cổ truyền, qua đó đáp ứng nhu cầu thực tế trong đời sống tâm linh của đại đa số người Việt.
Về tác giả Trung Chính Quách Trọng Trà, anh tốt nghiệp cử nhân văn học Trường Đại học KHXH-NV TP.HCM.
Từ 1996 đến nay, anh tập trung nghiên cứu, thực hành nghi thức thờ cúng của người Việt, đồng thời hướng dẫn cho các đồng đạo về việc thờ cúng và các việc liên quan đời sống tâm linh.
Hiện tại, anh đang phối hợp với Thượng tọa Thích Tâm Hiệp (tác giả sách Hùng vương thánh tổ ngọc phả sưu khảo, NXB Hồng Đức, 2021) đi điền dã và khảo cứu về nghi lễ thờ cúng của người Việt trên địa bàn cả nước, chuẩn bị hoàn thiện bản thảo: Hỏi - đáp về đạo thờ tổ tiên của người Việt dưới góc nhìn Phật giáo.
Tiểu Vũ