Ân Ninh Pa Nua của đồng bào Cơ Tu

Ân Ninh Pa Nua của đồng bào Cơ Tu
9 giờ trướcBài gốc
Sau các nghi thức chính, mọi người cùng nhau quây quần ca múa
Hồi đáp ân tình
Lễ hội Ân Ninh Pa Nua không phải là một sự kiện thường niên mà chỉ được tổ chức một lần duy nhất trong đời của mỗi gia đình Cơ Tu. Thông thường, từ 10 đến 20 năm sau khi con gái đi lấy chồng, gia đình nhà gái sẽ tổ chức nghi lễ này để tri ân sự yêu thương, che chở mà nhà trai đã dành cho con gái của họ. Đây không chỉ là dịp để thắt chặt tình thông gia mà còn là cơ hội để cả cộng đồng chung vui, gìn giữ truyền thống.
Từ sáng sớm, chủ nhà cùng các thành viên trong dòng họ đã tất bật chuẩn bị để đón khách từ nhà trai. Khi đoàn khách bước vào cổng làng, một người đại diện chạy nhanh về báo tin cho gia đình, sẵn sàng nghênh đón. Những cái bắt tay, những lời chúc tụng rộn ràng trong tiếng cười nói tạo nên không khí đầm ấm, thiêng liêng.
Nghệ nhân Arel Đời, một người am hiểu sâu sắc về văn hóa Cơ Tu, chia sẻ: “Lễ hội này có ý nghĩa rất lớn đối với người Cơ Tu chúng tôi. Đây là dịp để thể hiện lòng biết ơn và còn là lời dặn dò của cha mẹ đối với con gái, rằng khi đã bước về nhà chồng thì phải trọn đạo làm vợ, làm mẹ, hết lòng với gia đình mới”.
Sau phần chào hỏi, hai bên gia đình cùng nhau thực hiện nghi lễ dâng lễ vật lên tổ tiên và các thần linh. Trước bàn thờ gia đình, một mâm lễ được bày biện với nước lã, lá chuối, rượu cần... Hai bên cùng khấn vái, cầu mong tổ tiên chứng giám và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, gia đình thông gia bền chặt.
“Một trong những nghi thức quan trọng nhất của lễ hội này là đâm trâu. Tuy nhiên, nghi lễ này đã được lược bỏ, thay vào đó là các nghi lễ khác như múa “tung tung da dá”, tổ chức thi dệt zèng, biểu diễn nghệ thuật..., vừa giữ được tinh thần của lễ hội mà vẫn phù hợp với đời sống hiện đại”, Nghệ nhân Arel Đời chia sẻ.
Sau các nghi thức chính, mọi người cùng nhau quây quần bên bữa tiệc truyền thống với rượu cần, cơm lam, bánh a quát… Các gia đình thông gia trao nhau những tấm zèng đẹp thay lời chúc phúc, mong con cháu hai nhà mãi gắn kết, thuận hòa.
Phát huy giá trị lễ hội
Lễ hội Ân Ninh Pa Nua không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là một tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng tại A Lưới. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nét đẹp của lễ hội này.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới cho biết: “Hiện nay, huyện đang kết hợp lễ hội Ân Ninh Pa Nua vào các chương trình du lịch trải nghiệm. Bằng cách tái hiện lại những nghi thức chính, du khách sẽ có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Cơ Tu, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế địa phương”.
Hiện nay, một số mô hình du lịch cộng đồng đã bước đầu đưa lễ hội này vào chương trình tham quan, giúp du khách không chỉ được xem mà còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động truyền thống. Họ có thể trải nghiệm dệt zèng, học những điệu múa truyền thống, hay tham gia chế biến các món ăn đặc trưng của người Cơ Tu. Điều này giúp bảo tồn lễ hội, tạo sinh kế cho người dân địa phương, khuyến khích thế hệ trẻ thêm tự hào và chủ động giữ gìn văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đang phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và cộng đồng để chuẩn hóa các nghi lễ trong khuôn khổ bảo tồn, đồng thời làm mới hình thức tổ chức để thu hút du khách nhiều hơn. Các hoạt động trải nghiệm được lồng ghép vào các chương trình du lịch sinh thái, giúp du khách vừa có thể tận hưởng thiên nhiên hoang sơ của A Lưới, vừa hiểu hơn về đời sống văn hóa đặc sắc của đồng bào Cơ Tu.
Bài: Bạch Châu. Ảnh: Thu Hiền
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/an-ninh-pa-nua-cua-dong-bao-co-tu-152734.html