An toàn lao động đòi hỏi ngày càng cao

An toàn lao động đòi hỏi ngày càng cao
12 giờ trướcBài gốc
Đây là yếu tố then chốt để doanh nghiệp gia nhập và duy trì vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình, một doanh nghiệp sản xuất ô tô đang tiến sang thị trường châu Âu, Mỹ, thị trường Ấn Độ, Indonesia và khu vực Đông Nam Á. Trong phát triển bền vững, ngoài các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, sản phẩm, quy trình sản xuất thì chính sách về an toàn vệ sinh lao động được quan tâm, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Anh Nguyễn Tuấn Vũ - Công nhân nhà máy Vinfast Hải Phòng cho biết: “Khi tham gia vào quá trình sản xuất, áp dụng những máy móc, công nghệ hiện đại mới có nguy cơ mất an toàn lao động ngày càng cao, do đó người lao động luôn được đào tạo kỹ trước khi thao tác”.
Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc nhà máy Vinfast Hải Phòng cho biết: “Trong những dây chuyền công nghệ hiện nay, chúng tôi đã mang về công nghệ mới nhất trong dây chuyền tự động hóa, chính vì thế sẽ giảm thiểu sự tham gia trực tiếp của con người và nâng cao an toàn lao động cho tất cả công nhân viên".
Với quy mô cảng biển lớn nhất miền Bắc, hơn 1.000 lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc độc hại, cảng Hải Phòng đã cập nhật phương thức vận tải thương mại hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Năm qua, đơn vị đã huấn luyện cho hơn 2.200 người, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tổ chức quan trắc môi trường, đưa ra các giải pháp giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến người lao động.
Ông Chu Minh Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết: “Trong những chi phí đem lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp, chi phí đào tạo cho người lao động luôn là đứng đắn nhất vì khi đó mới có thể nâng cao nhận thức người lao động trong những hoạt động sản xuất kinh doanh, tuân thủ quy trình công nghệ để đảm bảo an toàn lao động".
Hiện nay, việc sản xuất có thể là một chuỗi liên kết toàn cầu. Một sản phẩm có thể được nhiều doanh nghiệp tham gia. Hàng hóa của đơn vị này là nguyên liệu của hoạt động sản xuất tiếp theo. Việt Nam đang là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đối mặt yêu cầu ngày càng cao của điều kiện làm việc, môi trường sản xuất. Các doanh nghiệp không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn lao động trong nước mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của các quốc gia đối tác. Đây được xem là yếu tố quan trọng trong duy trì hợp đồng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Nội vụ cho biết: “Cần phải chú trọng hơn nữa đến sức khỏe, quyền của người lao động được làm việc trong một môi trường an toàn, bảo vệ tính mạng của mình, đó cũng là cách mà doanh nghiệp có thể nâng cao vị thế trên thị trường, đối phó với các rào cản của thị trường quốc tế".
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, an toàn vệ sinh lao động chính là chìa khóa giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên không chỉ trong nước mà còn chinh phục thị trường quốc tế. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao cạnh tranh. Doanh nghiệp đầu tư vào sức khỏe, người lao động không chỉ có được môi trường làm việc an toàn, mà còn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việt Hằng
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/an-toan-lao-dong-doi-hoi-ngay-cang-cao-326693.htm