Nửa thế kỷ trôi qua nhưng âm hưởng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành độc lập, tự do và thống nhất cho dân tộc vẫn còn mãi vang vọng trong hàng triệu trái tim người Việt. Từ lâu, chiến tranh cách mạng đã trở thành đề tài lớn đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Nhiều thế hệ những người làm điện ảnh đều mang trong mình mơ ước được phản ánh cuộc kháng chiến thần thánh trong những bộ phim của mình.
Như nhiều người khác, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng ấp ủ dự án phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” tới 11 năm và vừa kịp ra mắt khán giả chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Phim chọn mốc thời gian năm 1967, thời điểm chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Xã Bình An Đông (thuộc huyện Củ Chi) nơi vốn được mệnh danh là “đất thép thành đồng” – trở thành một trong những điểm nóng trên chiến trường. Trong lòng đất, đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa thủ vai) chỉ huy vẫn kiên cường bám trụ, bất chấp sự truy lùng gắt gao của quân đội Mỹ. Nhưng khi kẻ thù siết chặt vòng vây thì từng mét hầm tăm tối bỗng hóa thành chiến trường khốc liệt, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau 1 làn hơi thở. Giữa khốc liệt của cuộc chiến đấu thì sự lạc quan, tình đồng đội, tình yêu của người lính cũng được khắc họa cảm động, rõ nét.
Một cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Không đầu tư đại cảnh hoành tráng, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” chinh phục khán giả bằng sự công phu của ê kíp từ bối cảnh, trang phục tới tạo hình nhân vật. Đoàn làm phim chủ động xây dựng một hệ thống địa đạo dài 250m tại phim trường ở TP Hồ Chí Minh. Lời thoại cô đọng, hình ảnh giàu ngôn ngữ và biểu cảm, tái hiện cuộc sống giản dị, chân thực thông qua những chi tiết đời thường, xúc động nhân lên sự lạc quan, tinh thần sẵn sàng hy sinh của những người lính Cụ Hồ là điều khiến bộ phim chạm tới trái tim khán giả. Người lính trong phim không phải là con người có sức mạnh vượt trội, thể hình vạm vỡ hay kỹ năng xuất chúng. Điều khiến cho họ trở nên vĩ đại chính là tình yêu đất nước đã thôi thúc họ đứng lên cầm súng chiến đấu, vì hòa bình mà sẵn sàng ngã xuống.
Trong sự thành công của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” phải kể tới sự hóa thân xuất sắc của các diễn viên. Đó là Thái Hòa – “ông vua phòng vé” đã tiếp tục lột xác trong vai chính Bảy Theo - một người lính thô ráp, quyết đoán nhưng chất chứa nhiều nội tâm. Mạnh mẽ là thế nhưng không thiếu những khoảnh khắc bộc lộ sự yếu đuối, mệt mỏi khiến nhân vật Bảy Theo trở nên đa chiều và chân thực.
Bên cạnh đó, diễn viên Quang Tuấn cũng tỏa sáng với vai kỹ sư quân khí Tư Đạp, sự tinh tế trong từng biểu cảm thể hiện trọn vẹn sự giằng xé nội tâm của một người lính kiên cường nhưng cũng đầy khát khao yêu thương. Hồ Thu Anh với vai nữ du kích Ba Hương vừa mạnh mẽ vừa dịa dàng như một điểm nhấn thú vị của bộ phim... Mỗi nhân vật trong phim không đơn thuần chỉ là một người lính mà còn là một câu chuyện về ý chí, nỗi đau và khát vọng. Họ chiến đấu không chỉ vì nhiệm vụ mà còn vì một niềm tin mãnh liệt rằng đất nước thân yêu xứng đáng được bảo vệ, được hòa bình.
Bộ phim không đơn thuần là một bộ phim chiến tranh mà còn là bức tranh chân thực về lòng quả cảm và ý chí kiên cường của con người Việt Nam. Một điều đáng mừng là trong số đông đảo khán giả tới rạp, có nhiều khán giả trẻ dành tình cảm yêu mến cho bộ phim. Không ít bạn trẻ chia sẻ cảm xúc tự hào về thế hệ cha ông đã không quản hy sinh, mất mát để có được độc lập, thống nhất cho dân tộc, khiến họ thêm trân quý cuộc sống hòa bình, tự do ngày nay.
Cũng với đề tài chiến tranh cách mạng, một dự án phim lớn đang được Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đó là “Mưa đỏ” (đạo diễn, NSƯT Đặng Thái Huyền). Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Ê kíp làm phim cho biết, bộ phim phản ánh cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường, đồng thời ngợi ca khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của nhân dân Việt Nam. Bộ phim cũng khắc họa vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí, tình cảm thiêng liêng về gia đình, sự lãng mạn trong tình yêu đôi lứa.
Một cảnh trong phim “Nổi gió”.
Được biết, dự án phim này được đầu tư công phu, hoành tráng với việc xây dựng, phục dựng bối cảnh trên phim trường với diện tích gần 50ha. Các thiết bị vũ khí, phương tiện… gần như nguyên mẫu từng diễn ra trong trận Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Với khát vọng mang đến những thước phim chân thực, cảm xúc nhất, quá trình làm phim huy động sự tham gia, phối hợp của nhiều quân binh chủng trong quân đội với nhiều vũ khí, trang bị, đạo cụ, phương tiện phục vụ cảnh quay với số lượng nhân sự lên tới hàng nghìn người. Các vai chính trong phim được giao cho những nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm diễn xuất như Hứa Vĩ Văn, Phương Nam…
Đạo diễn Đặng Thái Huyền – người từng thành công ở nhiều bộ phim với đề tài chiến tranh chia sẻ, đoàn làm phim thường xuyên xin tư vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cố vấn cũng như rất thận trọng trong việc xây dựng nhân vật, bối cảnh để không làm sai lệch hay gây hiểu nhầm về sự kiện lịch sử.
Được biết, bộ phim hiện đang được dốc sức hoàn thành dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 2/9/2025. Với một ê kíp đầy tâm huyết cùng sự đầu tư hoành tráng, bộ phim hứa hẹn mang đến cho khán giả những cảm xúc mãnh liệt và bài học quý giá về tình yêu đất nước, lòng trung thành và khát vọng hòa bình, độc lập của nhân dân Việt Nam.
Có thể nói “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, “Mưa đỏ” hay gần đây là “Truyền thuyết về quán Tiên”, là sự tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về đề tài chiến tranh cách mạng của những người làm điện ảnh. Khi lịch sử dân tộc gắn liền với các cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập và thống nhất đất nước thì biết bao câu chuyện, biết bao con người đã đi vào những tác phẩm điện ảnh một cách đầy cảm xúc. Nhiều thế hệ khán giả yêu điện ảnh Việt vẫn nhắc nhớ tới những bộ phim in đậm dấu ấn trong trái tim họ như “Nổi gió” (đạo diễn Huy Thành, 1966), “Cánh đồng hoang” (đạo diễn Hồng Sến, 1979), “Ván bài lật ngửa” (đạo diễn Lê Hoàng Hoa, 1987), “Biệt động Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân, 1986), “Giải phóng Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân, 2005), “Đừng đốt” (Đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2009), “Mùi cỏ cháy”, (đạo diễn Hữu Mười, 2011), “Những người viết huyền thoại” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, 2013)… Trong số đó, bộ phim “Giải phóng Sài Gòn” được thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005) luôn được đánh giá là một trong những phim tiêu biểu, quy mô nhất trong việc mô tả ngày Giải phóng miền Nam. Phim tái hiện những sự kiện chính trong quá trình quân giải phóng tiến về Sài Gòn, bắt đầu từ trận tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột đến khi toàn thắng về ta. Với kinh phí đầu tư ở thời điểm đó là gần 13 tỷ đồng, được sản xuất trong thời gian kỷ lục là 13 năm, bộ phim tràn đầy cảm xúc hào hùng, bi tráng về chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Có lẽ, với nhiều đạo diễn, khi thực hiện những bộ phim với đề tài này, vượt lên trên trách nhiệm của một đạo diễn, điều họ mang theo là sứ mệnh trái tim của người nghệ sĩ. Như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, chúng tôi luôn cố gắng làm sao cho xứng đáng để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì Tổ quốc, cũng như để các thế hệ mai sau có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của ngày 30 /4.
Còn đạo diễn Đặng Thái Huyền thì xúc động: “90% cảnh quay được thực hiện tại thực địa, chính nơi diễn ra cuộc chiến. Tác nghiệp trên chính mảnh đất đã có quá nhiều hy sinh, mất mát mang lại cho chúng tôi cảm giác thiêng liêng, buộc mình phải cố gắng, nghiêm cẩn rất nhiều”…
Chứa đựng nội dung sâu sắc, giá trị nghệ thuật cao, nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ được khán giả yêu mến mà còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá tại các LHP trong nước và quốc tế. Những thước phim chân thực, xúc động không chỉ phản ánh tinh thần quật cường của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh chính nghĩa mà còn bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn người Việt - những con người yêu chuộng hòa bình, chan chứa lòng nhân ái, yêu thương.
Thảo Duyên