Đây là lần thứ hai Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế quy mô lớn, với mục đích chia sẻ thành tựu, kinh nghiệm nghiên cứu, sản xuất, sử dụng vũ khí trang bị và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa các nước tham dự triển lãm. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Khu tham quan ngoài trời gồm phần trung bày các vũ khí hạng nặng, hệ thống và thiết bị phòng không – không quân, lục quân, hải quân như các loại xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe chỉ huy thông tin, pháo phòng không. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Máy bay TP-150 là dòng sản phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Italy, phục vụ huấn luyện phi công quân sự và tuần tra. Trọng lượng rỗng máy bay là 430 kg, trần bay ở độ cao 6.400 m, tốc độ tối đa 300 km/h. TP-150 được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm, trang bị hệ thống càng thu thả được và cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng. Buồng lái hai ghế ngồi, cho phép mang theo hành lý 34 kg, phù hợp với công tác huấn luyện phi công quân sự. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Công nghiệp quốc phòng Việt Nam còn tham gia sâu vào cải tiến các loại tên lửa và pháo phòng không. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tên lửa đất đối đất R-17E là một trong những tên lửa đạn đạo phổ biến nhất của Liên Xô, với khoảng 7.000 quả được chế tạo và xuất hiện trong biên chế quân đội 32 nước, trong đó có Việt Nam. Tên lửa R-17E có tốc độ 4.940 km/h, tầm bắn 300 km, mang được nhiều loại đầu đạn. Nó được đặt trên xe bệ phóng bánh hơi MAZ-543, tăng khả năng cơ động và ẩn náu trước các đợt tấn công của đối phương. Tên lửa này thường được sử dụng để tấn công mục tiêu cố định, không được gia cố của đối phương. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM" (C125- 2TM) được thiết kế với khả năng tiêu diệt mục tiêu bay trong mọi điều kiện nhiễu, đồng thời có thể tấn công các mục tiêu mặt đất và mặt nước trong một số tình huống. Trên khí tài được trang bị 4 tên lửa đặc biệt. C125- 2TM có thể chiến đấu độc lập hoặc hiệp đồng chiến đấu trong thế trận phòng không nhờ khả năng tương thích với mọi chủng loại radar và hệ thống thông tin chỉ huy phòng không. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-125-2TM "Pechora-2TM" (C125- 2TM). Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ các cường quốc quân sự như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Israel… cũng mang đến triển lãm năm nay nhiều sản phẩm máy bay, UAV và mô hình sản phẩm chiến đấu cơ tối tân. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga giới thiệu các phương tiện chiến đấu lục quân và tổ hợp tên lửa đất đối hải Rubezh-ME. Điểm độc đáo của khí tài này nằm ở khả năng hoạt động độc lập như một đơn vị chiến đấu đơn lẻ hoặc là một thành phần của tổ hợp chiến đấu hoàn chỉnh, tăng lựa chọn chiến thuật tác chiến. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Quân đội Mỹ mang đến triển lãm bộ đôi máy bay quân sự A-10 Thunderbolt II và C-130J Super Hercules. Trong đó, máy bay yểm trợ hỏa lực mặt đất A-10 Thunderbolt II này được đánh giá là dòng máy bay tin cậy, uy lực và khả năng mang trọng tải vũ khí lớn trong chiến đấu. Khung máy bay được thiết kế để có độ bền với giáp titan bảo vệ buồng lái. Máy bay có khả năng cất và hạ cánh từ đường băng ngắn, không trải nhựa, phù hợp với các chiến dịch gần tiền tuyến. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Máy bay vận tải quân sự hạng trung C-130J Super Hercules của Mỹ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tại triển lãm năm nay, Việt Nam có sự góp mặt, trình diện của 69 chủng loại khí tài, vũ khí của 77 đơn vị, là sản phẩm của tự chủ công nghiệp quốc phòng như Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel), các nhà máy Z111, Z113, Z131, Z175, các công ty thành viên của Tổng cục công nghiệp quốc phòng, các công ty trực thuộc Bộ Quốc Phòng… Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Ở khu tham quan trong nhà, nổi bật là các dòng máy bay không người lái (UAV) hiện đại do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tại gian trưng bày của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam trưng bày 3 loại UAV chiến đấu, trinh sát và cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Thiết bị UAV trinh sát phóng xạ đường không do Nhà máy Z113 (Tổng cục công nghiệp quốc phòng Việt Nam) nghiên cứu, chế tạo có khả năng bay với tốc độ 50 km/h, trần bay 1.000m, cự ly liên lạc lên đến 5km với thời gian di chuyển 60 phút, mang được tải trọng 7kg. Thiết bị này được sử dụng trong các nhiệm vụ cần đo suất liều phóng xạ trong không khí, phân tích tín hiệu, xác định đồng vị phóng xạ và gửi thông tin về sở chỉ huy. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Đến với triển lãm Vietnam Defence Expo 2024, Viettel trưng bày hơn 100 sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự và dân sự. Nhiều chủng loại UAV thế hệ mới như UAV trinh sát, UAV cảm tử, UAV đa năng được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Mẫu UAV cảm tử VU-C2 do Viettel phát triển, được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động. Thiết bị này có thể khai hỏa bằng thao tác tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy. UAV sải cánh 1,5 m, chiều dài 1,1 m, trọng lượng cất cánh tối đa 8 kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên hơn 130 km/giờ. Toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay và hệ thống phóng có khối lượng nhẹ, có thể tháo lắp nhanh giúp người lính dễ dàng triển khai mang vác và cơ động. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Viettel đã chế tạo nhiều loại radar hiện đại như radar cảnh giới nhìn vòng tầm trung, radar bắt thấp chuyên nhiệm và thậm chí là cả radar thụ động chuyên phát hiện được máy bay tàng hình. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Một số loại súng bộ binh "Made in Vietnam". Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Ngoài ra, khách tham dự triển lãm Vietnam Defence Expo 2024 sẽ được chứng kiến công nghệ trình chiếu 3D mapping, mô hình sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh, công nghệ thực tế ảo (VR) mô phỏng diễn biến của các giai đoạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Người dân và du khách được vào xem triển lãm quốc phòng Vietnam Defence Expo 2024 miễn phí từ 9h sáng 21/12 đến 15h chiều 22/12. Người dân cần đăng ký trước trên website chính thức của triển lãm. Ảnh: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Hà Anh