Ánh điện soi ngày về

Ánh điện soi ngày về
3 giờ trướcBài gốc
Hiệp định Genève ký ngày 20.7.1954 quy định: “Hai bên không dung thứ bất cứ hành động nào hủy hoại hoặc phá hoại tài sản công cộng và xâm phạm đến sinh mệnh, tài sản của thường dân. Hai bên cũng không dung thứ bất cứ sự can thiệp nào vào nội chính địa phương” (điều 15, khoản d, “Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương: Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, Nhân Dân 31.7.1954).
Đó là điều khoản chung, còn trong tình huống cụ thể, cuộc giằng co về sở hữu thiết bị, máy móc của hạ tầng điện như ở Hà Nội diễn biến phức tạp, phản ánh sự chưa đủ rõ ràng, dứt điểm của bản Hiệp định. Về mặt nhận thức chung, hiển nhiên người chiến thắng là Việt Minh được hưởng quyền tiếp quản. Quy định thời hạn chuyển quân và tập kết ở Hà Nội được ấn định trong 80 ngày. Đây chính là khoảng thời gian chủ sở hữu của các cơ sở công nghiệp như nhà máy điện của Pháp tìm cách đưa các thiết bị xuống Hải Phòng, nơi thời hạn lên tới 300 ngày, sau đó là vào Nam.
Hai mươi ngày sau khi Hiệp định Genève được ký kết, báo Nhân Dân từ chiến khu đã nêu vấn đề về chính sách quản lý công thương nghiệp khi tiếp quản: “Giữ gìn thành phố, thiết lập trật tự cách mạng, ổn định sinh hoạt của nhân dân, hướng về sản xuất để xây dựng mọi công tác cho thành thị và để dần dần phát huy tác dụng của thành thị đối với nông thôn”. Trong đó dường như cụ thể hóa quy định của Hiệp định là “tất cả các nhà máy, cửa hiệu, ngân hàng, kho tàng của tư nhân đều được bảo hộ, không ai được xâm phạm.
Các công việc sản xuất, buôn bán của nhân dân đều được tiếp tục như thường” và “công thương nghiệp của ngoại kiều (kể cả kiều dân Pháp) được bảo hộ. Những người đã hợp tác với đối phương trong thời kỳ chiến tranh vẫn được tiếp tục sản xuất và buôn bán nếu họ có những cơ sở công thương nghiệp, miễn là họ phải tuân theo luật pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Nhật Tân, “Thực hiện chính sách đối với những thành thị mới giải phóng kiên quyết bảo vệ công thương nghiệp”, Nhân Dân 9.8.1954).
Diễu hành tới quảng trường Ba Đình 2.9.1958, tranh màu nước của Thang Trần Phềnh, 1964. Bảo tàng Quang San
Bài báo chỉ đích danh nhà máy điện ở Hà Nội là một trong những cơ sở mà chính sách nhắm đến. Điện ở Hà Nội là vấn đề nổi cộm nhất trong cuộc tiếp quản khi cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam liên tục đưa tin bài trong suốt một tháng sau khi thiết lập chính quyền đô thị.
Ngày tiếp quản đã diễn ra sớm hơn đối với nhà máy điện Bờ Hồ. Nhà báo Thép Mới, cây bút chính luận nổi tiếng đã ghi lại khung cảnh có ánh đèn soi rọi:
Mới tờ mờ đất, ngày 9.10, tiếng hát “Vì nhân dân quên mình” bỗng vang lên trên các ngả đường vào Bạch Mai, Kim Liên, Ô Cầu Giấy. Các đơn vị tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng ngũ nghiêm chỉnh, tiến vào giải phóng Thủ đô. Trên Quốc lộ số 1, nhìn về Hà Nội, ánh đèn điện Bạch Mai ngày càng gần lại. Ánh điện báo hiệu công nhân và toàn thể nhân dân Hà Nội vẫn giữ vững đấu tranh đợi bộ đội về.
… Tiếng reo lên: “Nó đã đi rồi! Hồ Gươm đã về ta rồi!”. Bộ đội ta đã lên tiếp thu đến tận Nhà máy điện Bờ Hồ. Suốt ngày và đêm qua, anh chị em công nhân mang cơm nắm đến ăn tại nhà máy, cả đêm thức bảo vệ nhà máy đến cùng. Bữa cơm nắm đêm qua - như anh chị em nói - là bữa cơm giao thừa đón cả một thời đại mới. Suốt đêm lau chùi nhà máy thật sạch - sạch như chưa bao giờ có trong nhà máy này. Khi bộ đội vào tiếp thu, anh em sắp hàng đứng đón. Hai chị công nhân dâng hoa và thay mặt anh chị em hứa: “Kiên quyết bảo vệ nhà máy, giữ vững sản xuất, đảm bảo điện nước phục vụ nhân dân”. Xong, một số anh em lại vào sản xuất ngay, một số anh em đi dựng cổng chào nhà máy. Cổng chào bằng gỗ cao 7 thước do anh em góp tiền làm.
… Đêm nay, Hà Nội bình tĩnh chấp hành lệnh giới nghiêm và thao thức, rộn ràng, chuẩn bị đón đại bộ phận quân đội vào đóng Thủ đô. Điện vẫn sáng. Trên cổng chào của anh em công nhân Nhà máy điện Bờ Hồ, ngôi sao năm cánh bằng điện soi bóng xuống Hồ Gươm. Hà Nội sáng, và ngày càng sáng mãi từ nay. (Thép Mới, “Ngày đầu tiên của Thủ đô giải phóng: Từ Bạch Mai đến cầu Long Biên”, Nhân Dân 11.10.1954).
Điện đóng vai trò làm cho “bữa cơm giao thừa đón cả một thời đại mới” trở thành thông điệp để “Hà Nội sáng, và ngày càng sáng mãi từ nay”. Mặc dù nhà máy điện chưa có gì thay đổi về chất, vẫn tồn tại bằng hình thức sản xuất cũ, song qua mô tả, dường như chỉ sau một đêm đã ra một nguồn sáng khác.
*
Trên thực tế, trong quá trình duy trì, khôi phục hoạt động của thành phố, việc tiếp quản các nhà máy điện dường như vấp phải những tranh luận về vấn đề sở hữu. Điều này bắt nguồn từ cách diễn giải các quy định của Hiệp định Genève. Mặc dù theo điều 15 khoản d đã nói ở trên thì các nhà máy điện thuộc Công ty Nước và Điện Đông Dương (Compagnie des eaux et d'électricite de l'Indochine), một công ty tư nhân ký hợp đồng với thành phố Hà Nội. Vào thời điểm năm 1953, công ty có ban giám đốc và kế toán đều là người Pháp, nằm trong Hội Điện khí Đông Dương (Socíeté Indo-chinoise d'électricité) (Annuaire Desfossés 1953, p.1350).
Những người quản lý theo một bài viết trên báo Nhân Dân ngay sau ngày tiếp quản đã có dấu hiệu rời bỏ nhiệm sở, thậm chí bị những người chiến thắng đánh giá tiêu cực: “Các chủ xí nghiệp điện và nước đã cố phá hoại và định trốn tránh trách nhiệm trước nhân dân Hà Nội. Công ty điện và nước này đã ký với thành phố Hà Nội một bản hợp đồng kinh doanh, đến năm 1958 hợp đồng này mới hết hạn, công ty muốn thôi kinh doanh phải báo trước 2 năm. Nay công ty đó vô cớ bỏ việc là làm trái hợp đồng. Đối với những việc nói trên, những người đại diện Pháp ở Đông Dương không thể không có trách nhiệm, vì những việc đó là trái với tinh thần hiệp định Giơ-ne-vơ” (“Hà Nội phải có điện và có nước!”, Nhân Dân 11.10.1954).
Một số bài báo về việc tiếp quản các cơ sở nhà máy điện ở Hà Nội trên báo Nhân Dân tháng 10.1954.
Một tháng trước ngày Việt Minh tiếp quản, chủ của các nhà máy điện ở Hà Nội tìm cách di chuyển máy móc đi Hải Phòng. Một số sự kiện được ghi lại như ngày 9.9, chủ nhà máy điện “bắt công nhân tháo máy móc ba lăng, máy búa, máy đặt cột đèn, máy đo điện để đưa đi Hải Phòng” hay “chủ lại định bán 2 máy phát điện ở Sơn Tây vừa mang về Hà Nội. Sang ngày 10 đến 13.9, chủ lại cho mang đi Hải Phòng 17 máy biến thế điện lớn, 4 cái nhỏ và một số dây đồng” (“Thành tích bảo vệ máy móc dụng cụ của công nhân viên nhà đèn và máy điện Hà Nội”, Nhân Dân 15.10.1954). Ngày 15.9, khi dự trữ than trong kho còn 3.000 tấn, những người chủ không mua thêm và cho chở 9 thùng dầu mazut đi Hải Phòng.
Điều này vấp phải sự kháng cự của số đông công nhân và nhân viên người Việt khi họ lo lắng các hoạt động của đời sống đô thị Hà Nội bị ngừng trệ. Họ đề ra khẩu hiệu “Máy móc là tay chân của chúng ta”, tìm cách gây áp lực lên chủ nhà máy bằng cuộc đình công vào chiều tối ngày 24.9. Hai ngày sau, “chủ nhà máy điện đã phải trả lại một số đồ trước đây chở đi Hải Phòng gồm 4 máy biến thế điện, 1 ô tô, 1 số đất xây lò và cho chở dần than về mỗi ngày 300 tấn. Đến ngày 10.10, xưởng máy có 4.000 tấn than” (bài báo đã dẫn).
Những người thợ điện trong một loạt bài báo về việc tiếp quản thủ đô đã cho biết: “Hai tháng nay anh chị em đã đấu tranh bền bỉ, nhịn đói, ngủ ngay tại nhà máy, đẩy lui những hành động khủng bố, khiêu khích, lừa dối của bọn phá hoại định phá nhà máy và buộc chủ máy phải đảm bảo đủ than cho nhà máy điện vẫn làm việc được điều hòa. Nay anh chị em ngoài giờ làm việc lại cùng chúng tôi phối hợp canh gác bảo vệ nhà máy” (Trương Yến Nhân, “Bảo vệ nhà máy điện của chúng ta”, Nhân Dân 21.10.1954).
Bảo vệ nhà máy là điều các công nhân ủng hộ kháng chiến bận tâm. Vài tháng trước và sau ngày Hà Nội được tiếp quản, khung cảnh thành phố có nhiều biến động. Trên các mặt báo tư nhân thường xuyên xuất hiện các thông tin bán nhà, tài sản để di cư vào Nam. Đằng sau sự hồ hởi chào đón đoàn quân trở về là dòng người rời Hà Nội để đến khu vực tập trung theo quy định ở Hải Phòng và phía Nam vĩ tuyến 17, dĩ nhiên đây là cơ hội cho tình trạng mất an ninh khi cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra.
Trong vòng một tháng, khung cảnh nhà máy điện đã đi vào ổn định, được mô tả như một quả tim đập liên tục để lưu thông máu nuôi đô thị: “Trong nhà máy gần 10 chiếc lò than lớn cháy đỏ rực, 4 chiếc máy phát điện lớn đang nổ máy rầm rầm. Trên tường trước mặt, đèn xanh đỏ, đồng hồ các cỡ báo hiệu việc phân phát điện cho thành phố và các vùng Gia Lâm, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Sơn Tây… Từ ngày giải phóng thủ đô, mức điện dùng tăng hơn trước. Trên đường phố xe đạp, xe xích lô, xe hơi vùn vụt đi lại, tàu điện lên Yên Phụ, Bưởi chuông leng keng rộn rã. Các ngã tư đường phố cổng chào các kiểu, đèn điện xanh đỏ tô thêm vẻ đẹp cho thủ đô mới giải phóng. Nhờ có điện, nhà máy nước bên cạnh cũng đang chạy ngày đêm đảm bảo nhu cầu cho nhân dân” (bài đã dẫn).
Trong lò than nhà máy điện Yên Phụ, tranh sơn dầu của Trần Đình Thọ. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bài báo cung cấp thông tin đáng chú ý về số lượng máy phát điện cũng như sự ảnh hưởng của điện đối với hệ thống giao thông và cấp nước. Rõ ràng, những người công nhân điện lo lắng về tương lai thành phố của mình là có lý do. Họ còn kêu gọi tiết kiệm điện: “Để đủ ánh sáng giúp cho sự hoạt động, buôn bán được dễ dàng; để đỡ lãng phí, anh em nhà máy điện đã thực hiện cán bộ và công nhân ban ngày làm việc chỉ dùng 5 ngọn đèn, ít thắp đèn to, luôn luôn bỏ than vào lò trước 2 tiếng đồng hồ, tăng cường kiểm soát việc dùng điện trong nhà máy cũng như ngoài phố” (Trịnh Văn Nguyên, công nhân nhà máy điện Bờ Hồ, “Ý kiến bạn đọc”, Nhân Dân 22.10.1954).
*
Tất nhiên, báo Nhân Dân đã vận dụng thế mạnh tuyên truyền để tạo thành ấn tượng cho quần chúng về sự thắng lợi trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng các nhà máy điện từ tay người Pháp. Về phía người Pháp, họ đi đến chấp nhận sự thất bại trong việc mang theo trang thiết bị khi rút khỏi Hà Nội:
Vào ngày 25.3.1955, Hội Điện khí Đông Dương đã đệ trình 4 thủ tục lên Hội đồng Quốc gia, tương ứng với việc chấm dứt và bồi thường các hợp đồng nhượng quyền cho Hà Nội và Đồng bằng Bắc bộ cũng như bồi thường cho tài sản tư nhân còn sót lại trên địa bàn. Vào tháng 4, họ đã gửi tới Bộ các nước trong khối liên hiệp một yêu cầu chấm dứt có bồi thường đối với các hợp đồng đã thực hiện và tài sản cá nhân ở khu vực Hải Phòng. Hội đồng ước tính thiệt hại do chuyển giao tài sản ở miền Bắc Việt Nam cho Việt Minh là 2,3 tỷ franç (L’Information financìere, économique et politique, 15 juin 1955).
Rõ ràng con số khổng lồ trên phản ánh sự thất bại trong việc vớt vát di sản thuộc địa của người Pháp, vốn dĩ đã được báo trước sau thất bại ở Điện Biên Phủ, đồng thời cũng cho thấy những người chiến thắng khi trở về Hà Nội đã rất quyết liệt để tự mình vận hành các di sản này. Mặc dù tâm trạng chơi vơi được nhà thơ Nguyễn Bính viết một cách tinh tế: “Chín năm đốt đuốc soi rừng. Về đây ánh điện ngập ngừng bước chân” (Tỉnh giấc chiêm bao - 1956), sự tự tin lại tràn ngập trong các diễn ngôn về xây dựng đời sống mới. Ánh điện trên truyền thông là phép ẩn dụ cho đời sống mới, được nhân đôi qua thủ pháp “soi gương” để sáng rực rỡ hơn bình thường: “Hồ Gươm hôm nay chiều về thu, làn nước xanh xanh lặng lờ trôi, lung linh ánh đèn, muôn sắc màu soi tháp Rùa, êm êm chiều dần buông” (Chiều hồ Gươm - Trần Thụ, 1954). Mặt nước hồ Gươm như một tấm gương phản chiếu ánh điện, để bản thân nó cũng là một nguồn sáng cả về hình ảnh thực tế lẫn ý nghĩa biểu tượng.
Một hiện thực là đời sống mới vận hành bằng điện năng vẫn phải thực hiện trên cơ sở hạ tầng đã có, trước khi có nhà máy điện Uông Bí công suất 48MW vào năm 1965, vượt qua mốc 22,5MW từ năm 1949 của nhà máy điện Yên Phụ. Như thế có nghĩa là phải mất hơn một thập niên, quy mô sản xuất điện năng mới vượt qua được di sản thuộc địa. Đó cũng là thời điểm miền Bắc kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trong tình thế bước vào công cuộc vừa sản xuất vừa chống lại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ.
Ánh điện lúc này lại là ánh sáng của sự chia ly mới, của những người ra trận và sơ tán: “Kìa xa xa một cụm đèn lấp lánh. Giữa trời đêm như đang vẫy đang chào” (Chia tay trong đêm Hà Nội - Nguyễn Đình Thi, 1967). Từ những năm tháng này, ký ức ánh điện sẽ tiếp tục câu chuyện của ngày trở về. Một vòng lặp mới lại bắt đầu.
Nguyễn Trương Quý
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/anh-dien-soi-ngay-ve-45538.html