Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên quê hương Cao Bằng (kỳ 1)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trên quê hương Cao Bằng (kỳ 1)
6 giờ trướcBài gốc
Trong không khí tưng bừng phấn khởi của những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi - thế hệ trẻ sống trong hòa bình hôm nay có cơ hội gặp gỡ những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) của quê hương Cao Bằng - những cựu chiến binh đã một thời anh dũng, can trường “vào sinh ra tử”, tham gia các cuộc chiến, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mang tính quyết định đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, non sông nối liền một dải, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Anh hùng Hoàng Văn Thượng - Tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ đặc công
Người đầu tiên chúng tôi được gặp là Đại tá, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng. Ngược dòng ký ức, ông chia sẻ những câu chuyện chiến đấu của mình với mong muốn các bạn trẻ phần nào hiểu rằng, để cuộc sống hòa bình hôm nay là bao nhiêu xương máu của cha anh đã đổ trên các chiến trường.
Chiến sĩ đặc công 13 lần được phong danh hiệu “dũng sĩ quyết thắng”, “dũng sĩ diệt Mỹ”.
Vừa trở về từ buổi gặp mặt các tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh do Quân ủy Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù chặng đường dài từ Nam ra Bắc và hành trình vượt đèo núi về Cao Bằng khá vất vả đối với người đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng Đại tá, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng vẫn nhận lời tiếp chúng tôi. Đôi mắt sáng sau cặp kính lão, ông hào hứng xen lẫn xúc động kể lại cuộc gặp gỡ hôm qua của những người chiến sĩ quả cảm. Ông nói: Mỗi câu chuyện, mỗi dòng ký ức chia sẻ chân thành, cảm động của những đồng đội, cựu chiến binh từng xông pha nơi tuyến lửa là bản hùng ca vẻ vang của dân tộc, để đất nước được nở hoa độc lập, kết trái hòa bình, tự do.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Quân khu I và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Ngược dòng ký ức, ông kể cho chúng tôi về miền quê nơi ông sinh ra và lớn lên, đó là xóm Bản Giăn, xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh). Ông sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ mất sớm khi mới được 9 tuổi, Hoàng Văn Thượng có tuổi thơ vất vả, cực nhọc nhưng chính điều đó đã rèn thêm ý chí, nghị lực vượt khó, hiếu học. Những bài giảng của các thầy, cô giáo ở trường làng ngày đó như mạch nguồn thấm sâu và hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong trái tim của người học trò nhỏ Hoàng Văn Thượng.
Ngày 16/4/1968, chàng trai trẻ người dân tộc Tày Hoàng Văn Thượng đã tạm biệt quê nhà, tạm biệt người cha đang ốm yếu và em gái nhỏ để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chính thức đứng trong hàng ngũ của Trung đội 4, Đại đội 20, D4 đặc công, Sư đoàn 305. Sau hơn 6 tháng huấn luyện ở Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) đến tháng 12/1968, chiến sĩ đặc công Hoàng Văn Thượng cùng đồng đội hành quân vượt núi, băng rừng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tiến vào chiến trường Bình Trị Thiên “khói lửa", biên chế bổ sung Đại đội 2, Tiểu đoàn 13, Sư đoàn 325.
Ông bồi hồi nhớ lại: Trận đánh đầu tiên tôi tham gia là đột kích tìm diệt 100 tên lính Mỹ ở gần cao điểm 544, thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị). Sau đó, Tiểu đoàn được lện hành quân cấp tốc sang tỉnh Kampong Cham (Campuchia) thực hiện nhiệm vụ cản phá "cuộc càn quét Đông Dương" của Mỹ - Ngụy với âm mưu hòng san bằng Bộ Chỉ huy Miền của ta. Khi đó Hoàng Văn Thượng được phong hàm Thượng sĩ, Trung đội phó thuộc C2, D13, Đoàn 429 đặc công. Nhớ lại trận đánh chốt An Púp ngày đó, ông chia sẻ: Tôi bị căn bệnh sốt rét ác tính hành hạ, thân hình gầy yếu nhưng vẫn xin chỉ huy đại đội tham gia chiến đấu. Tôi được giao chỉ huy phân đội đánh chiếm lô cốt đầu cầu, cùng anh em thận trọng cắt từng đoạn hàng rào mở cửa, dùng cả răng cắn đứt từng sợi dây nhỏ tránh không gây tiếng động, cắt rào đến đâu dùng cỏ cây, cành lá khô ngụy trang đến đó để đảm bảo bí mật tuyệt đối. Sau khi hoàn thành hành lang mở cửa, được lệnh chỉ huy, tôi điểm hỏa phá tan lô cốt đầu cầu, hiệp đồng tác chiến đánh chiếm ba nhà của địch, toàn đơn vị thừa cơ xung phong ào ạt xông lên chiếm lĩnh trận địa. “Đánh nhanh, rút nhanh”, trận đánh kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt 300 tên địch, bắt sống hơn 100 tên và thu nhiều vũ khí cùng chiến lợi phẩm, riêng tôi tiêu diệt 29 tên địch, thu 1 khẩu tiểu liên Mỹ AR15. Sau trận đánh, đơn vị được đề nghị xét tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, cá nhân tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Những phần thưởng cao quý này đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi tiến vào những trận chiến đấu tiếp theo.
Chiến công nối tiếp chiến công
Tình hình chiến trường chuyển biến mau lẹ, đồng chí Hoàng Văn Thượng được giao nhiệm vụ ra Bắc huấn luyện, sau đó hành quân thần tốc vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1971, đồng chí Thượng được bổ nhiệm Chính trị viên Đại đội 2, Sư đoàn 429 đặc công, hoạt động tại Tây Ninh, Bình Dương. Trận đánh lớn và cũng đặc biệt nhất trong cuộc đời cầm súng là tấn công căn cứ Dầu Tiếng - một trong những mắt xích quan trọng thuộc tuyến phòng thủ vững chắc Trảng Bàng, Đồng Dù, Xuân Lộc án ngữ phía Tây Bắc bảo vệ nội đô Sài Gòn. Căn cứ có hệ thống hầm ngầm, lô cốt, giao thông hào kiên cố với hỏa lực mạnh cùng nhiều tầng dây thép gai ken dày bảo vệ. Lính đặc công chiến đấu theo nguyên tắc “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, trận đánh này đồng chí trực tiếp trinh sát trận địa, phải mất 2 đêm mò mẫm mới vượt qua 8 lớp hàng rào dây thép gai vào tận bên trong căn cứ quan sát, ghi chép hình thế bố trí lực lượng của chúng, rồi lặng lẽ trở về đơn vị, hình thành phương án tác chiến và chuẩn bị lực lượng đánh địch. Trận tập kích căn cứ Dầu Tiếng làm cho Chiến đoàn 33, Sư đoàn 25 Ngụy hoang mang tột độ. Ta tiêu diệt 120 tên địch, phá hoại nhiều phương tiện thông tin, thu nhiều vũ khí, đạn dược và nhiều chiến lợi phẩm. Riêng cá nhân ông tiêu diệt 19 tên và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Đoàn 429 đặc công tiếp đó còn tổ chức nhiều trận đánh vào các căn cứ Trảng Lớn, Lai Khê, Bà Đen, cầu Bến Cát, Bình Long, Phước Vĩnh gây cho địch tổn thất nặng nề.
Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 26/4/1975, với vai trò Chính trị viên Tiểu đoàn 13, Đoàn 429 đặc công, đồng chí Hoàng Văn Thượng chỉ huy Tiểu đoàn xuất kích đánh chiếm Trung tâm thông tin ra đa Phú Lâm của Ngụy quyền, thuộc quận 6 Sài Gòn nhằm cắt đứt liên lạc của địch. Với chiến thuật đặc công - mưu lược, thần tốc, táo bạo, chính xác, ông cùng đơn vị thọc sâu, áp sát các điểm trọng yếu. Sau 3 ngày chiến đấu, giằng co ác liệt đến 9h30' ngày 30/4/1975, đơn vị làm chủ hoàn toàn trận địa, hệ thống ra đa của địch bị tê liệt hoàn toàn, vô hiệu hóa mọi hướng thông tin liên lạc, góp phần cùng toàn quân làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Với những chiến công xuất sắc đó, ngày 6/11/1978, đồng chí Hoàng Văn Thượng vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Sau khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, cuối năm 1977, ông tiếp tục được lệnh dẫn đơn vị hành quân lên biên giới Campuchia để chặn đánh sự gây rối, xâm lấn của quân phiến loạn Pôn Pốt, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng. Tháng 12/1978, ông được điều động về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tiếp tục cùng đồng đội lao vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cùng nhân dân bám đất, bám làng "một tấc không đi, một ly không rời", bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thế hệ trẻ hãy trân trọng giá trị của hòa bình
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, chiến sĩ đặc công Hoàng Văn Thượng đã 131 lần đột nhập và khảo sát căn cứ của địch, rồi tổ chức lực lượng luồn sâu, đánh phá nhiều căn cứ chiến lược, làm tiêu hao sinh lực địch, trong đó trực tiếp cùng đồng đội lãnh đạo, chỉ huy đánh 23 trận lớn nhỏ, diệt gần 100 tên địch. Ông chia sẻ: Sau mỗi trận đánh đều rút ra bài học kinh nghiệm và cứ thế những kinh nghiệm đầy đặn hơn cho bản thân, đồng đội và đơn vị. Tôi không bao giờ quên trong từng trận đánh, từng chiến dịch, đã có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng đội của tôi chiến đấu, hy sinh anh dũng.
Những kỷ vật từ chiến trường của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thượng hiến tặng Bảo tàng tỉnh.
Trở về từ chiến trường, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng không chỉ mang theo những vết thương, ông còn mang theo những “chiến lợi phẩm” sau các trận đánh. Đó chiếc đèn pin của quân Ngụy quyền ông nhặt lấy để soi đường trong đêm đen tìm đường ra chỗ đơn vị đóng quân sau trận đánh thắng căn cứ Dầu Tiếng. Là chiếc la bàn thu được trong trận tập kích quân Ngụy ở gần suối La La, huyện Gio Linh (Quảng Trị) ngày 22/5/1969. Chiếc võng dù được cấp phát luôn đồng hành cùng ông trên những bước đường hành quân. Những kỷ vật mang dấu ấn oanh liệt về một thời khói lửa - những mảnh ghép của quá khứ được ông nâng niu, gìn giữ. Đến năm 2016, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng đã hiến tặng những hiện vật đó cho Bảo tàng tỉnh với mong muốn để cho thế hệ mai sau hiểu hơn về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó, có sự khốc liệt của đạn, bom, có tinh thần quả cảm và niềm vui chiến thắng.
Cả một đời binh nghiệp, Đại tá, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Thượng đã cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Trở về với thời bình, Đại tá Hoàng Văn Thượng tiếp tục chức vụ quan trọng: Phó Chỉ huy trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa VIII. Năm 2007, khi đã nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh từ năm 2007 - 2027, đại biểu Quốc hội khóa XIII. Với những chiến công xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng đơn vị, Đại tá Hoàng Văn Thượng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 12 huân, huy chương cao quý, trong đó có 5 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì và hạng Ba, 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); 13 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng”, “dũng sĩ diệt Mỹ”, một lần "Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam", 20 bằng khen, cao quý hơn cả là danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu gian khổ, oanh liệt vẫn đầy ắp trong những câu chuyện kể của người lính đặc công Hoàng Văn Thượng. Ông thường xuyên dành thời gian tham dự các hoạt động ngoại khóa trường học, một số chương trình, diễn đàn để chia sẻ những câu chuyện chiến đấu của mình, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước và giá trị của 2 tiếng "hòa bình" để hậu thế trân trọng và tự hào về lịch sử Việt Nam.
Thanh Loan
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/anh-hung-luc-luong-vu-trang-nhan-dan-tren-que-huong-cao-bang-ky-1-3176829.html