Ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc đình công tại các cảng biển Mỹ

Ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc đình công tại các cảng biển Mỹ
2 giờ trướcBài gốc
Trong làn sóng đình công nối dài trên khắp các cảng biển ở miền Đông nước Mỹ, các công nhân bốc xếp Canada làm việc tại các cảng Montreal (Quebec) cũng đang hành động tương tự, tạo ra nỗi lo đình trệ hoạt động cung ứng bao trùm toàn bộ khu vực Bắc Mỹ.
Thông tin từ các phương tiện truyền thông Canada cho biết, những người làm việc tại bến tàu ở Montreal (Quebec) đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài 72 giờ vào hôm 30/9. Hành động đó gây đóng cửa hai nhà ga xử lý khoảng 40% lưu lượng container tại cảng lớn thứ hai của Canada. Công đoàn địa phương, một tổ chức có liên kết với Liên đoàn Công nhân công cộng Canada, tuyên bố chiến thuật gây áp lực này nhằm mục đích tạo sức nặng cho các yêu cầu về lịch trình làm việc thường xuyên và mức lương cao hơn.
Tàu hàng tại Cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phòng Thương mại Canada cho biết hàng hóa và dịch vụ trị giá 3,6 tỷ CAD (2,66 tỷ USD) qua biên giới Mỹ-Canada mỗi ngày. Một lượng lớn hàng nhập khẩu vào Canada thông qua các cảng bờ Đông nước Mỹ, có khả năng xử lý công suất lớn hơn nhiều so với cảng Halifax (Nova Scotia) và cảng Montreal (Quebec), những điểm vận chuyển chính của Canada trên Đại Tây Dương. Các nhóm doanh nghiệp lo ngại việc đóng cửa các cảng ở Mỹ và Canada sẽ đe dọa đến việc giao hàng và khả năng tồn tại của nhiều loại hàng hóa đó.
Ông Pascal Chan, Giám đốc cấp cao về giao thông, cơ sở hạ tầng và xây dựng của Phòng Thương mại Canada, nói: “Bất kỳ sự gián đoạn đáng kể nào cũng có thể thực sự gây nguy hiểm cho sinh kế của người lao động trong nhiều ngành công nghiệp ở cả hai bên biên giới”.
Trước đó, ngày 29/9, Hiệp hội người sử dụng lao động Hàng hải (MEA) chia sẻ họ đã thử "mọi biện pháp có thể" để tránh đình công, bao gồm cả trong quá trình hòa giải và tại phiên điều trần khẩn cấp trước Ban quan hệ công nghiệp Canada vào chiều cùng ngày.
Nhưng đình công vẫn diễn ra, cả ở Mỹ và Canada. Chuyên gia phân tích bán lẻ Bruce Winder cho rằng cuộc đình công tại các cảng của Mỹ có tác động "hoàn toàn lớn" đối với các nhà bán lẻ Bắc Mỹ. Các mặt hàng dễ hỏng như trái cây và rau quả đứng đầu danh sách gây gián đoạn, cũng như các sản phẩm ô tô và hóa chất đến từ Đông Nam Á. Ông giải thích rằng tác động lạm phát cuối cùng sẽ phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc đình công.
Một phân tích của công ty phân tích dữ liệu Moody’s vào tuần trước cho biết cuộc đình công tại các cảng của Mỹ “kéo dài hơn một hoặc hai tuần sẽ dẫn đến giá cả tăng và tình trạng thiếu hụt đáng kể các đầu vào sản xuất và hàng hóa bán lẻ”. Công ty cho biết ngành ô tô sẽ gặp khó khăn khi lượng hàng tồn kho linh kiện nhập khẩu giảm dần và hoạt động xuất nhập khẩu nông sản sẽ chậm lại.
Theo chuyên gia Winder, mùa mua sắm trong kỳ nghỉ lễ sắp tới sẽ không phải chịu bất kỳ tác động nào ngay từ đầu, vì nhiều nhà bán lẻ đã chuẩn bị sẵn hàng tồn kho cuối năm. Nhưng ông lưu ý rằng việc đặt hàng lại bất kỳ loại hàng hóa nào trong số này cho giai đoạn sau của mùa có thể làm gián đoạn doanh số bán hàng vào ngày lễ mua sắm Black Friday.
Các nhóm doanh nghiệp cũng đang chú ý đến khả năng đóng cửa các cảng ở tỉnh British Columbia (Canada), nơi những người làm việc tại bến tàu đã thông báo với chủ lao động của họ vào đầu tháng này rằng họ đã chấp thuận quy định đình công của riêng mình.
Một cuộc đình công của 7.400 công nhân tại khu cảng British Columbia kéo dài trong 13 ngày vào tháng 7/2023, đã dẫn đến việc đóng cửa cảng lớn nhất của đất nước và gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỷ USD. Tháng 10/2023, cuộc đình công kéo dài tám ngày của công nhân tại tuyến đường thủy St. Lawrence đã dừng các chuyến hàng ngũ cốc, quặng sắt và xăng dọc theo hành lang thương mại.
Và tại Montreal, công nhân bốc xếp đã đình công trong 5 ngày vào tháng 4/2021 và một cuộc đình công kéo dài 12 ngày vào tháng 8/2020 khiến 11.500 container tắc nghẽn trên bờ sông.
Viết Tuân (P/v TTXVN tại Ottawa)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/anh-huong-day-chuyen-tu-cuoc-dinh-cong-tai-cac-cang-bien-my/349262.html