Rồng Komodo (Varanus komodoensis) là loài thằn lằn lớn và nặng nhất thế giới. Rồng Komodo có thể dài tới 3 m và nặng 80 kg. Loài bò sát khổng lồ này có hình dáng giống một con rồng, nhưng không thở ra lửa mà là chất độc. Rồng Komodo sống ở Indonesia trên hòn đảo cùng tên và một số hòn đảo nhỏ xung quanh. Chúng ăn hươu non, lợn rừng, động vật gặm nhấm, khỉ và chó hoang. Loài động vật này thường tấn công con mồi trong lúc ngủ bằng một nhát cắn tiết nọc độc. Nọc độc có tác dụng làm loãng máu, vì vậy ngay cả khi con mồi trốn thoát được, huyết áp của nó vẫn giảm cho đến khi bất tỉnh hoặc chảy máu đến chết. Ảnh: Tai.
Hươu nước (Hydropotes inermis) sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là một trong số ít loài hươu không có gạc. Thay vào đó, những chiếc răng nanh trong miệng của chúng đã tiến hóa thành ngà. Ở con đực, nanh nhô ra khỏi miệng hơn 6 cm. Trong khi đó, răng nanh của động vật cái ngắn hơn đáng kể và không mọc chìa ra bên ngoài. Hươu nước đực sử dụng hàm răng ấn tượng của mình như một vũ khí nguy hiểm. Trong các cuộc tranh giành lãnh thổ, vũ khí này của chúng khiến các loài động vật khác thương tích nghiêm trọng. Ảnh: Altaileopard.
Chuột chũi mũi sao (Condylura cristata) là một trong những loài động vật có vú kỳ lạ nhất thế giới. Chúng có chiếc mũi giống hình ngôi sao với 22 phần phụ thịt màu hồng đặc biệt thính, dùng để tìm kiếm giun và thức ăn. Thậm chí, mũi của loài động vật này thính đến mức có thể ngửi thấy mùi khi ở dưới nước. Ảnh: Stan.
Dơi ma cà rồng (Desmodontinae) là loài động vật có vú duy nhất chỉ ăn máu. Vào ban đêm, chúng tìm kiếm con mồi là gia súc hoặc ngựa. Với hàm răng sắc như dao cạo, dơi ma cà rồng đâm xuyên qua da con mồi, chọc vào tĩnh mạch rồi liếm máu từ vết thương. Mỗi ngày, một con dơi ma cà rồng sẽ nạp số lượng máu bằng với trọng lượng cơ thể của nó. Có 3 loài dơi ma cà rồng khác nhau, sống ở vùng Trung và Nam Mỹ. Ảnh: Natalia Kuzmina.
Thằn lằn sừng (Phrynosoma) là loài bò sát nhỏ có nguồn gốc từ Mexico và vùng Tây Nam nước Mỹ. Tự nhiên đã ban tặng cho chúng một cơ chế phòng thủ đặc biệt để đối phó với những kẻ thù, đó chính là khả năng phun máu ra từ mắt. Tuy nhiên, thủ thuật phòng thủ chỉ có tác dụng với những kẻ sợ mùi hoặc vị của máu, chẳng hạn như chó sói đồng cỏ hoặc linh miêu đỏ. Ảnh: J. Dullum.
Tarantula khổng lồ (Theraphosa yellowi) là sinh vật có 8 chân, chiều dài chân lên tới 30 cm, chiều dài cơ thể 12 cm, đây là loài nhện lớn nhất thế giới. Răng nanh của chúng dài tới 2,5 cm. Tarantula Goliath sử dụng răng để tiêm nọc độc vào con mồi của mình. Với các loài chim nhỏ và loài gặm nhấm, chỉ cần một lượng nhỏ chất độc sẽ khiến bộ phận cơ thể bên trong chúng hóa lỏng. Sau đó, tarantula khổng lồ sẽ uống khô nạn nhân theo đúng nghĩa đen. Ảnh: NataSel.
Ốc hổ phách (Succinea putris hay Gemeine Bernsteinschnecke) là loài ốc sên sống trong môi trường ẩm ướt như đầm lầy và bờ sông ở châu Âu. Điều đặc biệt là chúng có thể bị nhiễm ký sinh trùng Leucochloridium paradoxum, hay còn được gọi là “Fühlermaden” (ấu trùng xúc tu). Khi nhiễm ký sinh trùng này, các xúc tu của ốc sên phình to và thay đổi màu sắc, trông giống như những con sâu, nhằm thu hút các loài chim ăn côn trùng. Chim khi ăn các xúc tu này sẽ trở thành vật chủ mới cho ký sinh trùng, tiếp tục chu trình sinh tồn của chúng. Ảnh: Thomas Hahmann.
Quỳnh Trang