Một kho báu khảo cổ ngoạn mục vừa được khai quật tại di chỉ Gantangqing, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, chứa những công cụ gỗ được chế tác tận 300.000 năm trước, tức không phải của loài người hiện đại Homo sapiens chúng ta.
Phân tích sơ bộ cho thấy những hiện vật gỗ này không được chế tác để săn bắn mà để đào và chế biến thực vật, một bước tiến đáng kinh ngạc về công nghệ vào thời điểm đó.
Các hiện vật gỗ quý giá do một loài người chưa xác định chế tác đã được tìm thấy ở Vân Nam - Trung Quốc - Ảnh Jian-Hui Liu
Theo Sci-News, mặc dù con người thời kỳ đầu đã làm việc với gỗ trong hơn một triệu năm, nhưng các hiện vật bằng gỗ khá hiếm trong hồ sơ khảo cổ.
Hầu hết các công cụ bằng gỗ cổ xưa được tìm thấy ở châu Phi và Tây Âu, với những ví dụ đáng chú ý bao gồm giáo và gậy ném từ Đức và Anh, có niên đại từ 300.000-400.000 năm, cũng như các khúc gỗ lồng vào nhau từ Zambia, ván gỗ và gậy đào từ Israel và Ý...
Trong khi đó, người châu Á được cho là hiếm hoi lắm mới sử dụng tre, trúc để làm các công cụ đơn giản.
"Kho báu gỗ" tại Vân Nam đã thách thức giả thuyết đó.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Jian-Hui Liu từ Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học Vân Nam đã tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc định hình và sử dụng có chủ đích đối với các hiện vật vừa được khai quật.
Chúng vẫn còn dấu hiệu chạm khắc, làm nhẵn và mài mòn; phần lớn được làm từ gỗ thông.
Các công cụ này cũng được chế tác để sử dụng cho những công việc khác nhau, từ những chiếc gậy đào đất lớn dùng cho cả hai tay cho đến những dụng cụ cầm tay nhỏ hơn, thậm chí còn có cả những công cụ giống như móc câu có thể dùng để cắt rễ cây.
"So với các địa điểm tìm thấy công cụ bằng gỗ cùng thời nổi tiếng khác ở châu Âu - thường có đặc điểm là các thiết bị săn bắn cỡ trung - Gantangqing nổi bật hơn với nhiều loại công cụ cầm tay nhỏ, đa dạng hơn, chủ yếu được thiết kế để đào bới và chế biến thực vật" - TS Liu cho biết.
Chúng chắc chắn là một kho báu lớn đối với những người tiền sử thông minh đáng ngạc nhiên đó, và chắc chắn là với cả chúng ta.
Cách chúng xuất hiện và sự tinh xảo "vượt thời gian" của chúng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiện vật hữu cơ trong việc giải thích hành vi thời kỳ đầu của con người, cũng như cho thấy nhân loại đã đi nhanh hơn về mặt phát triển công nghệ hơn chúng ta từng nghĩ.
Các hiện vật này không thể do loài người Homo sapiens chúng ta làm ra, bởi chúng có niên đại tận 300.000 năm trước, là thời điểm mà loài chúng ta chỉ vừa xuất hiện.
Phải rất lâu sau đó loài người hiện đại mới rời khỏi "chiếc nôi" châu Phi và chinh phục lục địa Á - Âu.
Anh Thư