Bắc Cực ngày càng trở nên khó lường hơn
Bắc Cực đang trở nên nguy hiểm hơn
Vùng xoáy Beaufort từng là nơi giúp hình thành băng biển lâu năm ở Bắc Cực. Giờ đây, do nhiệt độ tăng, các khối băng cũ tan rã, băng mùa đông mỏng hơn và dễ bị gió đẩy dịch chuyển bất thường.
Kết quả là nhiều kênh hẹp ở phía bắc Canada, nơi từng có thể dự đoán về mức độ băng, nay lại thường xuyên bị tắc nghẽn bởi các khối băng trôi.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Canada mô tả nghịch lý này bằng một câu ngắn gọn: “Ít băng có nghĩa là nhiều băng hơn.” Khi lớp băng không còn ổn định, các tàu dễ gặp nguy hiểm hơn, đặc biệt trong mùa xuân – hè, khi băng mỏng, gãy vụn và di chuyển hỗn loạn.
Giáo sư Robert Huebert, chuyên gia tại Đại học Calgary, nói: “Người ta thường nghĩ biến đổi khí hậu giúp giảm nhu cầu về tàu phá băng. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại: chúng ta đang cần nhiều tàu hơn.”
Các chuyên gia cho biết, việc đóng mới tàu phá băng là thiết yếu trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào vận tải biển, nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương hơn do thời tiết bất thường.
Hơi nước bốc lên từ đại dương trong điều kiện gió mạnh và nhiệt độ thấp có thể đóng băng trên thân tàu, thậm chí gây lật tàu nếu băng bám quá nhiều.
Giáo sư Michael Byers tại Đại học British Columbia, nhận định: “Bắc Cực sẽ luôn là một nơi nguy hiểm. Biến đổi khí hậu không loại bỏ nguy cơ, nó làm thay đổi dạng nguy cơ. Vì vậy, chúng ta sẽ luôn cần tàu phá băng, không chỉ để đi lại, mà để đảm bảo an toàn.”
Tàu phá băng Louis St Laurent của Canada phá băng vào năm 2009 ở Bắc Cực. Ảnh: US Coast Guard Photo
Các quốc gia tăng tốc phát triển tàu phá băng
Tại Canada, các kỹ sư ở xưởng đóng tàu Seaspan (Vancouver) đã bắt đầu chế tạo một tàu phá băng mới dài 158m, có thể hoạt động ở nhiệt độ xuống tới -50°C. Dự án dự kiến hoàn thành sau ít nhất 5 năm, với chi phí hơn 3,1 tỷ đô la Canada.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Canada đóng mới một tàu phá băng hạng nặng trong nước. Con tàu sẽ có khả năng xuyên qua lớp băng dày tới 3m, hoạt động quanh năm. Đây là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa và củng cố năng lực hàng hải của nước này tại Bắc Cực.
Ông Eddie Schehr, Phó Chủ tịch sản xuất của Seaspan, ví việc chế tạo con tàu như xây dựng một “thành phố nổi độc nhất vô nhị”.
“Bạn cần thép dày gấp đôi tàu thường, máy móc kiểm định phức tạp hơn và mọi thứ phải hoạt động trong điều kiện cực đoan. Đó là lý do mọi sai sót dù nhỏ cũng chỉ phát hiện được vào phút chót”, ông chia sẻ.
Tàu phá băng mới sẽ thay thế Louis St-Laurent, con tàu được đóng từ những năm 1960 và vẫn đang hoạt động. Trong quá khứ, Canada từng nhiều lần tuyên bố sẽ thay thế tàu này, nhưng các dự án đều bị đình trệ do ngân sách, thủ tục và năng lực sản xuất hạn chế.
Cùng lúc, xưởng đóng tàu Davie ở Quebec cũng được giao nhiệm vụ chế tạo tàu phá băng hạng nặng thứ hai.
Ngoài ra, Chính phủ Canada còn ký thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Phần Lan, kỳ vọng chia sẻ công nghệ và đơn hàng để đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành đóng tàu, không chỉ cho mục đích dân sự mà cả nghiên cứu khí hậu và an ninh biển.
Không chỉ Canada, nhiều quốc gia có liên quan đến Bắc Cực cũng đang tăng tốc đầu tư vào đội tàu phá băng để thích nghi với thực tế khí hậu mới.
Nga hiện là nước sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, trong đó có nhiều tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, phục vụ cho cả mục đích dân sự và nghiên cứu.
Mỹ đã công bố kế hoạch mở rộng năng lực phá băng trong những năm tới. Trong khi Trung Quốc dù không có lãnh thổ ở Bắc Cực, vẫn tự nhận là “quốc gia cận Bắc Cực” và đang sở hữu ít nhất hai tàu phá băng cỡ lớn.
Ở châu Âu, Phần Lan đang tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong thiết kế và chuyển giao công nghệ đóng tàu phá băng. Các quốc gia Bắc Âu khác như Na Uy và Thụy Điển cũng duy trì đội tàu hiện đại để phục vụ hoạt động hàng hải trong vùng nước băng giá quanh năm.
Cuộc đua đóng tàu phá băng không còn đơn thuần là vấn đề hậu cần hàng hải, mà phản ánh một thực tế: Bắc Cực đang thay đổi nhanh chóng, và các quốc gia muốn giữ vai trò trong khu vực này đều buộc phải thích nghi bằng chiến lược dài hạn.
N.THANH