Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I

Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 7/10, tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội), Đại hội đại biểu Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra phiên thứ nhất với sự tham dự của 133 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu thanh niên khuyết tật cả nước.
Đại hội tiến hành nghi thức chào cờ. Ảnh: Lâm Đăng Hải
Đại hội do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Dự phiên thứ nhất Đại hội có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Kim Quy - Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam.
Anh Nguyễn Tường Lâm và anh Nguyễn Kim Quy dự phiên thứ nhất Đại hội. Ảnh: Lâm Đăng Hải
Đại hội có sự tham dự của 133 đại biểu chính thức. Trong đó, có 59 đại biểu nữ, 74 đại biểu nam. Có 15 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 3 đại biểu là tín đồ tôn giáo. Có 18 đại biểu là đảng viên, 87 đại biểu là đoàn viên. Độ tuổi bình quân của đại hội là 32,5 tuổi. Đại biểu trẻ nhất là 16 tuổi - anh Lý A Dê, đại biểu tỉnh Lai Châu.
Về trình độ chuyên môn, có 5 đại biểu là thạc sĩ, 39 đại biểu trình độ đại học, 17 đại biểu trình độ cao đẳng, 15 đại biểu trình độ trung cấp, 25 đại biểu trình độ PTTH.
Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: Xuân Tùng
Trong số 133 đại biểu, có 10 đại biểu là thành viên Ban vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam; 73 đại biểu được Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố hiệp thương chọn cử; 38 đại biểu là gương thanh niên Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2024; 12 đại biểu chỉ định.
Phiên thứ nhất Đại hội. Ảnh: Xuân Tùng
Tại phiên thứ nhất Đại hội đã hiệp thương cử đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 7 anh, chị; đoàn Thư ký Đại hội gồm 2 anh, chị. Các đại biểu đã hiệp thương thông qua chương trình và nội quy Đại hội. Theo đó, Đại hội diễn ra trong ½ ngày, gồm hai phiên.
Phiên thứ nhất gồm các nội dung: Báo cáo tình hình đại biểu dự Đại hội; Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật, Ban Vận động thành lập Hội và phương hướng hoạt động Hội khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029; thảo luận, thông qua Điều lệ Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam; hiệp thương cử Ban Chấp hành Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 và hiệp thương cử Ban Kiểm tra Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Phiên trọng thể Đại hội, gồm: Phát biểu của đại diện Ban Vận động thành lập Hội; tham luận; phát biểu của Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh/Thường trực T.Ư Hội LHTN Việt Nam; công bố kết quả hiệp thương và ra mắt Ban Chấp hành Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029; Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam phát biểu nhận nhiệm vụ; thông qua Nghị quyết Đại hội...
Anh Trịnh Công Thanh - Trưởng Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, đại diện đoàn chủ tịch điều hành phần hiệp thương chọn cử Ban Chấp hành Hội khóa I. Ảnh: Xuân Tùng
Đại biểu hiệp thương tại Đại hội. Ảnh: Xuân Tùng
Tại phiên thứ nhất, Đại hội đã hiệp thương chọn cử Ban Chấp hành Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I gồm 44 anh, chị; hiệp thương 5 anh, chị tham gia Ủy ban Kiểm tra Hội.
Ngay sau phiên thứ nhất Đại hội, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam lần thứ nhất khóa I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra.
Hội nghị đã hiệp thương cử 14 anh, chị tham gia Ban Thường vụ Hội khóa I; anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I.
Anh Phạm Văn Thành
Anh Phạm Văn Thành (SN 1983, Hà Nội) hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh - Công ty VTC Công nghệ và nội dung số. Anh Thành có trình độ chuyên môn Cử nhân Quản trị kinh doanh, là đảng viên.
Hội nghị cũng đã hiệp thương cử 4 Phó Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam khóa I.
Đoàn kết, vươn lên, cống hiến
Theo Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, hiện có 13/63 tỉnh, thành phố thành lập được hội/câu lạc bộ/chi hội thanh niên khuyết tật cấp tỉnh là thành viên tập thể của Hội Liên LHTN Việt Nam tại các địa phương, với 208.581 thanh niên khuyết tật đang sinh hoạt.
Bên cạnh đó, có 12/63 tỉnh, thành phố có các tổ chức, câu lạc bộ tự phát của thanh niên khuyết tật, tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi và được Ban Vận động thành lập Hội hướng dẫn các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ thành lập Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật trực thuộc Hội LHTN Việt Nam cấp tỉnh/thành phố.
Các hoạt động chính của Ban Vận động thành lập Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và các tổ chức hội, câu lạc bộ, chi hội tập trung vào các lĩnh vực: học tập, học nghề, khởi nghiệp, thể thao, văn hóa văn nghệ; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; tôn vinh, tuyên dương, lan tỏa nghị lực của thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Trước nguyện vọng của đa số thanh niên khuyết tật mong muốn được hòa nhập cộng đồng, việc mở rộng nội dung, loại hình hoạt động đang là yêu cầu cấp thiết để tìm ra nhiều nội dung mới, nhằm củng cố nâng cao chất lượng hội viên, đáp ứng nhu cầu tập hợp thanh niên khuyết tật.
Tình nguyện viên thể hiện ngôn ngữ ký hiệu tại Đại hội. Ảnh: Xuân Tùng
Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên khuyết tật, tạo môi trường, diễn đàn để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật, động viên thanh niên khuyết tật vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên, tích cực đóng góp cho cộng đồng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho hội viên, thanh niên thông qua các câu chuyện về những tấm gương thanh niên khuyết tật điển hình trong xã hội, từ đó thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam. Đồng thời kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam.
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Việt Nam chúng ta đã trở thành quốc gia thứ 118 tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật năm 2007. Năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người khuyết tật.
Năm 2019, Ban Bí thư T.Ư Đảng Ban hành chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 triển khai những giải pháp thiết thực để thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật.
Xuân Tùng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/anh-pham-van-thanh-lam-chu-tich-hoi-thanh-nien-khuyet-tat-viet-nam-khoa-i-post1679837.tpo