Một gia đình đang chờ các nhân viên y tế khám bệnh tại một trung tâm cứu trợ ở Panjwa, Kandahar, Afghanistan. Ảnh: Rawpixel
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cho biết hai chương trình của Anh dành cho người Afghanistan không thể là "một quá trình vô tận" khi ông vạch ra kế hoạch di dời người tị nạn khỏi nơi ở tạm thời. Theo ông, hơn 1.000 gia đình Afghanistan đã đến Anh trong 12 tháng qua.
Mặc dù chưa công bố khung thời gian cụ thể, nhưng Chính phủ Anh đặt mục tiêu giới hạn thời gian người Afghanistan có thể lưu trú tại khách sạn và các nơi ở tạm thời khác là 9 tháng. Hai chương trình tị nạn gồm Chương trình tái định cư công dân Afghanistan và Chính sách hỗ trợ và di dời người Afghanistan, đã được Anh đưa ra vào năm 2021 sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban.
Hàng ngàn người đã được sơ tán đến Anh trong một chiến dịch không vận. Chính quyền Anh đang phải vật lộn để tìm giải pháp nhà ở cho nhiều người tị nạn Afghanistan do quy mô gia đình điển hình của người Afghanistan khá lớn, gấp đôi so với gia đình trung bình của người Anh.
Tổng cộng có 30.412 người Afghanistan đã được đưa đến Anh theo hai chương trình. Tổ chức từ thiện Safe Passage International nói với báo chí địa phương rằng họ "lo ngại" trước thông tin hai chương trình tái định cư này sắp đóng lại, lưu ý chúng là "phao cứu sinh an toàn" cho những người dân Afghanistan dễ bị tổn thương. Theo tổ chức từ thiện này, "những tuyến đường an toàn mới" sẽ cần phải được mở cho người tị nạn Afghanistan khi hai chương trình này bị đóng cửa.
Tổng giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện trên, bà Wanda Wyporska cho biết: “Chúng tôi lo ngại rằng chính phủ đang cân nhắc đến việc đóng các tuyến đường an toàn cho người Afghanistan, vì không có tuyến đường an toàn nào khác có thể đưa những người chạy trốn khỏi Taliban đến đây.
Chúng tôi rất cần thêm thông tin chi tiết về vấn đề này để người dân Afghanistan không bị bỏ lại trong nguy hiểm. Hiện có rất nhiều người dân Afghanistan đang sống trong nỗi kinh hoàng và bị đe dọa bởi các quy tắc ngày càng hà khắc của Taliban, chẳng hạn như những quy tắc áp bức phụ nữ và trẻ em gái.
Người Afghanistan hiện là quốc gia có số người vượt eo biển Manche nhiều nhất, vì vậy chúng tôi lo ngại rằng nếu không có tuyến đường an toàn này, chúng ta sẽ chỉ thấy nhiều người tìm đến những kẻ buôn người để đến được đây”, Wyporska chia sẻ.
Kim Phượng