Anh thợ sửa khóa

Anh thợ sửa khóa
4 giờ trướcBài gốc
1. Khóa ơ... Anh thợ sửa khóa phốc lên cái xe đạp cà khổ, hếch mông, co cẳng đạp. Ngoài bốn mươi một tí, nhưng trông anh già hơn tuổi. Anh cao lòng khòng, đen quắt, mặt gồ ghề, mắt lỗ đáo, ria điểm bạc tua tủa như lông nhím. Anh đánh cái quần bộ đội cũ, cụt ống, mông đắp hai miếng vá tổ bố. Cái quần đã ngắn, lại xắn cao nên mỗi lần anh nhâng chân đạp, lại trội cái đầu gối củ lạc ra, trông như tranh biếm họa. Cả người anh chỉ được cái tiếng rao. Khóa ơ! Cái tiếng rao trẻ trung, tựa như lọt ra từ một cơ thể tràn trề sinh lực và được nuôi dưỡng trong nâng niu, trìu mến.
Khóa ơ! Có nhu cầu thì có sản xuất. Có sản xuất thì có tiêu dùng, có thỏa mãn nhu cầu. Có của cải thì phải có sự bảo vệ. Khóa có công năng bảo vệ, nên nhà máy khóa ra đời. Nhưng khóa gì thì cũng có lúc hỏng hóc. Sửa chữa cái hỏng hóc là phải nhờ tay anh thợ. Anh thợ sửa khóa đóng vai trò như một mắt xích trong cái vòng tròn nho nhỏ như vầy trong cuộc sống tiêu dùng đa tạp nhộn nhịp này.
Nghe tiếng tôi gọi, anh dừng xe. Anh xem chiếc khóa mất chìa của tôi, rồi anh giao giá. Tôi mà cả. Chưa đến chục ngàn. Có gì mà phải cò kè lâu la! Rồi anh dựa xe, tháo dây, bê cái hòm đồ nghề ở sau xe xuống. Đó là một hòm đạn pháo ba mươi bảy ly, gỗ thuộc loại tứ thiết. Mặt hòm, cạnh hòm sứt sẹo, nham nhở vết giũa, vết đập. Vì mặt hòm kiêm luôn nhiệm vụ cái đe. Mở nắp hòm, anh lôi bộ đồ nghề ra. Thật đơn giản. Một cái búa. Mấy cái kìm to, nhỏ. Dăm loại giũa. Hai chùm phôi chìa khóa đủ loại. Và một ít dây chì, dây nhôm. Quan trọng ở đây là kỹ thuật, tức chất xám. Cầm cái khóa hỏng trên tay, bóp nhẹ vài cái, lập tức trong anh xuất hiện một con mắt thấu thị soi tận vào gan ruột chiếc khóa, biết ngay được cơ chế và chỗ hư hỏng của nó. Rồi có ngay phương án sửa chữa. Trong trường hợp nó là khóa bi, bập khóa rồi để mất chìa, thì trước hết phải tháo nó ra. Việc này khá đơn giản. Chỉ việc khoét hết thiếc nhôm hãm ở các lỗ nhỏ cạnh sườn khóa là bi tọt ra cả và vòi khóa cũng sẽ bật ra. Xem cách đặt bi sẽ biết ngay hình dáng cái chìa.
Tôi ngồi cạnh anh, vừa xem anh làm vừa trò chuyện.
- Anh học ở đâu cái nghề này thế?
- Nghề nghiệp gì đâu, anh? Khéo tay hay con mắt thôi mà.
- Sống được chứ!
Anh ngẩng lên, mặt lam lũ ngời ngời vẻ tự mãn:
- Không sống được thì lẽo đẽo làm gì? Mỗi ngày trung bình cũng trên dưới ba trăm ngàn, đủ gạo muối gửi về nuôi vợ và hai cái tàu há mồm ở quê.
- Sao không quy về một mối?
- Quy sao được? Vợ tôi còn phải dạy học. Tiểu học thôi. Nhưng cũng là có công việc. Còn tôi, bay nhảy từ lúc đi bộ đội rồi. Hơn nữa, về quê lúc này thì thất nghiệp. Chi bằng thong dong tháng ngày ở đây, trước là phục vụ bà con.
- Thong dong tung tẩy một thân một mình nơi đô hội đầy mắt xanh mỏ đỏ cũng có cái khoái thú của nó đấy nhỉ? - Nhay nháy mắt, tôi ỡm ờ.
Không ngờ, anh trợn mắt, chỉ hòm đạn là vật kê tác nghiệp, dằn:
- Nói thật nhé. Là thợ sửa khóa lành nghề, tôi mà đã ra tay thì khóa gì cũng mở được. Kể cả ra tay mở khóa động đào cũng như chơi vậy thôi. Nhưng mà ai phản bội tôi thì phản bội chứ tôi thì không. Tuyệt đối không. Tôi là cái hòm đạn kia kìa. Vào sinh, ra tử rồi nên đã hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống!
Anh trao chìa khóa cho tôi, cười thật hiền lành, lại còn cảm ơn tôi. Rồi ghé mông lên yên, chân dấn bàn đạp, chiếc xe bon đi cùng với tiếng rao vang ngân của anh. Khóa ơ... Khóa ơ... Tiếng anh rao góp vào đời một nốt nhạc tươi vui thanh thản bay lượn trên không trung.
Minh họa: Sỹ Hòa
2. Cứ nghĩ cuộc đời anh thợ sửa khóa rong rặt một màu tươi vui và đơn giản như thế mà hóa ra không phải. Hôm ấy, chẳng có ma nào vời anh sửa khóa, anh liền đến chơi cờ với anh Lạc hành nghề sửa chữa xe đạp thường ngồi ở đầu ngõ nhà tôi. Vào cuộc một cái là trận chiến lập tức trở nên gay go ngay. Nhưng đang lúc anh Lạc dồn anh vào thế bí thì có tiếng phụ nữ gọi: “Ai sửa khóa đây!”. Anh liền đứng dậy, mặt đỏ gắt cay cú yêu cầu anh Lạc cứ để nguyên trạng bàn cờ đấy, rồi anh sẽ quay lại, gỡ thế thua cho mà xem!
- Chị sửa khóa à?
Trước mặt anh là người phụ nữ trạc ba mươi, ba mốt tuổi, mặt tròn, tóc uốn, môi đỏ chót, xinh xắn. Chị mặc bộ đồ đen tuyền. Vai mắc cái ví da to bóng loáng. Cổ đeo vòng xích và ở bàn tay trái lấp ló hai cái nhẫn vàng. Trông chị ra dáng con người giàu có, tử tế, đàng hoàng lắm.
- Cảm phiền chú một chút có được không?
- Có gì chị cứ nói!
Thò tay vào túi áo nắn nắn mấy cái, người phụ nữ ngẩng lên, mặt lại nhăn nhăn. Thế thì anh hiểu rồi. Trường hợp như chị, anh đã gặp không ít, hiển nhiên là buổi sáng đi làm, do sơ ý chị đã bấm khóa cửa mà quên chìa khóa ở trong nhà, có đúng không!
Anh nhanh nhảu dắt xe. Bói rẻ còn hơn ngồi chơi. “Chờ một tí, anh Lạc nhé!”. Anh ngoái cổ lại, chưa hết cơn cay cú, hẹn anh Lạc, rồi đạp xe.
Đúng là nhà người phụ nữ ở cuối phố. Nhưng xuống xe ở đó, anh còn phải đèo chị ta vào một cái ngõ. Ngõ nhỏ, dài, sâu và anh không thể ngờ, sao nó lại vắng vẻ thế! Buổi trưa mùa đông, chỉ có bóng chiếc xe đạp của anh in trên mặt ngõ. Mọi người đang ngủ cả hay sao mà như chốn không người, đến nỗi anh nghe thấy cả tiếng bánh xe đạp lăn và tiếng người phụ nữ thở hổn hển sau lưng.
- Đấy, không hiểu sao hồi này tôi lại lú lẫn thế!
Người phụ nữ chép miệng, trong tiếng thở dồn, rồi bất thình lình nhảy xuống xe, hớt hải:
- Đây, nhà tôi đây cơ mà! Quay lại, chú!
Anh dừng xe, quành tay lái. Quái, là nhà mình mà chị không nhớ, lại để anh đạp quá mấy chục bước, mới bảo quay xe lại.
Tuy vậy, chút bực dọc của anh đã khuây tan. Người phụ nữ chỉ cho anh chiếc khóa ghì hai cánh cửa sắt. Đưa mắt lướt qua là anh biết ngay. Khóa ổ bi kiểu cũ. Làm một cái chìa mới nào có khó gì!
Anh hạ chiếc hòm đồ nghề, bắt tay vào công việc. Hơi gió từ chiếc quạt giấy trên tay người phụ nữ thoảng hắt vào mặt anh, thật dễ chịu.
- Chà! Chú biết rõ cái khóa này phải mở thế nào à?
- Thợ sửa khóa nhìn rõ lòng ruột chiếc khóa như nhìn rõ tim gan phèo phổi con người ấy chứ!
- Chú nói nghe ghê bỏ cha! Hì hì...
Cuối cùng, vội vã chị giật cái chìa mới đánh xong chưa chau chuốt kỹ càng từ tay anh. Và dường như đã sửa soạn từ lâu, chị dúi vào tay anh tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng với lời cảm ơn rối rít, rồi hất hất tay như xua đuổi anh đi và tọt ngay vào khe cửa vừa được mở rộng.
"Sao lại có số tiền to thế này?”. Lòng thoáng chút sinh nghi, anh đứng ngây người. Thì chị này đã từ trong khe cửa quay phắt, quăng quắc nhìn anh, rồi thình lình quát gằn: Ơ kìa, không đi đi, còn đứng ăn vạ đấy à?
- Chị ơi!
- Cái gì thế?
- Sao chị đưa tôi món tiền lớn thế!
- Cái chú này lạ nhỉ. Nghĩ chú nghèo khó, vất vả, tôi thưởng cho chú đấy. Mà chú nói khẽ chứ để bà con người ta nghỉ trưa. Thôi! Chú đi đi! Đi đi!
Đi đi! Đi đi! Người phụ nữ rối rít giục anh. Nhưng cuối cùng thì anh cứ đứng trơ trơ ở trước cửa căn nhà nọ. Hai mắt anh như tóe lửa, soi vào chị ta. Thế là rõ rồi! Này, tên nữ gian tặc kia! Khôn hồn thì tự thú đi. Mi không thể che mắt được ta đâu. Thằng thợ sửa khóa này nhìn rõ lòng dạ mi rồi. Căn nhà này đâu có phải của mi. Mi định nhờ ta tiếp tay để giở trò đạo chích, hả! Đừng tưởng có thể dùng đồng tiền mà lung lạc được sự sáng suốt của ta.
3. Anh thợ sửa khóa với việc tố cáo tên nữ tặc mở khóa ăn trộm nhà người, được công an và ủy ban quận khen thưởng. Anh nhận tấm bằng khen, cười bẽn lẽn: Giá như hồi khẩu đội tôi bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.500 tôi được thưởng cái huân chương có phải hay không!
Tuy thế, hôm ấy cũng là một ngày vui của anh. Anh xí xóa ván cờ đang ở thế thua với anh Lạc sửa chữa xe đạp. Anh mời anh Lạc một bữa bia uống say quắc cần câu. Tiếc thay ngày vui của anh thợ sửa khóa không dài. Trước hết là dư luận bà con khu phố tôi đã bắt đầu lên tiếng chê bai tư cách anh. Chẳng hiểu có phải như anh nói không, nghĩa là vợ anh đã phản bội anh, nên anh đã trổ tài “ra tay mở khóa động đào, vạch mây cho tỏ lối vào thiên thai”, sống kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một người phụ nữ tên Thoan bán cháo lòng ở ngõ phố nhà tôi.
Đến một ngày kia, bụng chị Thoan đã phình to cực đại. Tôi nhận ra khi ấy nó đã trở thành một khối nặng u uất, quá tải với chị Thoan. Chị Thoan đã ôm cái khối nặng quá tải, u uất ấy lăn lộn, gào khóc ai oán ngay trước cửa nhà mình một chiều thu ẩm u nọ. Chị gào khóc, rồi ngất xỉu luôn. Đã nhiều lần chị lăn lộn gào, khóc như thế rồi. Nhưng lần ấy chị khóc lóc, chị than thân trách phận. Rằng chị ăn ở hiền lành, tử tế thế, sao trời cứ nỡ đày đọa chị. Ai oán lắm! Xót đau lắm! Khi mọi người nhận ra điều đó đến vực chị đang thiếp trên mặt đất dậy thì thấy trên tay chị còn nắm tờ báo.
Đó là tờ báo chuyên đăng tin về các vụ án. Ở trang bốn, tờ báo cho biết anh thợ sửa khóa đã bị giết chết một cách thảm thương. Hai tên cướp khét tiếng gian ác hiện đang ở ngoài vòng pháp luật đã đâm chết anh, rồi ném cả thi thể anh cùng hòm đồ nghề, chiếc xe đạp của anh xuống sông.
Thì ra, bị chúng ép buộc, nhưng anh đã kiên quyết chối từ, không làm cho chúng bộ chìa khóa giả để chúng đột nhập vào trụ sở ngân hàng nhà nước để ăn trộm tiền, vàng.
Anh thợ khóa chết để bảo toàn lương tâm trong sạch. Anh thợ khóa, con người bình thường và ngay thẳng. Lần trước suýt nữa anh bị ả đàn bà đạo chích biến thành đồng lõa. Lần này, anh cảnh giác. Và anh đã trả giá cho sự trong sạch của mình bằng chính sinh mệnh mình. Lần trước, anh được công an và ủy ban quận khen thưởng. Còn lần này, chẳng ai biết đấy là đâu, anh chỉ có được sự xót thương, chia sẻ của chị Thoan, người đàn bà cùng anh kết nghĩa phu thê nhưng không có giấy giá thú sau khi anh bị cô vợ ở quê bội tình.
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/169573/anh-tho-sua-khoa