Anh Lý Văn Tiệp cắt tỉa cây na
Anh Lý Văn Tiệp sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trước đây, thu nhập của gia đình anh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, anh luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Anh Tiệp chia sẻ: Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu trên sách báo, mạng internet và tham khảo một số mô hình kinh tế tiêu biểu tại địa phương, năm 2015, tôi đã quyết định dùng số vốn tích góp được của gia đình và vay mượn thêm người thân, bạn bè để đầu tư, phát triển mô hình chăn nuôi lợn. Để hạn chế rủi ro và đảm bảo hiệu quả kinh tế, trước khi bắt đầu xây dựng mô hình, tôi đã chủ động tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm về cách xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Đồng thời, tôi cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm (trong đó có chăn nuôi lợn) do xã, huyện tổ chức.
Khi nắm chắc được kiến thức cơ bản, anh Tiệp đã đầu tư xây dựng chuồng trại với diện tích khoảng 150 m2, chia thành 2 khu riêng biệt và mua 6 con lợn nái về nuôi để gây giống. Đồng thời, anh cũng lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ chăn nuôi như: máng ăn tự động, hầm biogas…
Bên cạnh đầu tư bài bản về chuồng trại, anh Tiệp cũng đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cung cấp nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng và tiêm phòng vắc - xin đầy đủ cho đàn lợn. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình anh phát triển khỏe mạnh. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh luôn nuôi duy trì từ 6 đến 7 con lợn nái, 2 lứa lợn thịt (mỗi lứa từ 35 đến 40 con). Mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 80 con lợn thịt, mang lại thu nhập gần 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không dừng lại ở mô hình chăn nuôi lợn, anh Tiệp còn phát triển thêm mô hình trồng na. Anh Tiệp chia sẻ thêm: Năm 2018, qua tìm hiểu, nghiên cứu, gia đình tôi đã phát dọn diện tích núi đá và mua 1.000 cây na dai về trồng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc cây na nên lúc đầu gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, cây na còi cọc, kém phát triển, thậm chí nhiều cây bị chết. Để có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc na, tôi chủ động đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại một số mô hình trồng na ở các xã lân cận như Y Tịch, Thượng Cường, Chi Lăng... để áp dụng vào mô hình của gia đình.
Với sự năng động, ham học hỏi, năm 2024, khi được chính quyền xã truyên truyền về chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Tiệp đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Theo đó, gia đình anh được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư, phân bón... để sản xuất na VietGAP.
Từ 1.000 cây na ban đầu, hiện nay, gia đình anh đã có hơn 2.000 cây na, chủ yếu được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Chỉ tính riêng trong năm 2024, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10 tấn na, với giá bán dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ mô hình chăn nuôi lợn và trồng na, gia đình anh có tổng thu nhập gần 500 triệu đồng; tạo việc làm thời vụ cho 10 lao động địa phương, với thu nhập 250.000 đồng/người/ngày.
Ông Hoàng Văn Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Anh Lý Văn Tiệp là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho các hội viên nông dân. Đặc biệt, anh Tiệp còn là tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất na VietGAP xã Bằng Hũu. Với vai trò này, anh luôn chủ động hỗ trợ các thành viên trong tổ hợp tác và là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến các thành viên.
Với những cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế, tháng 1/2025, anh Tiệp vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
HIỂU LAM - KIM CHI