Áo dài và hành trình đến công sở

Áo dài và hành trình đến công sở
6 giờ trướcBài gốc
Hơn trăm năm kể từ khi chiếc áo dài hiện đại ra đời, bền bỉ qua năm qua tháng, áo dài đã trở thành trang phục quen thuộc của phụ nữ Việt. Ở mỗi thời kỳ, chiếc áo dài được biến đổi cho phù hợp và tiện lợi, nhưng vẫn trang trọng và duyên dáng, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.
Lịch sử phát triển của áo dài Việt Nam
Chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt.
Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Theo nhận định cảm quan của người Trung Quốc thì áo dài xuất thân từ sườn xám, nhưng sườn xám mới xuất hiện từ năm 1920, còn áo dài đã xuất hiện trước đó rất lâu.
Áo Giao Lĩnh (năm 1744) là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo Giao Lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, cổ áo chéo, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải, mặc cùng thắt lưng màu và váy đen.
Sau đó, để tiện hơn cho hoạt động sản xuất của phụ nữ, áo Giao Lĩnh được may rời 2 tà trước để buộc vào nhau, 2 tà sau may liền thành vạt áo, thành áo Tứ thân. Thiết kế của 4 tà áo tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của 2 vợ chồng. Thường áo được may màu tối.
Thời vua Gia Long, giai cấp quan lại mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp lao động. Áo dài có thiết kế 5 tà, xẻ tà ở eo. Tà áo được thiết kế thể hiện cho địa vị người mặc. Áo dáng rộng, có cổ áo với 5 cúc gài áo tượng trưng cho: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Màu sắc của áo rất đa dạng.
Áo dài từ xưa đến nay luôn được xem là trang phục truyền thống và biểu tượng văn hóa đặc trưng của người Việt.
Năm 1930, Pháp đô hộ Việt Nam, lúc này văn hóa phương Tây xâm lấn các trào lưu thời trang bản địa. Đến năm 1939, kiểu áo của nhà thiết kế Cát Tường có sự cải tiến, may chỉ có 2 vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất, áo may ôm sát cơ thể, tay thẳng có viền nhỏ, khuy áo mở thêm bên sườn để thêm vẻ nữ tính. Áo có 2 tà được may ôm sát cơ thể, tay phồng. Cổ áo bè, cổ lá sen, khuy áo mở sang bên sườn. Áo dài Le Mur thịnh hành đến 1943 thì bị lãng quên.
Năm 1950, áo dài Lê Phổ trở nên nổi tiếng. Thiết kế của áo có 2 tà. Tay áo không phồng, cổ áo kín, ôm sát cơ thể, được mặc với quần loe màu sáng. Thiết kế của chiếc áo dài này được xem là “vật tổ” của áo dài sau này. Áo là sự kết hợp áo dài tứ thân, thu gọn kích thước và đẩy cầu vai, kéo dài áo chạm đất, bỏ hết những họa tiết phương Tây.
Áo dài Raglan xuất hiện 1960 do nhà may Dung ở Đa Kao, Sài Gòn, sáng tạo ra. Thiết kế áo có 2 tà. Áo được thiết kế ôm khít cơ thể hơn với cánh tay nối chéo một góc 45 độ từ cổ xuống, nút bấm bên hông áo. Thiết kế áo dài Raglan đã định hình phong cách áo dài Việt Nam sau này.
Hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài Giao Lĩnh được ghi lại ở tài liệu của Pháp.
Từ năm 1970 đến nay, chiếc áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.
Cùng với xu hướng năng động, thay đổi của lối sống hiện đại, tà áo dài được các nhà thiết kế cách điệu với tà ngắn hơn, thay đổi ở cổ áo, tay áo hoặc thậm chí là tà áo hoặc quần mặc chung với áo dài, đem đến cho người phụ nữ Việt nhiều sự chọn lựa.
Cũng chính vì sự cách điệu này mà áo dài ngày càng được phụ nữ Việt diện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Với lịch sử phát triển qua thời gian dài như vậy, chiếc áo dài Việt Nam đã hoàn thiện hơn bao giờ hết. Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Có thể nói, áo dài không chỉ là một bộ trang phục đại diện, mà còn là cảm hứng sáng tác không dứt của nghệ thuật Việt Nam.
Áo dài trong không gian công sở
Một ngày làm việc tại UBND phường Kim Giang (Thanh Xuân), trong tháng hưởng ứng mặc áo dài, không khí trở nên tươi vui và rộn ràng hơn mọi ngày. Các chị em, không ai bảo ai, diện những chiếc áo dài đẹp, từ những gam màu pastel dịu dàng đến những sắc màu tươi sáng. Tiếng cười, tiếng chào hỏi vang lên khắp nơi, làm giảm bớt những căng thẳng trong công việc. Các chị em chia sẻ những bộ áo dài mới, cùng nhau tạo dáng chụp ảnh kỷ niệm, khiến không gian làm việc như bừng sáng.
Có thể thấy, việc mặc áo dài không chỉ đơn thuần là một hoạt động hưởng ứng mà còn là cơ hội người phụ nữ thể hiện tình yêu với văn hóa, truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo nên một môi trường làm việc vui vẻ và thân thiện hơn. Một ngày thật đáng nhớ!
Bà Trần Thùy Linh, công chức văn hóa xã hội UBND phường Kim Giang, cho biết: "Khi khoác trên mình bộ áo dài truyền thống thì tôi cẩm thấy bản thân trở nên dịu dàng hơn, thướt tha và được thể hiện với đúng tính cách của người phụ nữ Việt Nam".
Với bà Đỗ Thị Thanh Dung, cán bộ văn phòng Đảng ủy UBND phường Kim Giang: "Trong công sở, tôi rất ủng hộ việc mặc áo dài thường ngày. Tôi rất đồng ý với việc mặc áo dài vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần để duy trì truyền thống áo dài của người con gái Việt Nam nói chung".
Hình ảnh áo dài nơi công sở tạo ra không khí làm việc dễ chịu, thoải mái hơn.
Khi bước vào không gian làm việc, hình ảnh các chị em trong tà áo dài tỏa ra sự ấm áp và thân thiện, làm giảm đi sự khô khan, cứng nhắc thường thấy trong môi trường công sở. Điều này không chỉ giúp tạo ra một bầu không khí dễ chịu mà còn khuyến khích sự giao tiếp, hợp tác và sự đoàn kết giữa các đồng nghiệp.
Với sự kết hợp giữa trang phục truyền thống và không khí làm việc chuyên nghiệp, UBND phường Khương Đình đã khẳng định được giá trị văn hóa và tạo nên một môi trường làm việc thân thiện, tích cực. Bà Lê Thanh Hằng (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) nhận xét: "Hôm nay mình đến làm công chứng thì nhìn các chị mặc áo dài thấy xinh lắm, cảm giác làm việc thân thiện và thoải mái hơn rất nhiều".
Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ phường Khương Đình, chia sẻ: "Hưởng ứng tháng áo dài thì chị em nô nức diện áo dài đến cơ quan, còn đi ra đi vào để tạo dáng tại cơ quan cơ. Nếu mà dự thảo chị em các cơ quan, tổ chức công sở mặc áo dài vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần thì chị em chắc chắn hoàn toàn ủng hộ, vì chị em được thể hiện mình, được khoe những tà áo dài duyên dáng. Ngoài ra còn thể hiện sự tôn trọng đối với người dân khi đến đây".
Trong bộ áo dài mềm mại, những cử chỉ và hành động của những người phụ nữ trở nên dịu dàng và duyên dáng hơn hẳn. Từ dáng đi khoan thai, đến từng cái đưa tay từ tốn, tất cả đều tôn lên vẻ đằm thắm, nhu mì của phụ nữ Việt Nam.
Áo dài không chỉ đơn thuần là một trang phục, mà còn là biểu tượng của sự tự hào dân tộc. Diện áo dài nơi công sở không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa truyền thống mà còn khẳng định bản sắc riêng của mỗi người. Điều này đặc biệt quan trọng trong một môi trường làm việc, nơi mà nét đẹp văn hóa có thể tạo nên sự gắn kết và tinh thần đoàn kết trong tập thể.
Áo dài không là biểu trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tà áo dài vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, đầy khí chất, kiêu sa và huyền bí, là biểu trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Nhìn tà áo dài, người ta không chỉ thấy vẻ đẹp của trang phục mà còn thấy nét duyên dáng, thanh khiết và tinh tế của người phụ nữ đất Việt. Đó chính là sức hút, là đặc trưng riêng biệt của tà áo dài - một biểu tượng vượt thời gian, gắn liền với tâm hồn và văn hóa của người Việt.
Lê Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/ao-dai-va-hanh-trinh-den-cong-so-270444.htm