Áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy, người dân cần lưu ý gì?

Áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy, người dân cần lưu ý gì?
4 giờ trướcBài gốc
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chính thức đề xuất quy chuẩn khí thải xe máy
Ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết, Bộ NN&MT đang dự thảo Thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy (xe máy) lưu hành ở Việt Nam.
"Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam nói chung và một số đô thị lớn nói riêng có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là do hoạt động giao thông vận tải, trong đó có hoạt động của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành", Phó Cục trưởng Cục Môi trường lý giải.
Ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Theo đó, ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố.
Thực tiễn chỉ ra, việc thường xuyên tắc nghẽn giao thông (do mật độ phương tiện quá cao) cũng làm tăng khí thải lên nhiều lần vào giờ cao điểm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2021, 36% đóng góp ô nhiễm không khí thành phố Hà Nội từ nguồn bụi đường (năm 2019) và số liệu này năm 2015 là 23% (cao nhất trong tỉ lệ đóng góp các nguồn ô nhiễm). Đối với phát thải PM2.5 từ nguồn phương tiện giao thông đường bộ chiếm 20% (năm 2019).
Kết quả nghiên cứu khoa học của một số chuyên gia môi trường tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tỉ lệ ô nhiễm bụi từ hoạt động giao thông vận tải dao động trong khoảng từ 40% đến 60% (giai đoạn 2022-2025).
Chất ô nhiễm không khí quan trọng cần tập trung kiểm soát là Cacbon monoxit (CO) và các hydrocacbon (HC). Một số HC như benzen, toluen, xylen…có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thậm chí gây ra rủi ro ung thư (benzen). Ngoài ra HC còn là tiền chất đóng góp vào sự hình thành O3 và bụi mịn. Việc kiểm soát phát thải trong giao thông bao gồm việc kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn xả thải hay kiểm soát dựa vào tiêu chuẩn/quy chuẩn chất lượng nhiên liệu.
Tắc đường là nguyên nhân dẫn đến khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn để lưu thông trong thành phố cũng đồng loạt gia tăng.
Từ năm 2009 đến 2023, số phương tiện giao thông tăng chủ yếu là phương tiện cá nhân, trung bình mỗi năm sự gia tăng số lượng phương tiện giao thông khoảng 10% đến 15%, tăng nhanh tại các thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến 12/2023 số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên 74.343.176 xe máy.
Theo thông tin do Bộ Công an cung cấp tính từ ngày 1/1/2021 đến 30/6/2024 số lượng xe máy đăng ký mới là 10.568.119 xe. Trong đó, năm 2021 đăng ký mới 2.802.871 xe; năm 2022 đăng ký mới 3.527.451 xe; năm 2023 đăng ký mới 2.825.387 xe; 6 tháng đầu năm 2024 đăng ký mới 1.412.410 xe.
"Hiện tại chưa có QCVN đối với khí thải xe máy đang lưu hành ở Việt Nam, vì vậy cần phải xây dựng và ban hành QCVN này để thực hiện quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai áp dụng lộ trình áp dụng mức khí thải phương tiện xe máy lưu hành ở Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện nghiên cứu, đánh giá đối với từng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông đã được ban hành và có đề xuất kiến nghị đối với từng đối tượng phương tiện giao thông. Trong đó việc rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về khí thải xe máy đang lưu hành là một phần quan trọng, liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng, đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông", ông Lê Hoài Nam cho hay.
Áp dụng tiêu chuẩn khí thải xe máy sẽ tác động lớn đến xã hội
Ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường - cho biết, tại Việt Nam, tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy vẫn còn rất cao. Do đó, để góp phần kiểm soát và giảm thiểu phát thải từ lĩnh vực này, việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân là hết sức cần thiết.
Ảnh minh họa
"Trước đây, việc kiểm soát khí thải đã được áp dụng đối với ô tô. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. Đây là một chính sách có tác động sâu rộng đến người dân. Việc chấp hành các quy định về kiểm tra khí thải định kỳ, bảo đảm phương tiện đáp ứng yêu cầu về môi trường là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý mà còn của từng cá nhân. Trong trường hợp phương tiện không đạt chuẩn khí thải, người dân cần chủ động thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thay thế bộ phận liên quan để đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật hiện hành", ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh.
Tại hội thảo quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí tổ chức sáng 24/4, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Dự thảo Quy chuẩn khí thải xe máy đã được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương liên quan để lấy ý kiến. "Theo dự kiến, trong một hai tháng tới, quy định này sẽ được ban hành. Tinh thần là các quy định về khí thải sẽ chặt chẽ hơn, có lộ trình áp dụng với từng địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Việc lấy ý kiến cũng đang được thực hiện tương tự với tiêu chuẩn khí thải ô tô", Phó Cục trưởng Môi trường cho hay.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hồi giữa tháng 3 đã yêu cầu phải ban hành quy chuẩn về khí thải xe máy trong thàng 4/2025, quy chuẩn khí thải ô tô ban hành trong tháng 3. Với thông tiến độ như dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, thời hạn ban hành phải lùi so với yêu cầu đề ra.
Theo đại diện Cục Môi trường, việc ban hành quy chuẩn về khí thải xe máy là một trong số những giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị như hiện nay. Kết quả quan trắc năm 2024 cho thấy, chỉ số bụi mịn PM 2.5 tại hầu hết các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Trong các nguyên nhân, hoạt động giao thông như khí thải, bụi đường được xếp cao nhất với tỷ lệ đóng góp hơn một nửa so với các nguồn khác như công nghiệp, xây dựng, đốt mở (đốt rơm rạ, rác thải ngoài trời), dân sinh.
Việt Nam có trên 70 triệu xe mô tô, xe máy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó hơn 45 triệu đang được người dân sử dụng hàng ngày. Theo cơ quan chức năng, xe máy là nguồn phát thải ô nhiễm lớn nhất, nhưng chưa được kiểm soát vì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định.
Theo Thông tư 47/2024 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng), xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải. Xe từ 5 đến 12 năm tuổi phải kiểm định hai năm một lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm. Trường hợp xe môtô, xe gắn máy trong cơ sở dữ liệu không có thông tin về ngày xuất xưởng thì tính từ ngày 31/12 của năm sản xuất xe. Giấy chứng nhận kiểm định khí thải sẽ được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.
Văn Ngân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ap-dung-tieu-chuan-khi-thai-xe-may-nguoi-dan-can-luu-y-gi-post1197111.vov