Gia tăng học sinh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần
Nhóm Facebook "Phụ huynh Nghệ An" với hơn 130.000 thành viên là nơi nhiều phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện nuôi dạy con cái. Gần đây, một câu chuyện về một phụ huynh có con học lớp 9 bị trầm cảm đã khiến nhiều người phải suy ngẫm. Phụ huynh này chia sẻ, vì bận rộn với công việc và lo toan cuộc sống, vợ chồng họ không có đủ thời gian để chú ý đến con. Mặc dù hàng ngày cháu vẫn trò chuyện với bố mẹ và đôi khi được nhắc nhở về việc hạn chế sử dụng điện thoại, nhưng gia đình không nhận ra những dấu hiệu bất thường.
Số lượng học sinh nhập viện do các rối loạn tâm lý ngày càng gia tăng.
Gần đây, vô tình, mẹ của cháu vào phòng và thấy con đang dùng dao tự cứa vào cổ tay mình. Sau đó, gia đình phát hiện thêm trong phòng cháu có rất nhiều thuốc ngủ. Gia đình lo lắng đưa con đi khám và phát hiện cháu bị trầm cảm do áp lực học tập. Khi chia sẻ câu chuyện, phụ huynh này mong rằng đó sẽ là lời cảnh tỉnh cho các gia đình khác, đặc biệt là những gia đình có con ở độ tuổi học đường. Chỉ vì thiếu sự quan tâm, lơ là hoặc không nhận ra những thay đổi trong tâm lý con, rất có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc mà chúng ta không thể lường trước.
Lứa tuổi học đường, với những thay đổi về tâm sinh lý, dễ dẫn đến nhiều hành vi khó kiểm soát. Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, theo thống kê từ năm 2020 đến 2024, tỷ lệ học sinh nhập viện điều trị nội trú vì các rối loạn sức khỏe tâm thần tăng đáng kể, với tổng số 965 em. Trong đó, có 310 em mắc các thể bệnh rối loạn hành vi và cảm xúc.
Theo bác sĩ Trần Thị Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, điều đáng lo ngại là sự thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần, sự kỳ thị xã hội, và sự thiếu hụt các dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ trong lĩnh vực này. Điều này khiến nhiều học sinh không được điều trị kịp thời hoặc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Thăm khám cho một học sinh bị trầm cảm ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
Xung quanh vấn đề sức khỏe tâm lý học đường, Tiến sĩ Trần Hằng Ly, Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Vinh, chỉ ra nhiều điều bất ngờ qua một khảo sát gần 500 học sinh từ các trường THCS Đặng Thai Mai, THCS Hưng Bình (TP Vinh), THCS Nghi Mỹ (Nghi Lộc), Trường THCS Mường Xén và Trường PT DTNT THCS Kỳ Sơn (Kỳ Sơn). Kết quả khảo sát cho thấy, hành vi gây hấn có thể xảy ra ở cả nam và nữ học sinh, và biểu hiện dưới nhiều hình thức như gây hấn bằng hành vi hoặc thái độ. Những học sinh có hành vi gây hấn ở mức độ cao thường gặp khó khăn trong giao tiếp và thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Các em này thường không có bạn thân trong lớp và thiếu người để chia sẻ, tâm sự.
Ngoài ra, hành vi gây hấn còn có thể do các yếu tố khác như mức độ căng thẳng trong lớp học, mối quan hệ với cha mẹ, cách ứng xử của phụ huynh khi con mắc lỗi, ảnh hưởng của game, và những suy nghĩ sai lầm về bạo lực. Tiến sĩ Trần Hằng Ly cũng nhấn mạnh, việc hình thành hành vi gây hấn ở học sinh có thể được tác động mạnh mẽ bởi cách nuôi dạy và môi trường gia đình.
Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Trần Hằng Ly đề xuất một số giải pháp, đặc biệt hướng đến các bậc phụ huynh. Theo Tiến sĩ, phụ huynh cần nhận thức rõ và hạn chế các tác động tiêu cực từ phương pháp nuôi dạy trong gia đình. Đồng thời, cần chú ý đến cách ứng xử để tránh ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con trẻ. Cha mẹ và người thân trong nhà nên lắng nghe, tâm sự, làm bạn với trẻ, giúp các em bày tỏ cảm xúc, sẻ chia và giảm bớt suy nghĩ tiêu cực. Bên cạnh đó, gia đình cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhà trường, tạo dựng một môi trường hợp tác để cùng hỗ trợ sự phát triển tâm lý lành mạnh của trẻ.
"Khoảng trống" sức khỏe tâm lý học đường
Trường học là môi trường quan trọng giúp học sinh phát triển toàn diện, nhưng thực tế cho thấy, học sinh nhiều địa phương ở Nghệ An đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và việc học tập. Trong đó, bạo lực học đường diễn biến phức tạp. Chỉ trong 2 năm học gần đây, tỉnh này ghi nhận 9 vụ bạo lực học đường với 23 học sinh liên quan, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn do nhiều vụ việc chưa được báo cáo.
Xây dựng môi trường giáo dục học đường thân thiện sẽ giảm áp lực cho học sinh trong học tập. Ảnh minh họa.
Công tác phát triển tâm lý học đường ở Nghệ An hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn, và đội ngũ nhân sự chuyên môn vẫn chưa được đào tạo bài bản về kiến thức lẫn kỹ năng. Nhiều trường học không đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị để vận hành phòng tư vấn tâm lý. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong triển khai các hoạt động hỗ trợ vẫn chưa chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận xã hội về tầm quan trọng của tâm lý học đường còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hỗ trợ học sinh.
Mới đây, tại hội thảo về chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, các chuyên gia đã phân tích thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện công tác tư vấn tâm lý. Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (Nghệ An) chia sẻ: thay vì chỉ tổ chức họp phụ huynh tại trường, phòng giáo dục đã sáng kiến xuống tận các gia đình, thôn bản để lắng nghe và giải quyết những khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đoàn thanh niên và đội thiếu niên tiền phong trong nhà trường, khuyến khích học sinh tự chủ, sáng tạo và mạnh dạn thể hiện chính kiến. Bên cạnh đó, ông cho rằng việc giáo dục học sinh hiệu quả cần có sự thấu hiểu, lòng tin và tình yêu thương từ người thầy.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho rằng, để chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường hiệu quả, trước hết cần nâng cao nhận thức của nhà trường, phụ huynh và học sinh thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe. Ông cũng đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa chương trình tư vấn học đường vào các hoạt động chính thức của trường phổ thông, đồng thời quy định cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và cán bộ tư vấn.
Ngoài ra, cần xây dựng môn học về tâm lý học đường trong chương trình học để giúp học sinh nhận diện và hiểu rõ các cảm xúc, áp lực trong học tập và giao tiếp. Các buổi học kỹ năng sống, tọa đàm về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cũng nên được lồng ghép vào chương trình giảng dạy.
Về lâu dài, ông Lâm nhấn mạnh cần xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách, được đào tạo bài bản về tư vấn tâm lý học đường. Nhân viên tư vấn phải có kỹ năng để phát hiện, can thiệp và hỗ trợ học sinh hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, tạo ra một môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Hoàng Trinh