Tăng lãi suất tiền gửi
Không ít ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kể từ sau tết Nguyên Đán đến nay, với kỳ vọng đón đầu nhu cầu tín dụng tăng ở các quý tới trong năm. Lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 36 tháng đang được các ngân hàng nhỏ điều chỉnh vượt mốc 6%/năm, như Eximbank là 6,6%/năm, GPBank là 6,35%/năm. IVB ở mức 6,05%/năm 12 tháng; 6,15%/năm cho 36 tháng; 48 tháng ở 6,25%... Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm cho 12 - 18 tháng và 6,3%/năm cho 24-36 tháng.
Thậm chí, một số ngân hàng có mức lãi suất cao đột biến, lên đến 9%/năm, nhưng chỉ áp dụng với khách hàng VIP. Tại PVcomBank áp dụng mức lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Tiếp theo là HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, với điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng…
Techcombank vừa tăng lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 0,2 - 0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 tháng lên 3,7%/năm, 3 - 5 tháng lên 4%/năm, 6 - 11 tháng lên 4,9%/năm, từ 12 tháng trở lên là 5,1%/năm. Eximbank cuối tuần qua tăng lãi suất ở những kỳ hạn ngắn 0,1%/năm nhưng lại giảm lãi huy động ở kỳ hạn dài.
Chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng
Đối với lãi suất tiền gửi online các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, lãi suất cuối kỳ 1 tháng lên 4,1%/năm, 2 tháng lên 4,3%/năm, 3 tháng lên 4,4%/năm, 4 tháng lên 4,7%/năm (gần đạt mức trần lãi suất cho phép ở 4,75%/năm), 6 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,6%/năm. Nhưng ở chiều ngược lại, kỳ hạn dài 15 tháng, lãi suất giảm xuống 6,2%/năm, 18 tháng còn 6,5%/năm, 24 tháng còn 6,6%/năm…
Không chỉ lãi suất ở thị trường một tăng mà từ sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ đến nay, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng từ 0,05 - 0,65%/năm so với cách đây một tuần. Lãi suất tiền đồng gần đây nhất lên 5,21 - 5,51%/năm ở các kỳ hạn, tiến gần mức cao nhất trong vòng 1 năm qua. Đồng thời, doanh số giao dịch trên thị trường cũng ở mức cao. Hoạt động trên thị trường mở từ sau Tết Nguyên đán đến nay cũng khá nhộn nhịp. Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng, chẳng hạn, ngày 10/2 đã bơm ròng gần 30.000 tỷ đồng, trong đó bơm ra 31.365,01 tỷ đồng và hút về 1.600 tỷ đồng. Trong tuần này có hơn 150.000 tỷ đồng đáo hạn.
Đối với tốc độ tăng lãi suất huy động, VCBS kỳ vọng sẽ tăng theo hướng nhích dần đều, nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so giai đoạn trước Covid-19. Công ty chứng khoán này dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3 điểm % ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025.
Áp lự lên lãi vay
Sở dĩ nhu cầu hút vốn nhàn rỗi của các ngân hàng gia tăng, do kỳ vọng đẩy được tín dụng. Hiện các ngân hàng đang tung nhiều gói tín dụng ra thị trường, đẩy mạnh cho vay vào những ngày đầu năm. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay là 16%. Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% thì khả năng lãi suất sẽ tăng trong năm 2025. Điều nỳ cũng đồng nghĩa các ngân hàng chuẩn bị nguồn vốn để đẩy cho vay nên tăng lãi tiết kiệm là giải pháp thu hút nguồn tiền.
Vả lại, nợ xấu ngành ngân hàng cũng đang ở mức cao nên các nhà băng phải huy động vốn để trả tiền cho người gửi. Vì vậy, TS Hiếu cũng đưa ra lời khuyên rằng, thời điểm hiện nay nên gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng là tốt nhất để chờ đợi xem lãi suất có tăng lên sau tết hay không, còn gửi kỳ hạn dưới 3 tháng thường có mức lãi thấp hơn nên người có tiền nên cân nhắc.
Trước xu hướng lãi suất huy động vốn tăng đang gây áp lực đối với lãi vay. Theo Chứng khoán VCBS trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,96% so với cuối năm 2023 (sau khi đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023). Việc lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng trở lại từ quý 2/2024 sẽ có độ trễ 3 - 6 tháng để phản ánh vào lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng thêm 0,5 - 0,7% trong năm 2025 trong bối cảnh kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng mạnh mẽ hơn.
Nhận định được đưa ra từ Standard Chartered cũng cho rằng, Chính phủ đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, điều này có thể giúp duy trì lãi suất thấp trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ngân hàng này dự báo, lãi suất sẽ dần trở lại mức bình thường vào quý II/2025. Lạm phát, chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và diễn biến của VND sẽ đóng vai trò quan trọng, trong đó các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ là yếu tố then chốt để duy trì ổn định kinh tế và tăng trưởng trong năm 2025. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần đa dạng hóa nền kinh tế, tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai.
MSB cũng không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào khiến lãi vay khó giảm.
Tuy vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung giảm mặt bằng lãi vay, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Hướng đi này không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp mà còn đảm bảo nguồn vốn tín dụng được chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng.
Vân Linh