Tại hội thảo "Triển vọng tín nhiệm Việt Nam 2025: Nắm bắt cơ hội trước những bất định toàn cầu, mở ra kỷ nguyên phát triển mới" do CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) tổ chức, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, đã có những đánh giá về tình hình hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Theo ông Tú Anh, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể, không chỉ về quy mô tài sản và vốn tự có mà còn trong việc quản lý rủi ro và hoạt động của các ngân hàng.
Đặc biệt, quy trình quản lý rủi ro đã được cải thiện rõ rệt nhờ việc áp dụng quy trình Basel II theo Thông tư 41, góp phần nâng cao hệ số an toàn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống ngân hàng.
Ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương (Ảnh: VietnamBiz)
Một trong những rủi ro tồn tại hiện nay là Thông tư 06 đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024. Điều này sẽ làm bức tranh về nợ xấu trở nên rõ ràng hơn và có thể có tình trạng các khoản nợ tái cơ cấu không thể chuyển sang nhóm nợ thấp hơn, nhóm nợ ít rủi ro hơn.
Điểm đáng chú tiếp theo là mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế khá cao (8%), đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 16%. TS. Tú Anh cho biết điều này nó sẽ khả thi nếu nền kinh tế đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng (7,5%-8%), tuy nhiênlại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nền kinh tế không thể đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, do phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.
"Khi mục tiêu kinh tế không đạt được, với sức ép tăng trưởng cao dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng khi chúng ta cố gắng đẩy tín dụng", chuyên gia nhấn mạnh.
Còn về cán cân thanh toán, chuyên gia cho biết nếu chênh lệch lãi suất USD và VND tiếp tục duy trì ở mức cao, thì có thể dự báo cán cân tài chính/cán cân thanh toán sẽ tiếp tục âm như nhiều quý trước. Khi đó, dự trữ ngoại hối sẽ không tăng mà có thể giảm, điều này sẽ làm khó khăn trong việc đưa tiền ra ngoài hệ thống ngân hàng, gây trở ngại cho việc tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, nếu tình trạng này xảy ra, nợ tái cơ cấu hay các khoản nợ thuộc nhóm 3 và nhóm 4 sẽ khó có thể chuyển sang nhóm nợ cao hơn, tạo ra thêm rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong việc duy trì chất lượng tài sản.
(Nguồn: VIS Rating)
Đồng quan điểm với chuyên gia Tú Anh, VIS Rating cũng đưa ra ba yếu tố rủi ro chínhtrong năm 2025 tại một số lĩnh vực mà ngân hàng đang cho vay (bất động sản, sản xuất thương mại, xây dựng,...) bao gồm rủi ro quản trị, sự phục hồi không đồng đều từ thị trường bất động sản và áp lực từ tỷ giá.
Về rủi ro quản trị đối với ngành ngân hàng có thể tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng do sự liên hệ chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với một số doanh nghiệp lớn (chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản) khi mà các doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Ngoài ra, sự cạnh tranh trong huy động tiền gửi cũng sẽ tiếp tục gia tăng khi mà nhu cầu tín dụng tăng lên (mục tiêu 16%), trong khi các ngân hàng nhỏ ngày càng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng và bộ đệm tài sản thanh khoản ở mức thấp sẽ gặp phải những rủi ro về áp lực chi phí vốn tăng cao cũng như rủi ro về mặt thanh khoản.
(Nguồn: VIS Rating)
Minh Nguyệt