Áp lực tiến độ dồn lên các dự án đầu tư công

Áp lực tiến độ dồn lên các dự án đầu tư công
2 giờ trướcBài gốc
Theo kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư công năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 30/9, giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) đạt khoảng 70% tổng số vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, kết quả giải ngân được 1.725,7 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và 46% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Với tình hình mưa bão kéo dài như thời gian qua và dự kiến tiếp tục khó lường trong thời gian tới, các địa phương phải chịu áp lực rất cao về tiến độ dự án đầu tư công.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn tránh thành phố Hòa Bình.
Theo Sở KH&ĐT, thời gian qua, các chủ đầu tư đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công bằng cách tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tế tại công trường; chỉ đạo các bộ phận đẩy nhanh tiến độ, kịp thời nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Kết quả đến ngày 30/9 đã giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 46% vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án (cùng kỳ năm 2023 đạt 14% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao). Với kết quả này, tỷ lệ giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2024 của tỉnh đạt cao hơn so với trung bình cả nước. Trong đó, một số nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân đạt khá như: vốn theo tiêu chí, định mức ngân sách tỉnh (74%), vốn ODA (93%)...
Mặc dù nỗ lực nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả thực hiện các dự án đầu tư công đến nay vẫn chậm so với yêu cầu tiến độ đề ra. Trong đó, khá nhiều nguồn vốn, chương trình có tỷ lệ giải ngân chưa cao (dưới 50%). Đáng nói, tỷ lệ giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt khoảng 40% kế hoạch vốn giao năm 2024. Đối với nguồn vốn được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024, kết quả giải ngân đến thời điểm này cũng còn hạn chế. Trong đó, vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH mới giải ngân 122 tỷ đồng, đạt 2,6%; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân vì theo chủ đầu tư có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nội dung công việc chưa hoàn thiện vì phải đảm bảo quy định của nhà tài trợ, các công việc đều phải xin ý kiến từ Trung ương, việc rút vốn phải thông qua Bộ Tài chính...
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng lý giải các nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân VĐTC bao gồm: vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (chủ yếu là vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù còn chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành; chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ dân, đặc biệt là về số tiền bồi thường khi bị thu hồi đất. Một số chủ đầu tư còn thiếu sát sao, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng thi công... Đặc biệt, từ tháng 7 đến nay, tình hình thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng bất lợi, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Đối với các dự án gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể triển khai thực hiện giải ngân ngay hoặc dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn với tổng số vốn 323,6 tỷ đồng (gồm 4 lần điều chỉnh).
Năm nay, tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng VĐTC; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng, trong đó, nguồn thu từ sử dụng đất tăng 233,264 tỷ đồng, vốn đầu tư khác tăng 100 tỷ đồng. Về kế hoạch VĐTC được phép kéo dài thực hiện sang năm 2024, tổng nguồn vốn 4.953,083 tỷ đồng. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 30/9, tổng số vốn giải ngân là 2.415,5 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và 64% kế hoạch UBND tỉnh đã giao chi tiết. Tuy nhiên, kết quả thực hiện, toàn tỉnh không hoàn thành mục tiêu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ không đạt, trong đó có nguyên nhân diễn biến thời tiết cực đoan khiến nhà thầu không thể thực hiện các hạng mục thi công theo kế hoạch.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án đầu tư công. Phấn đấu đến ngày 30/11, giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến hết tháng 1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Để đạt kết quả này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư nghiêm túc nhìn nhận những nguyên nhân khách quan, chủ quan, hạn chế, yếu kém, từ đó rút kinh nghiệm, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc sát sao các đơn vị có liên quan; chủ động tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo tiến độ thi công công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các mốc thời gian đã được nêu trong các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Khánh An
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/12/194207/ap-luc-tien-do-don-len-cac-du-an-dau-tu-cong.htm