Đây là gợi mở, đồng thời là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế không chỉ cho năm 2025 mà cho các giai đoạn tiếp theo. Thực tế, khoán tăng trưởng không đơn thuần là một giải pháp kinh tế mà còn là chiến lược mang tính hệ thống, kết hợp giữa phân cấp và trao quyền để các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình.
Khoán tăng trưởng cũng giúp khơi dậy tính chủ động, năng động trong quản lý, xóa bỏ những rào cản, nút thắt về hành chính, loại bỏ cơ chế "xin - cho”. Và mỗi địa phương có đặc thù, lợi thế riêng nên khi được khoán mục tiêu tăng trưởng sẽ có động lực và trách nhiệm hơn trong tìm kiếm, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy sáng tạo.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên báo chí, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, đây là cách tiếp cận mới, cách làm sáng tạo trong điều hành, có khả năng tạo đột phá để nền kinh tế có thể đạt tăng trưởng 2 con số năm 2025.
Cụ thể, một chuyên gia khẳng định, khoán tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần thiết để từng địa phương phải có đột phá trong tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, tạo nguồn lực và động viên mọi khả năng, tiềm năng của địa phương để phát triển.
Mặt khác, khi khoán tăng trưởng cho từng địa phương, kết quả tăng trưởng chung của nền kinh tế mới có sự thay đổi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải chạy theo số lượng, chạy theo thành tích mà phải bảo đảm chất lượng thực chất. Ngoài ra, cần phải kiểm tra, giám sát, nhất là về chất lượng tăng trưởng của từng địa phương.
Tán thành với việc thực hiện khoán tăng trưởng, một chuyên gia khác cho rằng, thực chất khoán tăng trưởng là sự gia tăng phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương, để tiềm năng địa phương được huy động lớn nhất cho tăng trưởng. Đây vừa là áp lực và vừa là động lực phát triển kinh tế địa phương. Áp lực này đòi hỏi các địa phương phải đổi mới cách thức vận hành, nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm mô hình, chính sách, tránh chạy theo số lượng, không chú ý đến chất lượng.
Tăng trưởng của một nền kinh tế chính là kết quả chung từ tăng trưởng của các địa phương. Bởi vậy, khi khoán tăng trưởng các địa phương buộc phải có trách nhiệm và khai thác được các lợi thế, tiềm năng cũng như duy trì nhịp độ tăng trưởng của địa phương mình. Đây là cách để chính quyền địa phương, nhất là những người đứng đầu phải có trách nhiệm tối đa trong việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước.
Thế nhưng, để thực hiện được chính sách khoán tăng trưởng, cần phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể. Đó là làm rõ sự phân cấp, rõ trách nhiệm và quyền hạn của các địa phương như thế nào. Mặt khác, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện hoặc những đề xuất, kiến nghị của địa phương cũng cần được nhanh chóng tháo gỡ.
Khoán tăng trưởng là bước đi phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý nhà nước. Theo đó, các địa phương không thụ động nhận các chỉ tiêu tăng trưởng mà phải đóng vai trò là những “đầu tàu” của nền kinh tế. Đây cũng là tiền đề, là động lực để các địa phương tự lực vươn lên, góp phần hình thành mạng lưới tăng trưởng thực chất, đồng đều, bền vững.
Ninh Hà