Thương mại điện tử sẽ cán mốc hơn 30 tỷ USD năm 2025

Thương mại điện tử sẽ cán mốc hơn 30 tỷ USD năm 2025
3 giờ trướcBài gốc
2024 tiếp tục là năm thành công
- Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2024?
- Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% trong tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng của thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số nước ta. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) cũng tham gia hoạt động thương mại điện tử; đặc biệt công nghiệp livestream vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, 2024 vẫn là năm thành công của thương mại điện tử, người dùng quen với nền tảng số phổ biến tại Việt Nam và nhiều nền tảng số trên thế giới cũng tham vọng tham gia vào thị trường nước ta; điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thương mại điện tử rất lớn.
- Để đạt được kết quả như vậy, theo ông động lực đến từ đâu?
- Năm 2024, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành; Luật Quản lý thuế cũng được sửa đổi, trong đó có những quy định liên quan đến thương mại điện tử. Điều này cho thấy hành lang pháp lý được cải thiện nhiều, giúp nguồn thu của thương mại điện tử tăng trưởng tốt; tăng lòng tin khi đầu tư kinh doanh; đây là thành công về mặt pháp lý.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng có những động lực thúc đẩy xúc tiến thương mại, giúp người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử. Đặc biệt là ở các tỉnh, địa phương có sản phẩm OCOP hay các địa phương có sản phẩm đặc thù, đặc sản chưa phổ biến thì cũng được thúc đẩy đưa lên các sàn thương mại điện tử.
- Ông dự báo như thế nào về xu hướng thương mại điện tử năm 2025?
- Tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo đạt 8%, xa hơn là 2 con số. Điều này cho thấy điều kiện phát triển kinh tế tương đối tốt, với kỳ vọng Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình với nhiều động lực kinh tế. Nhờ đó thương mại điện tử cũng sẽ có động lực phát triển mới như sức mua người tiêu dùng tốt; ngành công nghiệp mới trong thương mại điện tử như livestream sẽ tạo nhiều bước phát triển mới trong năm 2025.
Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới, ứng dụng công nghệ AI sẽ có những bước đột phá mới. Bên cạnh đó, các quy định về định danh hay các hệ thống liên quan đến truy xuất nguồn gốc sẽ ngày càng tạo ra hiệu quả tốt hơn; giúp thương hiệu sản phẩm của Việt Nam ngày càng đi vào thị trường thế giới.
Với những động lực trên, nếu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 20 - 25%/năm thì chắc chắn thương mại điện tử năm 2025 có thể cán mốc hơn 30 tỷ USD.
Không chạy đua về giá mà phải nâng cao giá trị gia tăng
- Thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng cũng đầy cạnh tranh. Theo ông, những thách thức lớn đặt ra là gì?
- Hiện nay, các khu vực, quốc gia trên thế giới đang dư thừa về sản xuất, dẫn đến tình trạng hàng ngoại với chất lượng kém, giá rẻ có thể tràn vào Việt Nam. Nếu chúng ta không có chính sách thuế tốt thì sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất trong nước; kéo theo thương mại điện tử cũng sẽ gặp một số trở ngại.
Ngoài ra, các quy định mới về thuế có thể làm cho một số doanh nghiệp lúng túng trong việc triển khai. Các công nghệ mới, các vi phạm liên quan đến lừa đảo trong thương mại điện tử cũng đang là rào cản lớn làm cho nhiều người vẫn còn e dè về lĩnh vực này. Thêm nữalà những hạn chế về hạ tầng, vận chuyển logistics, chi phí...
- Hiện, giá cả là một yếu tố rất nhạy cảm, tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng; ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp làm thương mại điện tử?
- Định hướng chiến lược trong phát triển thương mại điện tử rõ ràng là cần tập trung sản phẩm chất lượng, có uy tín. Doanh nghiệp cần xác định thay vì chạy đua về giá thì cần có chiến lược phát triển lâu dài, tránh tình trạng để dư thừa quá nhiều, giá trị quá thấp.Cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá trị sản phẩm, trải nghiệm khách hàng; xây dựng mối quan hệ gắn kết với khách hàng. Việc tạo ra các giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh bền vững hơn trong dài hạn.
- Để thương mại điện tử tăng trưởng theo hướng bền vững, việc cần phải làm là gì, thưa ông?
- Năm 2025, nếu giải quyết tốt về các hoạt động trục lợi thương mại điện tử; liên quan đến việc xây dựng hàng rào, chính sách thuế phù hợp với hàng nhập khẩu thì sẽ giúp thương mại điện tử Việt Nam phát triển. Trong năm nay, cần phải có các chính sách về ủng hộ truy xuất nguồn gốc để bảo đảm các hàng Việt Nam có thương hiệu, vừa có thể hoạt động tốt tại thị trường trong nước vừa có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.
Cần có những hỗ trợ của cơ quan quản lý đối với các vùng sâu, vùng xa, địa phương liên quan đến thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp cũng như các sản phẩm đặc sản. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại điện tử tại các địa phương. Đồng thời, tập trung đào tạo nhân lực cho thương mại điện tử. Chính phủ nên ưu tiên đào tạo cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng chủ động hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực thương mại điện tử theo nhu cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Hạnh Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/thuong-mai-dien-tu-se-can-moc-hon-30-ty-usd-nam-2025-post402461.html