Chia sẻ câu chuyện câu chuyện hợp tác thành công với nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 27/11, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư & xây dựng Phúc Khang cho biết, khi liên doanh, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài thì phải hướng đến dài hạn, bền vững. Đó là lựa chọn thông minh.
Bà chia sẻ, cách đây 6 - 7 năm, Phúc Khang xúc tiến hợp tác đầu tư với Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản và đã đầu tư thành công dự án Diamond Lotus với 800 căn hộ với tiêu chuẩn xanh tầm quốc tế.
"Sau 5 năm, chúng tôi đã có đứa con đầu lòng là dự án bất động sản xanh. Chúng tôi với triết lý kinh doanh an toàn, bền vững và đã gặp được đối tác Mitsubishi có cùng triết lý như thế", bà Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ.
Theo vị doanh nhân này, nhà đầu tư Nhật Bản khó tính, nhưng khi đã trở thành đối tác với họ thì sẽ được rất nhiều, trưởng thành nhiều. "Chúng tôi may mắn gặp được các đối tác này. Hiện chúng tôi tiếp tục làm với đối tác Nhật Bản như Aeon Mall… để tối ưu hóa trong hệ sinh thái trong phát triển khu đô thị của Phúc Khang", bà Thanh Mẫu cho biết.
Một trong những yếu tố thành công, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng, khi liên doanh, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài thì phải hướng đến dài hạn, bền vững. Đó là lựa chọn thông minh. Chính vì vậy, các dự án của Phúc Khang vẫn đang tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, xúc tiến đầu tư.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư & xây dựng Phúc Khang, chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2024. Ảnh: Lê Toàn
Trong quá trình kinh doanh, đầu tư, bà Lưu Thị Thanh Mẫu chia sẻ 2 điều sợ và 3 điều cần quản.
Bà nói về 2 điều sợ. Thứ nhất, doanh nghiệp đừng nghĩ có đất đẹp, lợi thế tốt, là doanh nghiệp địa phương, có lợi thế, nhưng thiếu kinh nghiệm, dễ bị va vào các điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, điều đầu tiên là cần hiểu các điều kiện tiên quyết của nhà đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp đã chuyển hóa để đạt các điều kiện tiên quyết đó chưa? Rất nhiều thương vụ bị đổ bể vì không xác định được điều này.
Thứ hai là xác định mục tiêu của doanh nghiệp mình. Nếu chỉ xác định mục tiêu "tiền" thì rất nguy hiểm, vì con người mới làm nên tiền, nếu không có đội ngũ chuẩn hóa, quốc tế hóa thì sẽ bị thất bại. Đa dạng văn hóa là nỗi sợ, để vượt qua nỗi sợ này phải xây dựng tổ chức học tập, người lãnh đạo cũng phải học tập.
Đối với 3 điều cần quản. Thứ nhất, cần quản trị mục tiêu trước khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài. Khi làm với nước ngoài cẩn chuẩn bị và làm tốt về kỷ luật lao động, minh bạch, vấn đề tiền là sau cùng thì lợi ích sẽ đến sau đó.
Thứ hai, quản trị sự thay đổi như thế nào? Bà kể câu chuyện về "mối tình đầu" khi Phúc Khang làm việc với Mitsubishi - một doanh nghiệp 9 tuổi với doanh nghiệp 130 tuổi. Khi họ gửi email vào lúc 2 giờ sáng ngày mùng 2 Tết thì doanh nghiệp buộc phải làm việc vào ngày mùng 2 Tết để việc hợp tác đi đến thành công.
Thứ ba, cần phải quản trị mục tiêu, quản trị được tiêu chuẩn, mô hình phát triển. Thay vì ở trong nước ngồi chờ, doanh nghiệp có thể chủ động đi tìm nguồn lực mình thiếu và tìm đòn bẩy giúp mình phát triển mạnh hơn như doanh nghiệp nước ngoài.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng, để thành công trong M&A, hãy làm bằng động lực trong sáng, và làm bằng cả trái tim dù lợi nhuận sau đó có thể thấp, nhưng có 2 điều này thì có giá trị cho cộng đồng. "Như cách tôi làm với Mitsubishi, tôi có được 4 triệu USD, vì tôi làm vượt trên kỳ vọng của họ đề ra", Tổng giám đốc của Phúc Khang chia sẻ.
Lê Quân