Nhiều chính sách hỗ trợ cho M&A
Theo KPMG (doanh nghiệp lĩnh vực kiểm toán) thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam 9 tháng qua đạt giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ, tăng 45,9% về số vụ so với cùng kỳ năm trước, nhưng lại giảm 11,3% giá trị giao dịch.
88% giá trị giao dịch này thuộc lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp. Trong đó, 4 thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất là của Vingroup và Masan.
Giao dịch thuộc các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, thực phẩm với tổng giá trị 1,9 tỷ USD, chiếm 58% giá trị các thương vụ.
Doanh nghiệp trao đổi tại diễn đàn (Ảnh BTC)
Theo ông Nguyễn Đức Tâm -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế - xã hội 2024 đã cơ bản phục vi. Năm nay tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7%. Thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng qua, đạt gần 27,3 tỷ USD, tăng 1,9% so với năm trước. Với việc đầu tư nước ngoài dự báo tăng thì hoạt động M&A được kích hoạt tốt.
Để thu hút nguồn vốn đầu tư, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đột phá, vượt trội, cũng như áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, AI...
Ông Nguyễn Đức Tâm cho biết, Bộ tham mưu cho Chính phủ tập trung tháo gỡ những vướng mắc các dự án bất động sản. Qua rà soát sơ bộ, cả nước có 66 dự án đang bị vướng với tổng nguồn vốn 129.000 tỷ đồng, trong đó, TP.HCM có nhiều dự án.
Ông Nguyễn Đức Tâm - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh BTC)
Theo ông Tâm, TP.HCM hiện nay đang có hàng nghìn dự án về bất động sản đang vướng mắc. Thời gian tới, Chính phủ xác định đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng và đưa được ngay vào nền kinh tế. Hiện nay, Bộ đang tổng hợp lại ở các địa phương để cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Có những dự án trong quá trình thực hiện pháp lý đã sai, vì vậy phải tìm hướng giải quyết.
Nhà đầu tư quan tâm đến tiêu chuẩn ESG
Tiến sĩ Nguyễn Công Ái Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận Tư vấn Thương vụ KPMG Việt Nam khá lạc quan với thị trường M&A năm 2025.
Ông cho biết, mấy ngày nay đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư mua nước ngoài mua ròng trên thị trường chứng khoán. Đó là dấu hiệu tích cực của thị trường.
Bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… giờ xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới là Trung Quốc và Mỹ.
Khác với trước, các nhà đầu tư khi tham gia mua bán sáp nhập ở Việt Nam không chỉ chú trọng yếu tố pháp lý, tài chính mà rất quan tâm đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và phát triển bền vững.
Nhà đầu tư quan tâm giá trị phát triển lâu dài chứ không chỉ trong ngắn hạn và việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp.
"AI đã trở làn sóng cho nên trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào sự sử dụng AI như thế nào. Việc sử dụng không phải thay thế nguồn nhân lực trong công ty mà để tăng năng suất lao động. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ như thế nào sẽ quyết định tương lai của doanh nghiệp, kể cả bên mua và bán đều sử dụng AI rất nhiều" - Tiến sĩ Nguyễn Công Ái cho biết.
Đại biểu tham dự diễn đàn (Ảnh BTC)
Về lĩnh vực mà các nhà đầu tư lựa chọn M&A trong thời gian tới, ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - Khối nguồn vốn Ngân hàng Citi tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có dân số lớn, trẻ, thu nhập tăng, nên nhu cầu sở hữu tài sản, mua sắm, đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu về tiêu dùng, y tế, giáo dục, làm đẹp sẽ tăng và ngày càng tăng mạnh mẽ, nên những thương vụ về y tế, giáo dục rất tiềm năng.
Đồng quan điểm này, bà Lê Bình - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn thương vụ ASART cho rằng, nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng sạch và bền vững.
"Chúng ta thấy sản xuất là ngành cơ bản, trọng điểm xương sống của nền kinh tế đang được nhà đầu tư rất quan tâm. Yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị) trong ngành này luôn được chú trọng. Ngành nông nghiệp sạch sẽ là xu hướng mới trong tương lai, các nhà đầu tư đã và đang tập trung vào ngành này. Còn ngành chăm sóc sức khỏe đang được xem là ngành hót trong 3-5 năm gần đây" - bà Lê Bình nói.
Lệ Hằng/VOV-TP.HCM