Không thể lấy cớ lo buôn lậu, ảnh hưởng nông dân, doanh nghiệp để trì hoãn tăng thuế
Thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như trong dự thảo Luật là quá sốc. Nếu trong vòng 4 năm mà tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với thuốc lá, áp dụng cả thuế 75% lẫn thuế tuyệt đối với từng bao, từng điếu sẽ tác động lớn với hoạt động của doanh nghiệp và kích thích buôn lậu.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cũng cho rằng, chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là đúng đắn, vì đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. Tuy vậy, mức độ tăng thuế trong dự thảo là quá cao.
Theo đại biểu, việc tăng sốc thuế chỉ đạt được mục tiêu giảm cầu nếu làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá. Nếu không chống được buôn lậu, việc tăng thuế lại mang đến hậu quả tai hại.
“Buôn lậu thuốc lá siêu lợi nhuận vì trốn tất cả các khoản thuế cộng vào khoảng hơn 200%. Vì vậy, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật buôn lậu thuốc lá, tăng thuế sốc sẽ làm buôn lậu thuốc lá càng phát triển. Hiện nay, công tác chống buôn lậu thuốc lá đã được tăng cường song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Việc tăng thuế sốc chưa có tiền lệ sẽ khiến buôn lậu thuốc lá càng tăng mạnh, có thể khiến người dân tìm đến thuốc lá lậu. Khi đó, mục tiêu giảm cầu thuốc lá không đạt được mà mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho người dân càng không đạt được”, đại biểu cảnh báo.
Không chỉ thế, đại biểu cũng cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt quá mạnh sẽ khiến ngân sách thất thu, doanh nghiệp - chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước- bị ảnh hưởng nặng nề, hơn 90.000 nông dân trồng thuốc lá và 10.000 lao động tại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá cũng bị ảnh hưởng.
Với các lý do trên, đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng mức tăng, lộ trình tăng thuế với thuốc lá, thêm thời gian để doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, chuyển từ sản phẩm phân khúc giá rẻ sang phân khúc chất lượng cao.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá như dự thảo của Chính phủ vì tác hại mà thuốc lá gây ra cho người dân và nền kinh tế là rất lớn.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) ủng hộ đánh thuế cao với thuốc lá
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho hay, ở Việt Nam mỗi năm trung bình có gần 70.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.
So với thế giới Việt Nam nằm trong top các quốc gia có nhiều cái nhất: giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất và chậm điều chỉnh trong suốt thời gian dài, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm khoảng 108.000 tỷ và chiếm 1,14% GDP của mỗi năm, trong khi chi phí cho khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu mới chỉ chiếm 0,82%, còn giáo dục là khoảng gần 5% GDP.
Về lo ngại thuế tăng sốc sẽ dẫn tới nhập lậu gia tăng vì hàng nhập lậu rẻ hơn, đại biểu cho rằng, thực tế cho thấy người tiêu dùng chọn mua thuốc lá không hẳn vì rẻ. Thực tế, nhiều loại thuốc lá lậu có giá cao hơn thuốc lá hợp pháp khác. Cụ thể, thuốc lá lậu Jet và Hero có giá cao hơn 30-60% giá thuốc lá hợp pháp trung bình trong nước song vẫn cháy hàng do đây là dòng thuốc có lượng nicotine cao, được nhiều người nghiện thuốc lá lâu năm ưa chuộng. Bởi vậy, tăng thuế không phải là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng buôn lậu thuốc lá điếu.
Về mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người nông dân và người lao động, đại biểu Thanh Thúy cho rằng, mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Tổng số lao động của ngành này chỉ chiếm 0,4% tổng số lao động của nền kinh tế và lao động trong ngành này ngày càng giảm trong 10 năm trở lại đây. Diện tích trồng thuốc lá ở nước ta cũng ngày càng giảm. Có tới 2/3 nguồn nguyên liệu thuốc lá cho sản xuất trong nước là nhập khẩu.
Tóm lại, tác hại của việc tăng thuế thuốc lá là không đáng kể trong khi theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tăng giá bán lên 10% thì tiêu thụ giảm khoảng 4% - 5%.
Thậm chí, để nhanh chóng đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới, đại biểu còn đề nghị dự thảo Luật bổ sung phương án 3, tăng thuế mạnh hơn nữa với thuốc lá. Theo đó, năm 2026 áp dụng thuế suất 75% với thuốc lá, cộng thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao và tịnh tiến đến thuế suất 75% cộng với thuế tuyệt đối 15.000 đồng một bao thuốc lá vào năm 2030 và sẽ có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đặt mục tiêu của Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc.
Giá thuốc lá quá "bèo" so với khu vực, Bộ Tài chính quyết tăng mạnh thuế
Hồi đáp các ý kiến của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thuốc lá tác hại vô cùng lớn, mỗi năm khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá, chúng ta phải tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD cho việc chữa bệnh liên quan đến thuốc lá gây ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình thêm về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Thứ hai là thuốc lá ở Việt Nam giá rất thấp, chỉ từ 6.000 cho đến là 20.000 đồng/bao. Tiền thuế trên mỗi bao thuốc lá ở Việt Nam chỉ khoảng 7.000 đồng trong khi ở Singapore lên tới 200.000. Một bao thuốc lá ở Singapore có thể lên tới 50 đô la Singapore (SGD), tính ra bình quân 9.000 đồng/điếu, tức một điếu thuốc lá ở Singapore đắt hơn cả một bao thuốc lá loại rẻ tại Việt Nam. Đây là lý do khiến Chính phủ đề xuất phương án tăng thuế như trong dự thảo.
Theo dự thảo, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: dự thảo giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Mục tiêu của quy định là để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 - 2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (75%).
Theo đó, trong dự thảo, Chính phủ nghiêng về tăng thuế theo phương án 2: Đối với thuốc lá điếu: 5.000 đồng/bao (từ năm 2026), 6.000 đồng/bao (từ năm 2027), 7.000 đồng/bao (từ năm 2028), 8.000 đồng/bao (từ năm 2029), 10.000 đồng/bao (từ năm 2030).
Đối với xì gà: 50.000 đồng/điếu (từ năm 2026), 60.000 đồng/điếu (từ năm 2027), 70.000 đồng/điếu (từ năm 2028), 80.000 đồng/điếu (từ năm 2029), 100.000 đồng/điếu (từ năm 2030).
Đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm: 50.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026), 60.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2027), 70.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2028), 80.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2029), 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với phương án 2 nhằm góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách trong định hướng tiêu dùng và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Thùy Liên