Cần mở rộng đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường
Chiều 27/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận, các ý kiến thống nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến thảo luận cụ thể về việc đáp ứng các mục tiêu của cải cách hệ thống thuế, với tinh thần đổi mới, hiệu quả và phù hợp thực tiễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường, thuốc lá, phương tiện vận tải, máy điều hòa nhiệt độ và một số hàng hóa khác.
Có ý kiến về đối tượng chịu thuế quy định tại điểm l khoản 1 Điều 2 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn TP Đà Nẵng nhất trí đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường.
Đại biểu bày tỏ lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Trong khi đó, trên thực tế nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát.
Theo đó đại biểu đề nghị, Luật nên quy định theo một trong hai hướng: áp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml; liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị bày tỏ sự quan tâm đến nội dung khấu trừ và hoàn thuế đối với các loại ôtô chuyên dùng.
Theo đại biểu, hiện nay, việc sản xuất các loại xe ôtô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân và xe ôtô chuyên dùng khác còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.
Lấy ví dụ về trường hợp xe cứu thương, đại biểu cho biết, để sản xuất xe cứu thương, các doan nghiệp phải sử dụng đầu vào là chiếc xe 9 chỗ hoặc 12 chỗ chưa gắn nội thất.
Những chiếc xe đầu vào thuộc diện chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất có thể lên đến 50%. Nhà sản xuất khi mua nguyên liệu đầu vào này đã phải trả thuế thông qua giá mua xe.
Sau khi cải tạo xe thương mại này thành xe cứu thương bán ra thì xe cứu thương thuộc diện không chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được khấu trừ hay hoàn thuế đối với thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất các xe ôtô cứu thương ở Việt Nam tăng từ 30-40%.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận.
Xe thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô chuyên dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu.
Vì vậy thuế thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm.
Khẳng định không được hoàn thuế đối với thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Thủ tướng, Bộ trường Hồ Đức Phớc cho biết, xe thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế TTĐB.
Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Giải trình liên quan đến ý kiến đại biểu về nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua ghi nhận, các đại biểu đồng tình rất cao đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam 5g/100ml để đảm bảo sức khỏe cho người dân và phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, Tiêu chuẩn Việt Nam do Chính phủ quy định, do đó Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ như đại biểu lo ngại đánh thuế với sản phẩm nước dừa, sữa, sản phẩm từ sữa, nước hoa quả, cacao...,
Phó Thủ tướng khẳng định những loại này sẽ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ sẽ quy định cụ thể nội dung này trong Nghị định hướng dẫn.
Trước băn khoăn của đại biểu vì sao đánh thuế đối với sản phẩm nước giải khát có đường mà không phải đường rắn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, nước giải khát có đường lỏng hấp thụ vào gan rất nhanh, gây ra nhiều bệnh; còn đường thể rắn dung nạp và tác động sẽ chậm hơn, được ngăn ngừa kiểm soát tốt hơn.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhằm hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan.
Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon.