Cần lộ trình hợp lý, tránh tăng sốc
Tham gia thảo luận tại hội trường dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chiều 27/11, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) bày tỏ ủng hộ sự cần thiết của Dự thảo Luật, đồng thời nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, bởi đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng.
“Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình)
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị cần xem xét thận trọng và căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng, nhằm đảm bảo phù hợp, tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu đề ra.
“Việc tăng thuế quá cao và nhanh chóng sẽ dẫn đến gia tăng buôn lậu thuốc lá, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và không đạt được mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng. Việc tăng thuế trong khi công tác chống lậu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ là vấn đề hết sức cân nhắc để tránh những hệ lụy tai hại”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường lo ngại.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) phân tích, với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối, cộng thêm áp dụng cả hai phương án do Chính phủ trình là 10.000 đồng một bao. Như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở Phương án 1 và hơn 100% ở Phương án 2.
Đại biểu cho rằng việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh)
"Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động", nữ đại biểu nói.
Đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hai phương án tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá như dự thảo Luật là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều góc độ: kinh tế, xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.
Ủng hộ việc áp dụng thuế TTĐB đối với các mặt hàng xa xỉ nhằm định hướng tiêu dùng, song đại biểu Trịnh Xuân An (Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) đề nghị cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời lưu ý cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh)
"Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh", ông An nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An ủng hộ tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá để giải quyết vấn đề sức khỏe và môi trường, song đại biểu cũng đề nghị cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp và người dân.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để cân nhắc không quy định về các dạng thuốc lá khác để hút, hít, ngậm tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này.
Theo nữ đại biểu, có thể xem như đây là một giải pháp bước đầu khắc phục điểm hở trong khi chúng ta chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời cũng là thực hiện Công điện số 47/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của các loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
"Cũng có ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa sửa thì chưa thể cấm các loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; tuy nhiên, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là không quy định chứ khống cấm", đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm.
Vì vậy, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo không quy định các dạng thuốc lá khác để hút, hít, nhai ngậm tại Điều 8 về thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ và biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại dự thảo Luật như vừa nêu trên.
Phó Thủ tướng: Giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp
Giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, tác hại của thuốc lá rất lớn, mỗi năm 40.000 người tử vong, tiêu tốn 1 tỷ USD chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Phó Thủ tướng cho hay, giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp, chỉ từ 6.000 - 20.000 đồng/bao. Bình quân chỉ 7.000 đồng tiền thuế trên mỗi một bao thuốc lá, mức rất thấp. Để hạn chế tác hại của thuốc lá đến sức khỏe nhân dân và đời sống xã hội, tương lai hạnh phúc giống nòi cần tăng thuế này lên cao.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu nêu.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ tại Singapore, nước này kiểm soát thuế rất cao với thuốc lá nên giá mua một bao thuốc lá ở Singapore có thể lên đến 50 Đô la Sing.
"Tính ra bình quân khoảng 9.000 đồng/điếu thuốc lá, tức là đắt hơn cả một bao thuốc lá rẻ nhất của Việt Nam", Phó Thủ tướng dẫn giải.
Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đánh thuế thuốc lá với lý do như vậy; ngoài ra còn phải đánh thuế với các loại thuốc lá khác vì mục tiêu giảm tác động đến xã hội, môi trường.
Liên quan đến ý kiến đại biểu về nước giải khát có đường, các đại biểu đồng tình rất cao đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam 5g/100ml để đảm bảo sức khỏe cho người dân và phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Tiêu chuẩn Việt Nam do Chính phủ quy định, do đó, Chính phủ sẽ quy định loại nước giải khát nào không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Ví dụ như đại biểu lo ngại đánh thuế với sản phẩm nước dừa, sữa, sản phẩm từ sữa, nước hoa quả, cacao..., Phó Thủ tướng khẳng định, những loại này sẽ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ sẽ quy định cụ thể nội dung này trong Nghị định.
Trước băn khoăn của đại biểu vì sao đánh thuế đối với sản phẩm nước giải khát có đường mà không phải đường rắn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng lý giải: “dạng lỏng theo Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức y tế đánh giá là dạng nước giải khát có đường lỏng thì sẽ hấp thụ vào gan rất nhanh, như vậy sẽ gây ra các bệnh, ví dụ như bệnh tiểu đường hoặc là các bệnh khác. Đối với loại đường thể rắn thì dung nạp sẽ chậm hơn và tác động sẽ chậm hơn, vì vậy được kiểm soát và ngăn ngừa tốt hơn”.
Cẩm Tú/VOV.VN