“Không dẹp cỏ dại thì làm sao lúa mọc được”?
Chiều 14/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Chiều 14/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm về quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; các cơ chế, chính sách ưu đãi để kinh tế tư nhân phát triển…
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng quy định mỗi năm không được thanh tra quá 1 lần, trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng sẽ gây khó cho các cơ quan làm công tác thanh tra, loại bỏ hiệu quả của thanh tra.
“Liệu thanh tra, kiểm tra nhiều có phải là một trong những nguyên nhân làm cho kinh tế tư nhân không phát triển được không. Tôi đề nghị có số liệu cụ thể, nếu không ngành thanh tra sẽ bị “trói chân, trói tay”, bà Lan đặt vấn đề.
Đại biểu cho rằng, những nguyên nhân khiến kinh tế tư nhân chưa phát triển như mong muốn là do doanh nghiệp thiếu vốn, lãi suất vay chưa thực sự ưu đãi, các thành phần kinh tế nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chưa được khuyến khích…
Bên cạnh đó, những người làm ăn chân chính còn phải cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng; bán phá giá; chi phí mặt bằng, giá cả, đầu ra cho sản phẩm…
Bà Lan cho rằng, quy định này đặt trong bối cảnh thực phẩm bẩn, hàng hóa nhập lậu kém chất lượng tràn lan là rất đáng lo ngại, doanh nghiệp sau khi được thanh tra có thể nảy sinh tâm lý vi phạm với thời gian còn lại trong năm (vì chỉ bị thanh, kiểm tra 1 lần/năm).
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phát biểu.
“Nếu không đẩy mạnh thanh, kiểm tra để dẹp cỏ dại thì làm sao lúa mọc được". Một doanh nghiệp chân chính thì giá thành sản phẩm họ làm ra lại không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp làm ăn “chụp giật”, bà Lan nhìn nhận.
Nhắc đến vụ lòng se điếu, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thanh tra đột xuất sẽ giúp phát hiện những vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. “Nhưng khi thành lập đoàn, đoàn kiểm tra của TPHCM kiểm tra cơ sở bán lòng se điếu nhưng “có tìm thấy đoạn lòng se điếu nào đâu, mà phải lấy mẫu ngẫu nhiên lòng heo bán trong quán về để kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm thôi”, bà Lan cho biết.
Theo đại biểu, hiện nay, các đối tượng vi phạm núp rất kỹ, rất sâu, rất khó phát hiện, trừ khi “công an phá cửa xông vào”, nếu hạn chế số lần thanh tra đột xuất thì có thể tình trạng này sẽ thêm nghiêm trọng.
Từ đó, đại biểu đề nghị: “Có chính sách, cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển là điều hoàn toàn chính đáng nhưng phải phân tích cụ thể những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải thì mới giải quyết tận gốc được vấn đề”.
Mong muốn sự bình đẳng doanh nghiệp Nhà nước - tư nhân
Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cũng bày tỏ kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ tạo những cú hích đột phá về các chính sách để kinh tế tư nhân phát triển. Theo bà Yến, điều mà nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp mong muốn là sự bình đẳng trong kinh doanh.
“Tôi đề xuất đổi tên của Chương II nghị quyết từ cải thiện môi trường kinh doanh thành tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”, đại biểu Yến nói.
Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) phát biểu.
Đại biểu cho rằng điều này sẽ góp giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, góp phần cải cách thể chế, kích thích phát triển kinh tế tư nhân.
Bà Yến cũng đề cập đến những chính sách khác để làm sao doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận và hưởng ưu đãi như đất đai, mặt bằng, tài chính, tín dụng, thuế, phí…
Đại biểu Trần Anh Tuấn thì cho rằng, đối tượng được hỗ trợ thuế ở đây là các khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Luật đã phân loại nhiều loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc hai thành viên…
Tuy nhiên, ông đề nghị phân loại các doanh nghiệp theo hình thức sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp được xem là doanh nghiệp tư nhân khi vốn chủ sở hữu tư nhân chiếm trên 50% vốn điều lệ. Các loại hình như công ty cổ phần, công ty liên doanh, công ty hợp danh mà vốn Nhà nước dưới 50% mới được xem là thuộc đối tượng doanh nghiệp tư nhân.
“Phân loại theo hình thức sở hữu như vậy sẽ giúp xác định rõ ràng đối tượng áp dụng. Nếu không các doanh nghiệp có vốn hỗn hợp sẽ không được điều chỉnh và không được hưởng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi phù hợp”, đại biểu Tuấn nói và khẳng định phân loại như vậy mới đảm bảo bao phủ toàn bộ nền kinh tế, tránh bỏ sót đối tượng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, cần cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân còn chưa bao quát được hết việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, nên có hành lang pháp lý đủ mạnh để các doanh nghiệp “ma”, lập khống lên để trục lợi chính sách từ Nghị định 68.
Do vậy, để tạo sự phát triển bứt phá cho tất cả doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu quan điểm, cơ quan thẩm tra dự án Luật nên tiếp tục trao đổi với Chính phủ, các Bộ ngành để tìm hiểu rõ hơn những điểm nghẽn trong các lĩnh vực, ngành nghề để từ đó đưa ra các giải pháp, có sự phân loại cụ thể nhằm xây dựng sự bình đẳng cho các doanh nghiệp trong tiếp cận sự hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng khuyến cáo nên có hành lang pháp lý đủ mạnh để các doanh nghiệp “ma”, lập khống lên để trục lợi chính sách từ Nghị định 68 không có "cửa" làm ăn, từ đó khuyến khích doanh nghiệp chân chính kinh doanh.
Đề xuất thủ tục đầu tư theo hình thức rút gọn
Về hỗ trợ thủ tục đầu tư, đại biểu Trần Anh Tuấn đánh giá Điều 15 dự thảo nghị quyết quy định rõ ràng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và lớn, cũng như các tập đoàn kinh tế có tầm vóc toàn cầu, khi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu và mang tính chiến lược quốc gia. Các lĩnh vực này bao gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, năng lượng, hạ tầng số, vùng xanh, an ninh quốc phòng…
“Đây đều là những lĩnh vực then chốt, cấp bách và có vai trò trọng yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội”, ông Tuấn nói và cho rằng thủ tục đầu tư trong các lĩnh vực này cần được áp dụng theo hình thức rút gọn, đảm bảo các biện pháp toàn diện từ cơ chế tài chính, tín dụng, tiếp cận đất đai, thị trường, đến cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công.
Việc rút gọn thủ tục đầu tư phải được quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục nhằm rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhiều thủ tục đầu tư còn gây cản trở cho doanh nghiệp.
Phi Long/VOV.VN